Triệt tiêu biến tướng dạy thêm học thêm

25/06/2016 05:06 GMT+7

Chuyện dạy thêm - học thêm ở nhà trường phổ thông sẽ khó đi đến hồi kết và ngày càng biến tướng đến độ nếu không thay đổi tư duy thì ngành giáo dục chỉ có thể ban hành những chủ trương quản lý theo kiểu chạy theo.

Nghịch lý từ một nhu cầu có thực
Dạy thêm - học thêm là chuyện tất yếu xảy ra theo quy luật cung cầu khi kinh tế - xã hội phát triển. Ở nước ta, lẽ ra học thêm là nhu cầu của học sinh (HS) khá giỏi, cần tiếp cận kiến thức cao hơn mức phổ thông được dạy đại trà trong chương trình chính khóa hoặc nhu cầu tăng cường rèn luyện kỹ năng cho một bộ phận khác bị hội chứng suy giảm kỹ năng học tập.
Dạy thêm là nhu cầu làm thêm của giáo viên để có nguồn thu nhập ngoài lương bằng chính nghiệp vụ của mình nhằm bảo đảm kinh tế gia đình và hàm dưỡng nghề nghiệp. Nếu vậy thì đó là nhu cầu có thực của nhà trường và xã hội, của thầy và trò, sự gặp nhau của hai nhu cầu ấy rất chính đáng.
Vấn đề nổi cộm trong hoạt động dạy thêm - học thêm hiện nay chính là sự lặp lại tràn lan những phần việc mà lẽ ra nó đã phải được hoàn tất từ quá trình sư phạm chính quy diễn ra trong nhà trường, đã được chi trả từ tiền thuế và học phí mà nhân dân đóng góp.

Trong mỗi trường học hiện nay tồn tại song hành 2 hệ thống lớp học: Lớp ban ngày dạy theo chương trình chính khóa. Lớp ban đêm và trong ngày nghỉ là dạy thêm. Hình ảnh cha mẹ đút cơm bánh cho con, HS tranh thủ uống vội ly nước để vào lớp học thêm sau buổi học chính đã trở thành biểu tượng khiên cưỡng - lạc điệu cho truyền thống hiếu học. Tính cách phi giáo dục và phi kinh tế hiện rõ ở chỗ: Người dạy tạo ra thị trường cho riêng mình từ chính cơ sở giáo dục của nhà nước, lấy thu nhập thêm làm chính. Người học coi lớp học thêm là chính, lớp học chính như thêm, đại bộ phận người đi học phải chi trả đến 2 lần tiền cho một sản phẩm được cung ứng.
Đó là đầu mối dẫn đến sự xuống cấp tinh thần trách nhiệm và lương tâm nhà giáo, sự quá tải chịu đựng ở HS, sự tốn kém tiền bạc của nhân dân, tệ mua bán bằng cấp ở mọi cấp học, và sự chạy theo thành tích - gian dối về kết quả thi. Hệ quả nhãn tiền là nó đã làm biến đổi sâu sắc về cả tâm sinh lý người dạy và người học, biến đổi mục tiêu đào tạo toàn diện và cấu trúc chương trình giáo dục. Cấu trúc chương trình bị méo mó đáng sợ khi các trường đua nhau dạy trước hằng tháng trong hè, cắt giảm chương trình đối với những bộ môn không được chọn thi tốt nghiệp. Nhiều HS được học trước ở nhà thầy, luyện thi đại học từ lớp 10, tạo ra sự lồi lõm trên mặt bằng lớp học nói chung.

Đồng bộ nhiều giải pháp
Ngành GD-ĐT từ trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chủ trương và biện pháp quản lý dạy thêm - học thêm nhưng kết quả không đi về đâu. Nhưng câu hỏi đặt ra và chưa được trả lời thỏa đáng là tại sao phải cấm dạy thêm - học thêm và có cấm hẳn được không?
Thực tế tình hình cho thấy rất cần phải có giải pháp cả gói và đồng bộ.
Phải nhận diện được rằng không thể ngăn chặn hoặc phong tỏa dạy thêm - học thêm bằng các biện pháp hành chính. Tốt nhất nên thừa nhận sự chính đáng của nhu cầu học thêm ở HS và nhu cầu dạy thêm của thầy cô giáo. Điều cần thiết và cấp bách chính là phải làm triệt tiêu những biến tướng dạy và học kiểu lặp lại tràn lan. Bằng cách tăng cường chức năng kiểm tra giám sát hoạt động của hội đồng giáo dục ở mỗi nhà trường để tái lập trật tự dạy và học.

Phải co chương trình giáo dục phổ thông lại, những kiến thức lạc hậu và những gì không cần phải dạy thì mạnh dạn bỏ đi. Đặc biệt phải tạo ra sự ổn định trong lĩnh vực khảo thí. Cái gì không cần thi thì không thi, cái gì xét được đại trà thì xét. Trả lại việc tổ chức kỳ thi quốc gia tốt nghiệp bậc THPT cho các sở GD-DT. Việc tuyển sinh vào ĐH là việc riêng của bậc học này.
Tăng cường thực chất việc giảng dạy những bộ môn văn hóa đúng nghĩa như âm nhạc, hội họa, thẩm mỹ học, du lịch, nữ công gia chánh...
Đồng lương cho lực lượng nhân sự của ngành GD-ĐT cũng cần được thay đổi tích cực, để tạo ra nguồn động lực cho mọi người hăng say làm việc và thực tâm phấn đấu.
Trong hoàn cảnh ấy nhu cầu học thêm sẽ giảm, và hoạt động cung ứng dạy thêm sẽ giảm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.