Bổ sung phương thức xét tuyển
Trao đổi với PV Thanh Niên sau cuộc họp, PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này đang nghiên cứu đổi mới phương thức xét tuyển để thích ứng với sự thay đổi kỳ thi THPT quốc gia và nhu cầu xã hội.
Năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến tiếp tục sử dụng các phương thức tuyển sinh đã thực hiện trong năm 2018. Cụ thể: tuyển thẳng và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này, kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tự tổ chức.
Ngoài ra, ĐH này dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển trực tiếp thí sinh từ các chứng chỉ quốc tế dành cho các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chứng chỉ được xét như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới.
tin liên quan
Thêm trường ĐH tổ chức thi riêngVề phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH Quốc gia TP.HCM, PGS-TS Anh Vũ cho biết sẽ tiến hành rà soát lại danh sách các trường có học sinh được ưu tiên tuyển thẳng dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong 3 năm vừa qua (2016, 2017 và 2018). Theo đó, tổng số trường có học sinh tuyển thẳng vẫn là 100 nhưng sẽ loại khỏi danh sách những trường có kết quả thi đi xuống, bổ sung trường có kết quả thi cao hơn.
Thêm ngành Răng - Hàm - Mặt, dừng tuyển sinh CĐ
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ không tăng chỉ tiêu trong năm 2019 (khoảng 16.000 chỉ tiêu). Tuy nhiên, ĐH này sẽ cấp chỉ tiêu cho một số ngành mới dự kiến được mở trong năm nay, ví dụ răng - hàm - mặt của khoa y.
GS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y, cho biết năm 2019 sẽ có những điều chỉnh trong tuyển sinh các ngành sức khỏe. Bên cạnh kết quả kỳ thi THPT quốc gia, khoa sẽ dành khoảng 5 - 10% chỉ tiêu các ngành để xét bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức (năm ngoái khoa y là đơn vị duy nhất của ĐH này không xét tuyển từ kết quả này). Ngoài ra, khoa vẫn duy trì hình thức xét tuyển thẳng sinh viên đã tốt nghiệp ĐH từ các ngành gần vào học ngành y đa khoa. Năm 2019, dự kiến khoa sẽ sàng lọc thí sinh trúng tuyển vào ngành y đa khoa thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp để tìm ra những thí sinh có động cơ và tố chất phù hợp với ngành bác sĩ.
Một điểm đáng lưu ý nữa là năm 2019 ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ không còn tuyển sinh bậc CĐ. Theo PGS-TS Anh Vũ, việc bỏ tuyển sinh bậc CĐ nhằm thực hiện theo đúng yêu cầu và lộ trình của Bộ GD-ĐT.
Dành 40% chỉ tiêu cho kỳ thi năng lực
Trong cuộc họp chiều qua, các đơn vị thành viên đã quyết định sẽ dành 40% chỉ tiêu từng đơn vị để xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2019 (năm 2018 chỉ tiêu cho phương thức này 10 - 20%).
Đáng lưu ý, dự kiến sẽ có một số trường ĐH ngoài hệ thống tham gia sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực này để xét tuyển thí sinh vào trường mình. Thông tin đến hiện tại, số trường có nguyện vọng này là 3 - 4 trường. Trong tháng 12, ĐH này sẽ gút lại toàn bộ các khâu chuẩn bị tổ chức kỳ thi và công bố tới thí sinh.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết trường dành từ 50 - 72% cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 10 - 25% kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng theo quy định của bộ 3 - 5%, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng ĐH Quốc gia TP.HCM từ 15 - 25%. Các chỉ tiêu này có thể tiếp tục điều chỉnh. Riêng với phương thức xét tuyển chứng chỉ quốc tế, trường này đã áp dụng từ năm ngoái với các chương trình học bằng tiếng Anh cho các học sinh tốt nghiệp THPT quốc tế và tốt nghiệp chương trình nước ngoài.
Dự kiến đề thi vẫn sẽ giữ ổn định về cấu trúc và mức độ khó dễ. Cụ thể, bài thi đánh giá năng lực kiểm tra thí sinh về khả năng đọc hiểu tiếng Việt và tiếng Anh, tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết các vấn đề tự nhiên - xã hội.
Lo ngại thanh niên chọn nghề “lạc hướng”
Hôm qua, tại Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ và đào tạo, cung ứng nhân lực, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tọa đàm cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn phục vụ thông tin tuyển sinh ĐH năm 2019.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thế Hà, Phó giám đốc Trung tâm quốc gia dịch vụ việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, đã đưa ra một số dự báo, trong đó khuyến cáo về thực trạng có những biểu hiện chọn nghề “lạc hướng” của thanh niên VN.
Theo ông Hà, chính phủ của nhiều nước trên thế giới đã có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM). Kết quả là những sinh viên mới, đặc biệt là sinh viên nước ngoài chuyển hướng mạnh sang học các ngành STEM để tìm kiếm cơ hội ở lại làm việc ở Mỹ. Trong khi đó ở VN không có những định hướng rõ nét, dẫn đến tình trạng những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng… Mặt khác, số trường đào tạo các ngành công nghệ và kỹ thuật cũng không nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh trong thời đại số hóa và tự động hóa, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin.
Theo ông Hà, những sự lựa chọn “lạc hướng” của các thanh niên khi bước vào ĐH là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH không có việc làm tăng lên trong những năm gần đây”.
Quý Hiên
|
Bình luận (0)