Trường nợ ngân hàng, 24 phòng học bị niêm phong

26/07/2017 19:26 GMT+7

Do không tuyển sinh được, nguồn thu không đảm bảo, nợ ngân hàng chồng chất, nên Trường phổ thông Huế Star tại Huế đã bị ngân hàng niêm phong

Chuyện chưa có tiền lệ này đang xảy ra tại Trường Phổ thông Huế Star (tại xã Phú Thương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế).

Không thu hút được học sinh, hoạt động không hiệu quả là nguyên nhân khiến hệ thống giáo dục này có nguy cơ phải đóng cửa Ảnh: Bùi Ngọc Long

Từ giữa tháng 7.2017, Ngân hàng TMCP Công thương VN (Viettinbank) chi nhánh nam Thừa Thiên-Huế đã niêm phong 24 phòng học của trường này. Hiện tại hoạt động dạy và học của Hệ thống giáo dục Huế Star chỉ còn lại 22 phòng học.

Trường Phổ thông Huế Star thuộc Hệ thống giáo dục Huế Star trước đây do ông Nguyễn Xuân Lý, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sau khi nghỉ hưu lập nên và làm Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 2.2014, Hệ thống giáo dục Huế Star được chuyển chủ mới do ông Bùi Đức Long (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng và phát triển nhà - Vicoland) là Chủ tịch HĐQT, đến tháng 7.2017, Hệ thống giáo dục Huế Star một lần nữa được “sang tên đổi chủ” cho ông Nguyễn Tuấn Biên (Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng quản lý nhà An Trung Phát có trụ sở ở Đà Nẵng) làm Chủ tịch HĐQT.

tin liên quan

Sẽ còn ai học cao đẳng?
Hơn 100.000 thí sinh dưới điểm sàn liệu có “chịu” đăng ký học CĐ hay không? Đây là điều mà các trường CĐ đang chờ đợi trong lo lắng.

Hệ thống giáo dục Huế Star hoạt động theo quy chế tổ chức của các trường ngoài công lập và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD-ĐT. Từ ngày thành lập, trường tuyển sinh mảng trung học gặp khó khăn, quy mô giảm dần. Cụ thể, năm học 2014-2015 chỉ tuyển được 28/160 chỉ tiêu, năm học 2015-2016 tuyển được 25/60 chỉ tiêu.

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Vietinbank, chi nhánh nam Thừa Thiên-Huế cho biết Hệ thống giáo dục Huế Star nợ ngân hàng khoản vay đầu tư cả gốc lẫn lãi đến thời điểm hiện nay khoảng 60 tỉ, nhưng không có khả năng thanh toán. Tình trạng nợ xấu này đã diễn ra từ 3 năm nay và phía HĐQT của Hệ thống giáo dục Huế Star cũng đã hết cách, nên sau khi thống nhất hai bên, xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh, họ đã thống nhất giao tài sản cho bên ngân hàng, nên chúng tôi tiến hành niêm phong, để xử lý nợ.

Cũng theo ông Nam, hiện nay lãnh đạo tỉnh cũng đang rất quan tâm vấn đề này và mong muốn có nhà đầu tư tâm huyết đến để tiếp nhận cơ sở này để phát triển thành cơ sở giáo dục chất lượng cao ngoài công lập cho địa phương. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư vẫn chưa có kết quả.


Ông Vệ Văn Lẫm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Huế Star, cho biết: do mô hình hoạt động ngoài công lập mới, nhưng yêu cầu đầu vào cao nên trường khó tuyển sinh. Hiện tại toàn trường chỉ có 10 giáo viên cơ hữu, một số giáo viên khác là đang theo dạy chỉ "hợp đồng thời vụ". Đặc biệt với những giáo viên cơ hữu, ngày hè HĐQT chỉ hỗ trợ 50% chứ không có lương các tháng hè. Riêng năm nay do khó khăn cho nên đến thời điểm hiện tại giáo viên được hỗ trợ rất ít. Toàn trường hiện có 80 học sinh học từ lớp 6 đến 12, mỗi lớp cao nhất chỉ có 20 học sinh, ít nhất là 10 học sinh.

Ông Lẫm cũng cho biết, năm học 2017- 2018, Trường Phổ thông Huế Star chỉ tuyển được 20 học sinh lớp 10, cuối tháng 7 sẽ trình Sở GD-ĐT xem xét, dự kiến tựu trường ngày 7.8. Để việc dạy và học diễn ra bình thường, HĐQT cũng đã cam kết tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy học trong năm học 2017-2018. "Sắp tới, trường sẽ họp phụ huynh, thông báo định hướng của năm học để họ khỏi lo lắng. Nếu có sự thay đổi về cơ cấu HĐQT thì họ sẽ thông báo cho ban giám hiệu”, ông Lẫm thông tin thêm.

tin liên quan

'Chóng mặt' với học phí đại học
Nếu trước đây học phí các trường ĐH công lập chỉ thu theo một mức trần quy định, thì nay trong hệ thống này cũng có nhiều mức khác nhau. Có những chương trình học phí cao gấp nhiều lần đại trà.

TS Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay ngành GD-ĐT chỉ quản lý về nội dung, chương trình, kế hoạch tuyển sinh, tổ chức dạy học còn việc đầu tư, giải quyết liên quan đến tài sản, đất đai, chủ sở hữu hệ của Hệ thống giáo dục Huế Star phải thông qua các sở, ban ngành khác, không thuộc thẩm quyền Sở GD-ĐT.

Theo ông Hùng, quan điểm chỉ đạo của sở đối với Hệ thống giáo dục Huế Star cũng như tất cả trường ngoài công lập đều bình đẳng, cần được hỗ trợ, tạo điều kiện công bằng. Thế nhưng trường vẫn rơi vào tình cảnh khó khăn bởi hệ thống trường ngoài công lập này ra đời sau và đứng bên cạnh hệ thống trường công lập khá mạnh; điều kiện thu nhập, khả năng học phí của người dân để lo cho con vào trường này hạn chế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.