Vừa hoạt động vừa lo phòng bệnh
6 giờ sáng ngày 4.8, bà Đinh Thị Thanh Thúy, Hiệu trưởng Trường mầm non Đôrêmi (Dĩ An, Bình Dương), và nhiều giáo viên (GV) đã có mặt ở trường. Họ tới sớm hơn ngày làm việc thường lệ khoảng 20 phút để chuẩn bị phòng học, đồ dùng, các thiết bị y tế, chuẩn bị đón học sinh (HS).
GV sẽ lần lượt vệ sinh lại lớp học, chuẩn bị đồ dùng, sắp xếp gọn gàng để mỗi bé dùng riêng trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trở lại. Đến hơn 17 giờ, khi đã trả hết HS, GV, nhân viên của trường lại cùng nhau dọn dẹp, khử khuẩn phòng ốc, đồ dùng, đem hết tất cả những vật dụng HS đã dùng trong ngày đi rửa lại; các tay nắm cửa, bàn ghế… đều được vệ sinh hằng ngày. Có khi 19 giờ họ mới được về.
“GV những ngày này đều làm việc vất vả hơn ngày thường rất nhiều, phải đi sớm về muộn nhưng không ai ca thán nửa lời. Thay vào đó là nỗi lo đè hết lên cả tâm trí họ lẫn bản thân tôi: Có thể trường sẽ phải đóng cửa bất kỳ lúc nào, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại”, bà Đinh Thị Thanh Thúy chia sẻ.
Tương tự, tại Trường mầm non công lập Trúc Đào (Q.Bình Tân, TP.HCM), GV cũng có mặt ở trường sớm để chuẩn bị mọi công tác trước khi đón HS. Theo cô Nguyễn Thụy Thái Hòa, Hiệu trưởng, trường có khoảng 400 HS nhưng chỉ có 156 bé đăng ký tham gia học hè. Tuy nhiên, những ngày gần đây, trước thông tin dịch bệnh bùng phát trở lại, đã có khoảng 60 bé xin nghỉ học, nhiều nhất là ở các khối lớp lớn như mầm, chồi, lá.
Mầm non tư thục lao đao
Chia sẻ về những khó khăn khi dịch bùng phát trở lại, bà Đinh Thị Thanh Thúy cho biết vào thời gian này năm trước, trường hoạt động sôi động nhất, vì đây là thời điểm tuyển sinh. Có những ngày bận từ sáng tới tối chỉ để tiếp phụ huynh, tư vấn chương trình học cho trẻ. Những tháng cao điểm tuyển sinh, bà có thể tuyển được khoảng 2 lớp/tháng (tương đương khoảng 40 bé). HS của trường khoảng trên 250 em.
Còn năm nay, cả bà Thúy và GV trong trường tất bật… phòng chống dịch cho trẻ. “Buồn lắm. Tuần trước, khi nghe tin Đà Nẵng có ca dương tính với vi rút Corona trong cộng đồng, chúng tôi đã không khỏi… đau tim. Đóng cửa hơn 4 tháng liền từ sau tết, chúng tôi đã nếm trải đủ mọi khó khăn. Nếu bây giờ lại phải đóng cửa, bao nhiêu con người lại lao đao vì mất việc, phải gồng mình lên để giữ trường”, bà chia sẻ và cho biết những ngày gần đây, GV và phụ huynh trong trường cứ gặp bà lại hỏi han về tình hình hoạt động, nhiều GV không khỏi lo lắng.
Các cơ sở giáo dục vẫn hoạt động nếu đảm bảo an toànHiện các trường mầm non ở TP.HCM và nhiều tỉnh khác vẫn đang trong giai đoạn hoạt động hè. Riêng tại TP.HCM có hơn 170.000 bé đi học. Trước đó, chiều 31.7, bên lề cuộc họp trực tuyến với Bộ GD-ĐT về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục bao gồm các trường học, trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm dạy thêm, học thêm… vẫn có thể hoạt động nếu đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống Covid-19.
|
Theo bà Thúy, những ngày gần đây, sĩ số HS của trường cũng sụt giảm liên tục. Có lớp đã có hơn chục bé nghỉ học, lớp ít cũng 5 - 6 bé. Trong khi đó, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con học mới lại xin bảo lưu hồ sơ, chưa nhập học vì lo ngại dịch bệnh, số lượng nhập học quá ít so với những năm trước.
Còn với cô Nguyễn Thị Thảo Trinh (24 tuổi, Quảng Ngãi), dịch bệnh là nỗi sợ lớn. “Nếu bây giờ lại phải đóng cửa, chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào. Nhiều GV của trường đều từ miền Bắc, Trung vào đây xin việc, chúng tôi đều phải thuê nhà, chi phí sinh hoạt cũng rất đắt đỏ trong khi đường về quê thì càng xa hơn, khi ở quê dịch đang bùng phát mạnh. Nếu đóng cửa, GV sẽ lại lao đao”, cô Trinh chia sẻ nỗi lo của mình.
Đợt dịch bùng phát này được cô H.H, hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Tân Bình (TP.HCM), ví như “đợt sóng thần thứ 2”, quét sạch lứa HS còn sót lại của trường. “Ở đợt dịch trước, sau hơn 4 tháng đóng cửa, khi hoạt động trở lại, trường chỉ đón được gần 60 bé. Cả tuần nay, khi nghe tin dịch bùng phát, trường không những không tuyển sinh được mà phụ huynh lần lượt thông báo cho con nghỉ học. Nếu lại phải dừng hoạt động để phòng dịch, có thể mình sẽ không trụ được nữa”, cô H.H buồn bã nói.
Cũng mới hoạt động hơn một năm nay, cô Nguyễn Thị Thùy Linh (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), chủ một nhóm trẻ mầm non, nói trong nước mắt: “Trường đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa trước đợt dịch này”.
Bình luận (0)