Mở đầu chương trình, tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đã chia sẻ những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia. Tiến sĩ Vũ lưu ý học sinh cần quan tâm tới hai vấn đề quan trọng, đó là nội dung đề thi bao gồm cả chương trình lớp 10, 11 và 12, nhưng chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12. Về xét tốt nghiệp sẽ gồm 70% kết quả thi THPT quốc gia, chỉ 30 % là điểm lớp 12 cộng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích nếu có.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thông tin về phương án tuyển sinh vào ĐH Quốc gia TP.HCM. Tiến sĩ Hạ cho biết: ”Từ năm 2017, ĐH Quốc gia đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Điểm này chiếm 10-15% trong điểm xét tuyển ĐH, tuy nhiên năm nay tỷ lệ này 25 đến 40% tùy trường thành viên. Trường sẽ tổ chức hai kỳ thi vào ngày 31.3 và 7.7.2019”.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đưa ra lời khuyên, khi lựa chọn ngành nghề các em cần làm các bài test để khám phá bản thân xem mình thực sự phù hợp với lĩnh vực nào, ngành nghề nào, vì có yêu thích, đam mê thì các em mới có sáng tạo, thành công.
Học sinh Nguyễn Thị Quyên, lớp 12A4 trường THPT An Nghĩa, thắc mắc: “Học tài chính ngân hàng có phải chỉ làm ở ngân hàng hay không?”. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết: “Ngành tài chính ngân hàng được đào tạo ở nhiều trường ĐH như: Kinh tế-luật, Mở TP.HCM, Ngân hàng TP.HCM... Hiện nay nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn vì các ngân hàng mở thêm nhiều chi nhánh. Tốt nghiệp các em có thể làm ở các phòng giao dịch, tín dụng trong ngân hàng và cũng có thể làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư...
Học sinh lê Thị Trang nhờ các chuyên gia phân biệt ngành kế toán khác ngành kiểm toán như thế nào. Tiến sĩ Trần Duy Can, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngành kế toán kiểm toán bao gồm các chuyên ngành kế toán doanh nghiệp, kế toán công và kiểm toán. Trong thời gian đầu, các chuyên ngành này được trang bị kiến thức như nhau, sau đó mỗi chuyên ngành có những kiến thức chuyên sâu. Nếu kế toán là phản ánh sổ sách chi tiêu thì kiểm toán là các hoạt động kiểm soát thanh tra, để tìm ra việc chi tiêu có hợp lý, có đúng quy định hay không, giúp doanh nghiệp có thể quản lý sản xuất kinh doanh một cách tốt nhất...".
Học sinh Nguyễn Thành Lộc cho biết em quan tâm đến ngành tâm lý học thì phải chuẩn bị những tố chất và kỹ năng gì. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ tư vấn: “Em có thể tìm hiểu về ngành học tâm lý trên website của các trường ĐH: Sư phạm TP.HCM, Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM... Đây là một ngành đòi hỏi khả năng quan sát, sự nhạy cảm về tâm lý, biết lắng nghe, chia sẻ. Tốt nghiệp các em có thể đi làm công việc tham vấn, tư vấn, trị liệu tâm lý hoặc làm về nhân sự tại các doanh nghiệp.
Nguyễn Thị Mỹ Ngân hỏi nhu cầu ngành sư phạm mầm non những năm sắp tới sẽ như thế nào? Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Các em muốn xét tuyển vào ngành học này phải thi năng khiếu gồm đọc, kể diễn cảm và hát. Ngành này nhu cầu việc làm rất cao vì hiện có nhiều trường mầm non được mở ra, nhất là tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, hàng loạt câu hỏi về quy chế thi, chương trình học, cơ hội việc làm của các ngành nghề trong lĩnh vực sư phạm, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ... cũng được các chuyên gia giải đáp cụ thể tại chương trình.
Bình luận (0)