Bài viết sau đây, chúng tôi xin chia sẻ ý kiến của cô Trịnh Thị Bích Vân, giáo viên dạy toán, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Trước thực tế nhiều vấn đề nhức nhối xảy ra trong môi trường học đường, cô Vân cho rằng, gia đình cần quan tâm, yêu thương hơn tới các con, có gieo yêu thương mới mong gặt được trái ngọt:
Tôi đã từng cảm động vì một phụ huynh tuần hai buổi đưa con hơn chục cây số trên chiếc xe cup cũ lên nhà tôi học thêm. Lần nào gặp tôi, vị phụ huynh đó cũng cẩn thận xuống xe chào tôi. Học trò ấy giống bố, lúc nào cũng lễ phép với tôi. Và giờ trò vẫn vậy, dù đã ra trường mười năm.
Tôi cũng gặp ông bố, đi xe ô tô đưa con đến học. Dù nhìn thấy tôi, chưa một lần chào. Đứa con ấy, sau khi đỗ đại học, gặp tôi ngoài đường, nó vờ như không thấy. "Nhân cách mỗi con người là sản phẩm của ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó môi trường giáo dục gia đình là quan trọng nhất.
Gia đình là nơi hình thành nhân cách đứa trẻ. Mầm ác độc hay thiện lương được gieo ngay khi đứa trẻ đang nằm nôi.
[VIDEO] Nỗi lòng phụ huynh trong vụ nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, bạo hành dã man
|
tin liên quan
Cha mẹ dạy gì cho con? Lắng nghe những tâm sự của conNhà trường có trách nhiệm cùng gia đình giáo dục để trẻ hoàn thiện nhân cách. Nhưng điều đó không có nghĩa nhân cách đứa trẻ là sản phẩm chỉ của thầy cô. Vụ việc, 5 nữ sinh lột đồ đánh bạn quả là thất bại thảm hại của giáo dục, nhưng đừng đổ lỗi hết cho thầy cô. Chúng ta còn cần nhìn về môi trường gia đình của 5 nữ sinh đó.
Tôi rất dị ứng câu gửi gắm cửa miệng của phụ huynh "Trăm sự nhờ cô giáo". Tôi thường trả lời "Giáo dục con là trách nhiệm chính của các bậc phụ huynh, thầy cô cùng phối hợp dạy dỗ. Ủy thác cả cho thầy cô chắc tôi không dám nhận".
Sau mỗi vụ việc, chúng ta lên án giáo dục nhà trường, nhưng có ai chợt lắng lại tự hỏi, mình đã làm trọn vẹn vai trò giáo dục gia đình chưa? Cha mẹ lên Facebook gọi thầy cô là con này, thằng kia thì tác động của mình đến việc dạy con cái thế nào? Nếu bản thân không là bậc cha mẹ mẫu mực thì sao mong có lớp sau lễ phép, biết kính trọng người lớn?
[VIDEO] Trách nhiệm giáo viên ở đâu khi nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, bạo hành?
|
|
Nếu phụ huynh còn gầm lên khi con bị điểm kém, nếu phụ huynh còn chất vấn cô giáo "Sao cháu nhà chị chỉ được có tám điểm toán nhỉ? Ngày cấp hai nó toàn chín mười. Chị điên mất" thì bệnh thành tích trong giáo dục không thể giảm.
Hãy nói với con "Cố lên một chút nhé! Bố mẹ tin con làm được" và hài lòng, cổ vũ nó nếu thay vì điểm 2 nó đã được 3 điểm.
Để xã hội tốt, mỗi gia đình cần là cái nôi tốt trước đã. Đừng bất cứ chuyện gì xảy ra với một đứa trẻ, cũng đổ hết trách nhiệm lên thầy cô, nhà trường. Chúng ta, những bậc làm cha mẹ phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Chúng ta hãy dành cho con cái nhiều yêu thương, nhiều sẻ chia hơn. Xin đừng không gieo, không chăm mà mong hái quả ngọt!".
Bình luận (0)