Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Mỗi ngày một điểm chuẩn

04/08/2020 15:37 GMT+7

Dù gọi là “điểm chuẩn”, nhưng Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) mỗi ngày lại thông báo một mức điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 khác nhau, theo hướng tăng dần.

Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021, ngày 2.8, Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu công bố mức điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của trường là 35 điểm.
Đến ngày 3.8, nhà trường phát đi thông báo thứ hai về điểm chuẩn khiến phụ huynh ngỡ ngàng: chỉ nhận thí sinh có mức điểm từ 36 điểm trở lên. Đến hôm nay, 4.8, mức điểm chuẩn tuyển sinh vào trường này đã tăng lên thành 37 điểm.
Nhiều phụ huynh bức xúc cho biết, mức điểm chuẩn tăng từng ngày là điều chưa từng thấy ở trường THPT nào, bất kể là trường công lập hay tư thục. Các trường chỉ có thông báo sẽ giảm điểm chuẩn nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Một phụ huynh có con đạt mức 36 điểm cho biết, với mức điểm này, hôm qua con thuộc diện trúng tuyển vào Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu, nhưng hôm nay con đã thành… trượt. “Điểm chuẩn mà sao lại không hề chuẩn như vậy?”, phụ huynh này bức xúc.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu, cho rằng ngày 1.7, Trường tiếp nhận thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Thời điểm này chưa diễn ra kỳ thi, học sinh cung cấp cho trường đầy đủ thông tin về số báo danh, nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố, với khoảng 2.000 học sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
Ngày 31.7, sau khi Sở GD-ĐT công bố điểm thi và điểm chuẩn của các trường THPT công lập, Trường rà soát trong số 2.000 học sinh nói trên, sau khi trừ hết số học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 và 2 ở các trường THPT công lập thì còn khoảng 350 học sinh có mức điểm từ 33,5 trở lên.
Do vậy, theo ông Thọ, Trường quyết định công bố mức điểm chuẩn ngày 2.8 là 34 điểm, mức điểm ưu tiên cho học sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường là 33,5 điểm, và sau đó, mỗi ngày tăng lên 1 điểm như đã thông báo.
Lý giải về việc mỗi ngày một mức điểm chuẩn, ông Thọ cho rằng, Quy chế tuyển sinh lớp 10 và các văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội không có quy định nào cấm các trường ngoài công lập làm như vậy. Các trường tư có quyền tự chủ trong tuyển sinh, miễn sao không vi phạm các quy định hiện hành.
Lý do thứ hai, theo ông Thọ, Trường mong muốn lựa chọn những học sinh thực sự “trân trọng và yêu quý trường” qua việc ưu tiên những học sinh đã đăng ký xét tuyển trước đó.
Còn về quy định mức điểm chuẩn tăng theo ngày, ông Thọ cho rằng đó là  mong muốn của Hội đồng nhà trường, nhằm tuyển được những học sinh có đầu vào tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Trả lời câu hỏi "Trường có báo cáo Sở GD-ĐT về quy định điểm chuẩn “khác biệt” như vậy không?", ông Thọ nhắc lại rằng, vì không vi phạm quy định và trường được tự chủ tuyển sinh nên trường đã không báo cáo.
Năm 2018, Sở GD-ĐT đã yêu cầu “rút kinh nghiệm”
Theo dõi của phóng viên Thanh Niên cho thấy, việc định mức điểm chuẩn theo hướng tăng dần có vẻ như đã thành “truyền thống” của Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu. Mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018, Báo Thanh Niên đã từng phản ánh mức điểm chuẩn “nhảy múa” của trường này.
Cụ thể, trường này đặt ra một mức điểm chuẩn nhưng kèm theo lưu ý rất “khác người”: thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn được tính theo buổi. Ví dụ, buổi sáng là 46 điểm nhưng đến chiều “chuẩn” đã là… 49 điểm; đến sáng hôm sau lại tăng thành 50,5 điểm….
Nhiều ý kiến bình luận cho rằng, cách tuyển sinh như vậy rất thiếu nhân văn,  như chơi chứng khoán, gây phản cảm. Sở GD-ĐT Hà Nội sau đó đã có văn bản yêu cầu Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc tổ chức tuyển sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, tránh gây căng thẳng, tạo bức xúc trong dư luận xã hội.
Sở GD-ĐT thời điểm đó cũng khẳng định sẽ quy định tuyển sinh vào lớp 10 về điểm chuẩn cho cả trường công và ngoài công lập, theo hướng đã tuyển thì chỉ được phép tuyển đủ chỉ tiêu, nếu không đủ thì hạ điểm chuẩn, chứ không được phép tăng.
Tuy nhiên, đến năm nay, tình trạng này lại tiếp tục tái diễn, bất chấp Sở GD-ĐT Hà Nội đã từng “tuýt còi”. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thọ cho rằng, quy định năm nay khác năm 2018, vì năm nay quy định điểm chuẩn theo ngày chứ không phải theo giờ, mức điểm chuẩn cũng không tăng đột biến, gây sốc như năm 2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.