Trường đại học nào sẽ phát triển thành đại học?

20/09/2019 07:04 GMT+7

Cả nước hiện chỉ có 2 ĐH quốc gia ( ĐH Quốc gia TP.HCM , ĐH Quốc gia Hà Nội ) và 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế). Nhưng theo luật giáo dục ĐH mới, dự kiến sẽ có thêm các ĐH mới được phát triển từ trường ĐH như trường hợp của Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

Trên cơ sở pháp lý của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), nhiều trường ĐH đã có chủ trương phát triển, nâng cấp thành mô hình ĐH trong thời gian tới.

3 - 4 năm nữa có thể Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đổi tên

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường ĐH này đã có chủ trương phát triển thành ĐH. Chủ trương này có từ trước đó, ngay thời điểm nhà nước bàn về việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH (năm 2017).
Theo GS-TS Phong, hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ ngày 1.7 là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương này. Trường vẫn đang chờ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật được ban hành mới bàn tới việc xây dựng đề án.
“Trường sẵn sàng cho việc này nhưng sẽ thực hiện các bước theo lộ trình và đúng quy định. Dự kiến, ít nhất cần từ 3 - 4 năm nữa để Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phát triển thành một ĐH”, GS-TS Phong nói.
Theo GS-TS Phong, để làm được việc này thì trước hết các khoa hiện tại cần phát triển thành 3 - 4 trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nói về mô hình ĐH trong tương lai so với hiện tại, theo GS-TS Phong, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi. Thậm chí có thể phải đổi cả tên trường để không phải là ĐH về một lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông Phong khẳng định: “Dù có phát triển thành mô hình ĐH thì trường này vẫn giữ ổn định quy mô đào tạo như hiện nay, với khoảng 30.000 người học. Thay vì tăng quy mô, trường sẽ tập trung vào phát triển chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế”.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ có trường thành viên ?

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đã vạch ra định hướng chiến lược phát triển lâu dài theo các giai đoạn khác nhau. Theo đó, đến năm 2020, bộ máy tổ chức của trường dự kiến được sắp xếp theo 3 cấp: trường ĐH, college (trường) và bộ môn. Định hướng đến năm 2030, trường ĐH này sẽ trở thành ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp (College of Agriculture), Trường Công nghệ (College of Technology), Trường Kinh tế và phát triển (College of Economics and Development), Trường Khoa học (College of Science). Ngoài ra còn có Viện Sau ĐH, Trung tâm đào tạo quốc tế và nghiên cứu công nghệ cao.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt thay vì từng khoa riêng lẻ, trường có định hướng tích hợp các khoa cùng đào tạo một nhóm ngành thành các trường (college). Việc này nhằm mục tiêu sử dụng chung nguồn lực, tăng hiệu quả và chất lượng trong nghiên cứu và đào tạo.

Lập thêm trường thuộc trường ĐH

Chưa tính tới chủ trương phát triển thành ĐH nhưng từ luật mới này, nhiều trường cho biết sẽ thành lập thêm các trường trong trường ĐH để phát triển mạnh hơn một số lĩnh vực ngành nghề trong thời gian tới.

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục

Khả Hòa

Điển hình là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục. Việc này đã được ĐH Quốc gia TP.HCM đồng ý về mặt chủ trương. Theo đó, Trường Ngoại ngữ sẽ tập trung vào mục tiêu đào tạo các ngành liên quan đến ngoại ngữ, còn Trường Giáo dục sẽ hướng tới các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt 2 trường này sẽ thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM theo đúng tinh thần của luật. Sau này, tùy điều kiện thực tế các trường có thể được điều chỉnh hướng phát triển cho phù hợp hơn. Theo PGS-TS Phương Lan, mục tiêu của việc thành lập các trường là tăng cơ hội phát triển cho các khối ngành này và thêm cơ hội cho cả người học.

Trường ĐH tư thục cũng có thể thành ĐH

Theo luật Giáo dục ĐH (2012), cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: trường CĐ; trường ĐH, học viện; ĐH vùng, ĐH quốc gia (gọi chung là ĐH); Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. ĐH chỉ gồm ĐH vùng và ĐH quốc gia.
Còn theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân bao gồm: ĐH, trường ĐH và cơ sở giáo dục ĐH có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, ĐH quốc gia và ĐH vùng là ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Ở luật mới này, khái niệm ĐH đã được mở rộng hơn. Và kèm theo luật, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này cho phép các trường ĐH nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH.
Nhìn vào các quy định mới này, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nói: “Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này thì trường ĐH tư cũng có thể nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH”. Nhưng theo ông Tùng, Trường ĐH FPT không có chủ trương này vì hiện nay không thấy lợi ích gì khi chuyển đổi.
Tương tự, dù cùng một hệ thống nhưng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng chưa có chủ trương đi theo hướng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.