Máy tính cũ kỹ, mạng chập chờn
Một thực tế hiện nay là nhiều giáo viên sử dụng máy tính cũ kỹ, lỗi thời, không đáp ứng cho việc dạy trực tuyến. Trước đây dùng máy tính chỉ cần đọc được văn bản là tốt rồi, nhưng giờ thì âm thanh phải nghe rõ, chất lượng hình ảnh, video phải chuẩn. Nhiều học sinh phàn nàn "thầy ơi thầy viết bảng con nhìn không thấy rõ", "cô ơi micro rè quá", "mạng lag quá con bị out rồi"... Để có thêm những tính năng mới, thầy cô còn phải sắm thêm webcam, micro, bút cảm ứng viết bảng điện tử...
Gói cước internet dùng trong gia đình dễ bị nghẽn mạng khi dạy một lớp 30 đến 45 học sinh, hoặc có thể hơn. Sự quá tải đó buộc thầy cô phải gắn thêm ram, card màn hình cho máy tính,... hoặc mua trả góp laptop mới để phục vụ cho việc dạy trực tuyến. Nếu không muốn lỡ một năm học thì dứt khoát phải chạy đua. Vô hình chung toàn ngành giáo dục đang tạo áp lực lên vai đội ngũ thầy cô, tạo sự bất bình đẳng giữa học sinh các tỉnh, thành...
Cần sự đồng bộ
Học online là xu hướng phát triển, mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên làm gì cũng cần đồng bộ, trên nền tảng xây dựng vững chắc. Hiệu quả chỉ đến khi có được sự đầu tư chiến lược, chứ làm gì có chuyện "nước lã mà vã nên hồ".
Sau hơn 2 tháng cho học sinh nghỉ học, những giải pháp hỗ trợ của Bộ GD-ĐT cho việc dạy học trực tuyến chất lượng, hiệu quả đã đến tay giáo viên chưa, phần mềm được Bộ GD-ĐT khuyến khích sử dụng có đáp ứng đủ điều kiện dạy học chưa, bao nhiêu trường học trên cả nước được thụ hưởng, lấy điểm thế nào khi dạy online... vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Học trực tuyến để rồi vẫn làm bài thi trên giấy, thi trắc nghiệm nhưng vẫn yêu cầu có phần tự luận khi kiểm tra định kỳ... Chúng ta phải thấy rằng mô hình dạy học trực tuyến của chúng ta chưa thể thay thế lớp học truyền thống. Đừng bắt 22 triệu học sinh "chưa học bò đã lo học chạy". Đừng để thầy cô gian nan để tìm một phần mềm dạy trực tuyến chất lượng, trong khi đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, chưa kể những hạn chế của thầy cô có tuổi khi tiếp xúc công nghệ thông tin. Và cả phụ huynh cũng bị kéo vào guồng máy xộc xệch này, phải cài app, mua máy in, dạy con học rồi gửi bài làm của con cho thầy cô giáo,...
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã thông báo tiếp tục cho học sinh nghỉ đến đầu tháng 5, trong khi một số ít tỉnh, thành đã cho học sinh lớp 9 và 12 đi học lại. Nếu tình hình khả quan thì học sinh sẽ đi học lại vào ngày 15.5. Khi đó, làm sao trong 2 tháng để học sinh "đuổi" cho kịp hết năm học trước ngày 15.7 như thông báo của Bộ GD-ĐT? |
Bình luận (0)