Tuyển sinh vào lớp 6: Các trường được lựa chọn phương thức phù hợp

25/12/2017 08:24 GMT+7

Ông Nguyễn Xuân Thành ( ảnh ) , Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) đã trao đổi với PV Báo Thanh Niên sau những bình luận, băn khoăn về dự kiến cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 một số trường đặc thù.

Không làm phát sinh dạy thêm, học thêm


       
Thưa ông, một số ý kiến cho rằng kiểm tra đánh giá năng lực bản chất cũng là thi tuyển đầu vào. Vậy, tại sao Bộ lại hướng dẫn cụ thể là kiểm tra, đánh giá năng lực đối với các trường đặc thù?
Tuyển sinh THCS phải đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS. Vì vậy, theo quy định của Bộ, tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường có số lượng học sinh (HS) đăng ký vào học nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh nên gặp khó khăn nhất định nếu thực hiện phương thức xét tuyển. Vì vậy, Bộ quy định các trường này được xây dựng phương án tuyển sinh theo phương thức kết hợp giữa xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực HS.
"Kiểm tra, đánh giá năng lực" khác với "kiểm tra, đánh giá kiến thức". Đánh giá năng lực HS là đánh giá việc thực hành giải quyết các tình huống thực tiễn mà ở đó đòi hỏi HS phải huy động kiến thức tổng hợp để xử lý thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề.
Để đánh giá một hay một nhóm năng lực nào đó, cần phải giao cho HS thực hiện giải quyết những tình huống cụ thể qua đó đánh giá được khả năng huy động và sử dụng kiến thức của HS… Để đánh giá năng lực toán học thì không thể chỉ ra đề kiểm tra kiến thức toán qua các bài toán có sẵn mà phải giao cho HS những vấn đề đòi hỏi HS phải sử dụng thêm kiến thức của các môn học khác mới giải quyết được…
3 năm vừa qua, sở dĩ Bộ GD-ĐT không cho phép thi tuyển vào lớp 6 vì áp lực và tiêu cực từ việc dạy thêm, học thêm để luyện thi. Vậy theo ông, việc kiểm tra đánh giá năng lực liệu có khiến “tái diễn” tình trạng học thêm - dạy thêm để luyện cách làm bài đánh giá năng lực?
Năng lực của HS chỉ có thể được hình thành và phát triển trong thời gian dài cùng với quá trình dạy học trong các nhà trường, ở đó HS không chỉ được trang bị kiến thức mà quan trọng hơn là được tạo điều kiện để vận dụng kiến thức vào các tình huống trong thực tiễn học tập và cuộc sống. Nghĩa là năng lực của HS phải được hình thành thông qua "cách học" và "cách vận dụng" kiến thức mà HS được thực hiện trong cả quá trình dạy học chứ không thể luyện trong một thời gian ngắn thông qua "cách làm bài đánh giá năng lực" trên giấy. Hơn nữa, việc kiểm tra, đánh giá năng lực HS sẽ được nhà trường thực hiện theo nhiều phương thức đa dạng, đòi hỏi các em phải thực hiện nhiệm vụ thực tế chứ không chỉ là bài đánh giá năng lực trên giấy. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực HS trong tuyển sinh vì thế sẽ không làm phát sinh tình trạng dạy thêm, học thêm gây ra những áp lực không cần thiết đối với HS.
Không phải chỉ là bài kiểm tra trên giấy


Kiểm tra học sinh phân lớp đầu năm học là sai quy định
Phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề với những trường THCS công lập sau khi đã xét tuyển đầy đủ số HS đúng tuyến nhưng lại kiểm tra đánh giá, năng lực để phân lớp theo mục tiêu giáo dục mũi nhọn của trường thì có được phép không? Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng hằng năm, Bộ đều có văn bản yêu cầu các trường không được khảo sát HS đầu năm để phân lớp. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực HS đầu năm để phân lớp là không đúng với quy định của Bộ.

Một số ý kiến cho rằng, cách thức ra đề thi như thế nào nên để cho các trường được tự xây dựng phương án phù hợp với mục tiêu giáo dục và mong muốn về chất lượng đầu vào của từng trường, không nên tất cả các trường phải có một dạng kiểm tra, đánh giá năng lực giống nhau. Ông có thấy đề xuất này là thỏa đáng?
Quy định của Bộ là để các trường được chủ động xây dựng phương án tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS. Đánh giá năng lực là đánh giá việc "thực hiện" nên các trường cần lựa chọn phương thức kiểm tra, đánh giá năng lực một cách phù hợp, bao gồm việc yêu cầu HS phải thực hành, trải nghiệm, thuyết trình, trả lời phỏng vấn… chứ không phải và không nên chỉ là các bài kiểm tra trên giấy. Vì vậy, cần các trường xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu của trường.
Làm gì để tránh tình trạng quá nhiều trường ở một địa phương lạm dụng tuyển sinh bằng đánh giá năng lực để tạo “sự chú ý”, nhất là những trường ngoài công lập?
Dự thảo thông tư quy định rõ nguyên tắc tuyển sinh THCS phải đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường để đảm bảo đáp ứng hết nhu cầu học tập của HS trên địa bàn cư trú.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.