Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) quy định cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo cao đẳng (CĐ) mỗi năm phải giảm ít nhất 30% chỉ tiêu CĐ để ngưng tuyển bậc học này trước năm 2020. Do đó, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH vẫn đang tiếp tục tuyển sinh bậc CĐ như ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.HCM, Nha Trang, An Giang, Tây Nguyên, Nam Cần Thơ, Công nghiệp TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Công nghệ TP.HCM... Trong đó, không ít trường tuyển tới vài ngàn chỉ tiêu.
Thực tế này đã dẫn đến nghịch lý là cùng trong một trường ĐH, cùng chung hoạt động đào tạo mà bậc ĐH thì tuyển sinh theo quy chế của Bộ GD-ĐT còn CĐ thì theo Bộ LĐ-TB-XH.
Lợi thế về thông tin
Vì nằm trong trường ĐH nên bậc CĐ có lợi thế rất lớn là được đứng chung trong những thông báo về tuyển sinh. Giữa lúc các trường CĐ (nay thuộc Bộ LĐ-TB-XH quản lý) đang loay hoay tìm cách đưa thông tin đến với thí sinh nhưng hiệu quả còn hạn chế, thì việc bậc CĐ nằm trong trường ĐH là rất có lợi về mặt thông tin. Thông qua kênh tuyển sinh ĐH, bậc CĐ ở các trường này nghiễm nhiên được thí sinh biết đến rộng rãi.
Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, chia sẻ: “ĐH Đà Nẵng hiện có 2 trường thành viên đào tạo bậc CĐ. Tuy nhiên, do năm nay bậc CĐ đã thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB-XH nên 2 trường CĐ này tuyển sinh và đào tạo theo quy chế của Bộ LĐ-TB-XH. Thí sinh muốn xét tuyển phải nộp một bộ hồ sơ riêng chứ không được đăng ký vào phiếu xét tuyển do Bộ GD-ĐT ban hành. Nhưng rõ ràng vì nằm trong ĐH Đà Nẵng nên các trường CĐ này có được lợi thế hơn so với các trường CĐ khác, là được thí sinh biết đến nhiều hơn”.
tin liên quan
Các trường công an giảm hơn 50% chỉ tiêu đại họcThông tin từ Tổng Cục chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp các trường khối công an tiếp tục giảm mạnh.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay chỉ tuyển ngành bảo dưỡng công nghiệp với 150 chỉ tiêu, nằm chung trong thông báo tuyển sinh bậc ĐH. Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, việc xét tuyển và đào tạo sẽ theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH.
Tương tự, một trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM là Khoa học tự nhiên cũng tuyển 300 chỉ tiêu ngành công nghệ thông tin. Thạc sĩ Lê Văn Lai, Phó phòng Đào tạo, thông tin: “Vì năm nay CĐ tách khỏi Bộ GD-ĐT nên chúng tôi đang nghiên cứu quy định bên Bộ LĐ-TB-XH, sau đó sẽ ra thông báo xét tuyển CĐ trên website của trường. Vì có lợi thế là nằm trong Trường ĐH Khoa học tự nhiên và được liên thông tại trường nên việc tuyển sinh chắc cũng không khó khăn”.
Trong khi đó trên các thông báo tuyển sinh, hầu như có rất ít trường nói rõ về việc xét tuyển CĐ sẽ theo quy chế của Bộ LĐ-TB-XH nhưng lại đánh vào tâm lý “có thể liên thông lên ĐH dễ dàng ngay tại trường”. Một số trường vẫn còn ghi xét tuyển CĐ “theo quy định của Bộ GD-ĐT”.
tin liên quan
Trường CĐ bối rối chưa biết tuyển sinh ra saoNghị định của Chính phủ cũng đã quy định về các hoạt động liên quan đến đào tạo nghề, nhưng đến nay các trường CĐ, TC vẫn đang bối rối vì chưa có hướng dẫn thực hiện trong khi mùa tuyển sinh sắp đến.
Yên tâm hơn về nguồn tuyển
Thạc sĩ Hồ Nhã Phong, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang, cho rằng bên cạnh lợi thế về thông tin, bậc CĐ trong trường ĐH còn dễ dàng tiếp cận được nguồn tuyển tương đối dồi dào từ bậc ĐH. “Trong những năm trước, thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH An Giang nếu không trúng tuyển sẽ nộp hồ sơ xét nguyện vọng bổ sung vào bậc CĐ. Năm nay, dù tuyển sinh ở 2 hệ thống khác nhau nhưng bậc CĐ của trường ĐH sẽ tiếp tục được “thừa hưởng” nguồn tuyển này, bằng cách ra thông báo cho thí sinh nào không trúng tuyển ĐH có thể nộp hồ sơ để học CĐ”, thạc sĩ Phong nhìn nhận.
Trước vấn đề này, phó hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM bày tỏ: “Rõ ràng thí sinh sẽ vẫn thích học bậc CĐ trong trường ĐH hơn vì nhiều lý do. Đa số đều được liên thông ngay tại trường. Về tâm lý, học trong trường ĐH vẫn “oách” hơn. Trong khi đó, các trường CĐ đang rất khó khăn trong việc tiếp cận với thí sinh, đi tìm nguồn tuyển”.
Năm nay, việc được tự chủ trong tuyển sinh là một thuận lợi đối với các trường CĐ, ở chỗ không cần điểm sàn, không cần phụ thuộc quá nhiều vào các quy định. Nhưng điều đó cũng gây ra khó khăn lớn khi đây là năm đầu tiên tách khỏi Bộ
GD-ĐT, trường CĐ không nằm trong hệ thống tuyển sinh chung, không được chia sẻ dữ liệu, phải tự chủ động tiếp cận thí sinh theo cách riêng. Hiện nay các trường CĐ cũng đã đưa lên trang web phiếu đăng ký xét tuyển gồm các nội dung theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Tuy nhiên, số lượng thí sinh biết để truy cập vào còn hạn chế.
tin liên quan
Trường CĐ lo khi bỏ điểm 'sàn' ĐHBộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm “sàn” ĐH gây ra nhiều quan điểm khác nhau trong các trường CĐ.
tin liên quan
Đăng ký nguyện vọng sao cho dễ trúng tuyển?Nhiều thắc mắc về quy chế thi và xét tuyển, đặc biệt là việc đăng ký nguyện vọng, đã được học sinh TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đặt ra trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức ngày 12.3, tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, TP.Đà Nẵng.
Bình luận (0)