Sáng 2.3, gần 2.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đến sân A25 Trường ĐH Đà Lạt tham dự buổi Tư vấn mùa thi 2019. Cùng tham dự với các em có đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lâm Đồng, Tỉnh đoàn Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cùng các nhà tài trợ của chương trình.
3 yếu tố để chọn nghề thành công
Mở đầu chương trình, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân viện miền Nam, đặt câu hỏi: Chọn nghề có giống chọn người yêu không? khiến sân trường A25 trở nên sôi động hơn. Một nữ sinh Trường THPT Tây Sơn nêu ý kiến: “Chọn người yêu, chọn vợ, chọn chồng là để gắn bó đến cuối cuộc đời. Còn chọn nghề nếu thấy chưa phù hợp có thể đổi nghề khác”. Một học sinh khác nêu quan điểm, chọn nghề cũng như chọn người yêu, phải chọn nghề thích hợp để sống cả cuộc đời. Còn một học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Thăng Long, lại cho rằng chọn nghề và chọn người yêu khác nhau. Chọn nghề nghiệp mình có thể “đá” nó để chọn nghề khác; còn chọn người yêu thì ngược lại nó có thể “đá" mình!.
Học công nghệ thông tin làm game được không?
Em Bùi Huy Quang, học lớp 12, Trường THPT Bùi Thị Xuân thắc mắc muốn học công nghệ thông tin để làm game có được không? Thạc sĩ Trần Vũ, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trả lời: có rất nhiều bạn trả lời lý do chọn học công nghệ thông tin vì ngành này kiếm được nhiều tiền vì đang rất hot; thứ hai vì từ nhỏ tới lớn bạn đó rất thích chơi game nên muốn học công nghệ thông tin để làm game. Với những bạn có cùng suy nghĩ đó các bạn phải xem lại thật kỹ có phù hợp hay không: Bạn học giỏi toán hay không, phải giỏi mới phù hợp. Bạn có tiếp cận tri thức nhân loại tốt không, mặt khác phải giỏi tiếng Anh, đọc sách nhiều thì mới nên học công nghệ thông tin. Khi làm game có nhiều khâu, làm sao có nội dung hay, đồ họa ra sao. Nếu chỉ mê game thì không nên học công chệ thông tin. Học công nghệ thông tin có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực như toán học, y học, sinh học…
Ngành nông lâm xét tuyển như thế nào?
Nhiều học sinh hỏi về phương thức xét tuyển vào ngành nông lâm - là ngành phù hợp với địa phương Lâm Đồng. TS Trần Hữu Duy, Trường ĐH Đà Lạt, giải đáp: Năm 2019 Trường ĐH Đà Lạt có 33 ngành tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh của trường trước đây là xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển thẳng những học sinh học giỏi, học sinh trường chuyên. Năm nay trường thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12.
Cũng theo thầy Duy, Đà Lạt, Lâm Đồng là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Thời gian gần đây các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang đầu tư nhiều vào Lâm Đồng về lĩnh vực NNCNC. Đặc biệt, thời gian qua, Trường ĐH Đà Lạt được Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Dalat Harsfarm đầu tư nhiều mô hình nhà kính sản xuất NNCNC để sinh viên thực tập, ứng dụng thực tế. Sinh viên học ngành này, năm thứ 3 có nhiều cơ hội được đi thực tập ở nước ngoài từ 1 tháng đến 1 năm.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: Nhóm ngành lâm nghiệp chế biến nông sản là một trong 10 ngành chủ lực đem lại nguồn thu cho quốc gia. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn thiếu, trong khi nhu cầu tuyển dụng rất lớn...
Trao 20 suất học bổng cho học sinh
Dịp này, Trường ĐH Đà Lạt và UBND TP.Đà Lạt, mỗi đơn vị đã trao 10 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho học sinh lớp 12 các trường THPT ở Đà Lạt.
|
Bình luận (0)