Trẻ bị sang chấn tâm lý luôn 'sống trong sợ hãi'

09/10/2019 09:01 GMT+7

Bị cô giáo đánh, bị bạn bè bắt nạt, bị xâm hại tình dục hay bị bêu xấu trên mạng xã hội ... đều khiến một đứa trẻ rơi vào sang chấn tâm lý và có thể sẽ ảnh hưởng suốt cuộc đời nếu không được hỗ trợ sớm và đúng cách.

 

Hiện tượng phổ biến

Câu chuyện của Lợi (21 tuổi), hiện là sinh viên năm 2 của một trường ĐH tại Hà Nội, được chuyên gia tâm lý thuộc Tổ chức Hagar (một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ bảo vệ, phục hồi và nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của mua bán người, bạo hành gia đình và xâm hại tình dục), kể lại trong buổi tọa đàm với chủ đề “Hàn gắn cộng đồng qua cách hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý” do Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức hôm qua (8.10), khiến người nghe xúc động. Lợi từng trải qua rất nhiều sang chấn, xuất phát từ việc trước đó cô bị xâm hại tình dục rồi bị kỳ thị tại chính ngôi làng của mình. Lợi đau đớn khi gia đình của kẻ xâm hại cáo buộc cô và gia đình đã gài bẫy con trai họ. Bị đổ lỗi, bị mọi người nhìn bằng ánh mắt xa lánh khiến Lợi không dám bước ra khỏi nhà, không dám nói chuyện với bất cứ ai, mất hết niềm tin vào cuộc sống.
“Ban đầu, khi tiếp xúc với chúng tôi, Lợi không thể nói về sự việc mình từng bị xâm hại tình dục. Sau khi được chuyên gia tâm lý đồng cảm, thấu hiểu Lợi mới cảm thấy mình được an toàn và bắt đầu cởi mở hơn, chia sẻ câu chuyện của mình. Lợi dần thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực và bắt đầu đi làm rồi đi học ĐH”, thạc sĩ Tô Thị Hạnh, Trưởng nhóm Hỗ trợ, dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý thuộc Tổ chức Hagar chia sẻ.
Từ câu chuyện trên, thạc sĩ Hạnh cho biết, hiện tượng sang chấn tâm lý ngày càng phổ biến ở VN, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ. Khi trẻ trải qua một nỗi khiếp sợ, một cú sốc nào đó như bạo lực gia đình, nhìn thấy bạn bè bị đánh hoặc chính mình bị bắt nạt ở trường học, bị bêu xấu trên mạng xã hội hay gặp thảm họa thiên nhiên, tai nạn giao thông… đều có thể khiến trẻ bị sang chấn.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Các vấn đề nhức nhối hiện nay như xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình có tác động tiêu cực rất nhiều đến tâm lý trẻ em, học sinh. Nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm, không dành thời gian cho con, để con rơi vào cảm giác đơn độc khiến sức “đề kháng” của con với môi trường xung quanh thấp, không đủ nội lực, yếu đuối, dễ khiếp sợ. Vì thế con dễ rơi vào những cơn sang chấn”.

“Có thể gây ám ảnh suốt cuộc đời”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Tú, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu ra những yếu tố tâm lý của người bị sang chấn: “Họ có cách phản ứng sợ hãi, bất lực, vô vọng, kinh hoàng khi nhắc lại tình huống đó. Về mặt cảm xúc, hậu quả để lại của sang chấn thường thấy là trầm cảm, lo âu, bất lực và hay nổi cơn thịnh nộ. Hậu quả trên phản ứng cơ thể dễ thấy nhất là khó ngủ và hay gặp ác mộng, rối loạn ăn uống. Khi không trực diện với sự kiện sang chấn nghiêm trọng, thì cảm giác căng thẳng và ký ức hoảng hốt sẽ ập về thường xuyên, lặp đi lặp lại trong phần còn lại cuộc sống. Vấn đề này có thể tiến triển thành rối loạn stress sau sang chấn”.
Tiến sĩ Tú kể lại, mình từng chứng kiến nhiều biểu hiện sang chấn của trẻ. Chẳng hạn có cậu bé 6 tuổi trở nên bạo lực khi thường xuyên đánh mẹ rồi khóc, đi trên đường nghe thấy tiếng xe máy là dùng chân đạp vào xe, thấy khó chịu với tất cả mọi thứ. “Những đứa trẻ bị sang chấn mang một tổn thương lớn về tinh thần và mất hết niềm tin vào cuộc sống. Cảm giác khiếp sợ khi phải chứng kiến hay trải qua điều kinh khủng trước đó sẽ đeo đuổi cho đến khi lớn lên, thậm chí suốt cuộc đời”, tiến sĩ Tú nhận định.
“Có phục hồi được hay không, nhanh hay chậm còn dựa vào sức mạnh nội tại của trẻ bị sang chấn. Nhưng nếu chúng ta xây dựng một cộng đồng biết lắng nghe, quan tâm, tha thứ và biết cảm thông, yêu thương thì điều đó hoàn toàn có thể”, tiến sĩ Tú nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.