Trường ĐH Luật TP.HCM: Tuyển sinh vượt quy định, đào tạo chưa cấp phép

01/10/2019 08:15 GMT+7

Xác minh của Thanh tra Bộ GD-ĐT về Trường ĐH Luật TP.HCM cho thấy trường có nhiều sai phạm về tuyển sinh, đào tạo và quản lý tài chính .

Sáng 30.9, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT đã công bố kết luận thanh tra Trường ĐH Luật TP.HCM tại cơ sở chính của trường này. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Bằng cho biết việc thanh tra này không phải là thanh tra toàn diện mà là theo nội dung tố cáo.

Đào tạo “chui”, tự thiết kế chứng chỉ ngoại ngữ

Kết luận thanh tra cho thấy, Trường ĐH Luật TP.HCM là đơn vị chủ trì, phối hợp với 14 đơn vị tuyển sinh, tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ 5 ngành với tổng số 40 lớp. Việc đào tạo này là ngoài cơ sở tại 13 tỉnh, thành. Tất cả các lớp có văn bản đồng ý của UBND tỉnh nhưng chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT là chưa đúng quy định.
Thời điểm tổ chức học bổ sung kiến thức cho học viên đầu vào thạc sĩ sau khi kết thúc tuyển sinh là không đúng quy định. Một số hồ sơ có chứng chỉ tiếng Anh chưa đảm bảo được miễn thi ngoại ngữ theo quy định.
Trường chưa được phép của Bộ GD-ĐT để bồi đưỡng, ôn tập, tổ chức thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN nhưng vẫn thực hiện việc liên kết với Trung tâm VASS để tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ là không đúng quy định. Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị chấm dứt việc làm này.
Chứng chỉ được cấp cho người học cũng là chứng chỉ của trường, không đúng theo mẫu của Bộ GD-ĐT. Theo báo cáo, trường chỉ cho phép lưu hành chứng chỉ này trong nội bộ nhà trường. Tuy nhiên, việc trường xét miễn thi ngoại ngữ đối với những thí sinh có chứng chỉ này trong tuyển sinh đầu vào thạc sĩ là không đúng quy định. Tại thời điểm kiểm tra, trường không cung cấp được hồ sơ in phôi chứng chỉ, việc bàn giao phôi chứng chỉ cũng không có văn bản.
Trong việc tuyển sinh đào tạo hệ vừa làm vừa học (VLVH), năm 2016, trường tuyển sinh vượt 378 sinh viên (52,5%), năm 2017 tuyển sinh vượt 249 sinh viên (43,6%) so với chỉ tiêu theo thông báo của Bộ GD-ĐT. Từ năm 2014 - 2016, trường tuyển sinh, đào tạo trình độ ĐH ngành luật (văn bằng 2, hệ VLVH) cho 1.306 sinh viên khi chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT là không đúng quy định. Trường cũng thực hiện đào tạo 19 lớp hệ VLVH khi chưa có văn bản cho phép liên kết đặt lớp đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng kết luận tại trường có 5 hồ sơ viên chức xét tuyển đặc cách sai quy định. Trong đó, có 4 viên chức không có bằng ĐH loại giỏi theo quy định tại Thông tư số 15 của Bộ Nội vụ. Bà Mai Quốc Thu Trang, thủ quỹ nhà trường, có bằng CĐ công nghệ thông tin chính quy loại trung bình khá, đã hợp đồng với trường 3 lần với vị trí thủ quỹ được hơn 10 năm. Kết quả xét tuyển các trường hợp đặc cách khác chưa được Bộ GD-ĐT thẩm định.

5 khoản tiền chuyển vào tài khoản cá nhân của thủ quỹ

Công tác quản lý quỹ tiền mặt chưa chặt chẽ, chưa tiến hành kiểm kê, đối chiếu thường xuyên giữa kế toán quỹ tiền mặt và thủ quỹ. Việc bà Mai Quốc Thu Trang sử dụng tài khoản cá nhân để nhận tiền từ các cá nhân, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dẫn đến nguy cơ mất an toàn quỹ và tạo dư luận không tốt.
Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng xác định số tiền gần 5 tỉ đồng là các khoản chi khác phục vụ công tác quản lý chung. Nội dung chi, mức chi được thực hiện trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, lãnh đạo trường phê duyệt và phân công thực hiện. Việc chi số tiền này có người nhận việc sử dụng số tiền nói trên và nội dung chi phục vụ hoạt động chung của đơn vị, chưa phát hiện ra biểu hiện tư lợi cá nhân. Tuy nhiên, trong đó, chứng từ chi số tiền gần 3,5 tỉ đồng chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa đảm bảo cơ sở quyết toán, cần được rà soát, hoàn thiện, xử lý theo pháp luật. Nếu không bổ sung đầy đủ được chứng từ hợp pháp thì thu hồi, nộp ngân sách nhà nước.
Thanh tra cũng kết luận một nội dung tố cáo về việc bà Mai Quốc Thu Trang sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện các công việc thuộc nhiệm vụ được giao. Cụ thể, theo tài liệu do trường và Agribank cung cấp, tài khoản cá nhân của bà Trang dùng để nhận 5 khoản tiền từ các đơn vị, cá nhân gồm: tiền học lại của hệ VLVH do học viên chuyển; tiền học bổ sung hoàn thiện kiến thức hệ VLVH của Trung tâm GDTX tỉnh Tây Ninh; tiền lệ phí thi, học bổ sung hoàn thiện kiến thức cao học của một số tỉnh; tiền thu học phí ngoại ngữ của VASS; các khoản chi tiền mặt của trường. Tổng số tiền này là hơn 26,3 tỉ đồng. Qua kiểm tra, bà Trang đã nộp đủ số tiền về Trường ĐH Luật TP.HCM tương ứng số tiền đã được gửi vào tài khoản của bà Trang. Theo kết luận, sau khi nhận được các khoản tiền, bà Trang đã rút ra để hoàn trả tạm ứng và nộp về trường. Theo số liệu của ngân hàng, toàn bộ số lãi phát sinh chỉ hơn 27,6 triệu đồng.
Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị lãnh đạo Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền các đơn vị, cá nhân có liên quan để xảy ra các thiếu sót, sai phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra; tăng cường công tác thanh, kiểm tra nội bộ. Trường phải báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Bộ trước ngày 30.12.2019.
Chênh lệch hơn 29 tỉ đồng học phí
Qua kiểm tra, xác minh của tổ thanh tra cho thấy tổng số tiền học phí học lại hệ VLVH, học bổ sung kiến thức (hệ VLVH, văn bằng 2 hệ chính quy, sau trúng tuyển cao học) thu được đến thời điểm tháng 6.2019 thể hiện trên sổ sách kế toán là thống nhất so với dữ liệu trên phần mềm quản lý học phí. Tuy nhiên, số tiền chi tiết thu được qua các năm 2014, 2015, 2016, 2017 được thể hiện trên báo cáo tài chính từng năm chênh lệch so với dữ liệu trên phần mềm quản lý học phí đã được ghi nhận trong sổ sách kế toán là hơn 29 tỉ đồng. Thanh tra kết luận số tiền này do trường hạch toán chưa đầy đủ, chưa kịp thời, chưa dứt điểm các khoản công nợ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.