Tri ân những giáo viên hết lòng vì trẻ khuyết tật

28/10/2018 19:33 GMT+7

Trong hai ngày 27-28.10, T.Ư Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tại tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Tham dự chương trình có anh Nguyễn Kim Quy, Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam và ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long.
Ban tổ chức đã đến thăm và tặng quà cho cô Nguyễn Thị Phương Thùy, giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long và cô Nguyễn Ngọc Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, ban tổ chức đã đến thăm và tặng quà cho cô Nguyễn Thị Thu Thanh, giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Q.10, TP.HCM.
Anh Nguyễn Kim Quy, Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam (bìa phải) và ông Nguyễn Đình Tâm (bìa trái), Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long thăm và tặng quà tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang Ảnh: Lê Thanh

Đây là những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ...
Mỗi thầy giáo, cô giáo chọn để tuyên dương trong chương trình này được nhận một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và Bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD-ĐT...
Trong năm 2018, chương trình dự kiến sẽ tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội...
Để giúp trẻ khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng, cô Nguyễn Ngọc Hạnh, giáo viên Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ kinh nghiệm: “Trước hết phải xác định nhu cầu năng lực của từng trẻ. Đây là một việc làm bắt buộc trong giáo dục hòa nhập. Vì nếu chúng ta có tìm hiểu nhu cầu và khả năng của trẻ thì mới có thể xây dựng được kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ và các hoạt động hỗ trợ khác”.
Tiếp đến, cô Hạnh chọn phương pháp và điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp với từng trẻ “Tôi đã từng bước lựa chọn và điều chỉnh, bằng cách tạo tình huống cho trẻ nói, dạy trẻ nói những câu ngắn gọn, đơn giản. Sử dụng những từ đơn giản khi hướng dẫn và kiểm tra việc học tập của trẻ Cố gắng kết hợp bài học với kinh nghiệm từ cuộc sống thường ngày của trẻ”, cô Hạnh, cho biết.
Chia sẻ về chương trình này, anh Nguyễn Kim Quy, Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi luôn ghi nhận những cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật, bởi đây là những tấm gương luôn vì thế hệ trẻ, xứng đáng được xã hội tôn vinh”.
Với tư cách là người đồng hành xuyên suốt của chương trình, ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, nói: “Sở dĩ chúng tôi thực hiện chương trình này là vì chúng tôi muốn tri ân những thầy cô giáo. Nghề giáo đã vất vả nhưng với những giáo viên dạy trẻ khuyết tật, sự hy sinh này còn lớn hơn, vất vả, khổ nhọc hơn rất nhiều. Có những người bám trụ với công việc này hàng chục năm, chứng tỏ phải có sự hy sinh, lòng yêu nghề, mến trẻ thật sự và những người đồng hành như chúng tôi nói riêng và xã hội nói chung luôn ghi ơn những công việc dạy trẻ của các thầy cô giáo”.
Cô Nguyễn Thị Phương Thùy, giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long dạy trẻ khuyết tật Ảnh: Lê Thanh
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long (bìa phải) tặng quà cô Nguyễn Thị Phương Thùy, giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long Ảnh Lê Thanh
Học sinh chuyên biệt tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang Ảnh: Lê Thanh
Đoàn đến thăm và tặng quà cho giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Q.10, TP.HCM Ảnh: Lê Thanh
Anh Nguyễn Kim Quy (bên trái) và ông Nguyễn Đình Tâm thăm xưởng in sách chữ nổi cho người mù tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Q.10, TP.HCM Ảnh: Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.