Buổi tọa đàm có chủ đề Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính trong các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn TP.HCM do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức.
Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trên địa bàn có 52 trường cao đẳng, trung cấp công lập, nhưng hiện tại mới chỉ có một trường duy nhất là Trường cao đẳng Kỹ nghệ II đang hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn diện. Những trường còn lại, theo kế hoạch, đến năm 2020 phải đảm bảo tự chủ về tài chính theo quy định chung trong Nghị định 43 (năm 2006) và 16 (năm 2015) của Chính phủ.
Tuy nhiên, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có những đặc thù riêng, hiện chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể, nên các trường vẫn còn nhiều lúng túng.
Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cho biết trường đã thực hiện tự chủ về tài chính từ năm 2007 theo nghị định 43, nhưng như vậy vẫn rất khó để phát triển vì trường không được quyền quyết định về tuyển dụng nhân sự. Về chi tiêu, quyết toán cũng vô cùng khó khăn vì vướng nhiều thủ tục…
tin liên quan
Giáo dục nghề nghiệp phải chuyển từ 'phí' sang 'giá'Ông Trần Kim Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, chia sẻ trường luôn tuyển sinh vượt chỉ tiêu, có nhiều thuận lợi để tự chủ, nhưng cần phải có những văn bản hướng dẫn chi tiết và đề nghị phải được tự chủ về nhiều thứ, trong đó có việc tự quyết chỉ tiêu tuyển sinh và liên kết đào tạo.
Các trường đều mong muốn nếu tự chủ được về tài chính thì phải được tự chủ nhiều hoạt động khác nữa như: mở mã ngành, tuyển dụng cán bộ, giáo viên, hợp tác quốc tế, tổ chức bộ máy… để thu hút tuyển sinh. Nếu không, sẽ không khác gì một chân bị trói, một chân bước đi, không thể đi nhanh và vững được.
Bình luận (0)