Vì đâu bấn loạn tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội?

04/07/2018 07:42 GMT+7

Phụ huynh không được cung cấp thông tin về phổ điểm thi vào lớp 10 dẫn tới những bấn loạn không đáng có trong đồn đoán về điểm chuẩn, tạo kẽ hở cho các trường ngoài công lập 'chụp giật' tuyển sinh.

Không công bố phổ điểm, phụ huynh lo âu
Sau khi công bố điểm thi vào lớp 10, TP.HCM công bố ngay phổ điểm, có bao nhiêu thí sinh đạt điểm trên trung bình, dưới trung bình, môn toán có bao nhiêu điểm 10, điểm 0... Nhưng lãnh đạo phòng quản lý thi của Sở GD-ĐT TP.Hà Nội thì từ chối trả lời tất cả câu hỏi của báo chí xung quanh việc này với lý do... bận không thống kê được.
Điều này tưởng như vô hại vì đằng nào các thí sinh cũng đã biết điểm thi của mình rồi. Tuy nhiên, với những năm điểm thi có dấu hiệu tăng giảm một cách đột biến thì việc công bố phổ điểm là thông tin rất hữu ích và quan trọng đối với phụ huynh. Cụ thể, trong mùa tuyển sinh năm nay, khi nhận được thông tin về điểm thi môn ngữ văn của con, rất nhiều phụ huynh sốc vì điểm thấp. Tuy nhiên, do Sở GD-ĐT TP.Hà Nội không công bố phổ điểm chung của toàn TP nên phụ huynh nào cũng âm thầm đau khổ vì nghĩ rằng điểm của riêng con mình thấp.
Động thái đầu tiên của bất cứ phụ huynh nào là so sánh điểm của con đạt được so với điểm chuẩn của năm trước và các năm gần đây. Điều hiển nhiên là rất nhiều người thấy mức điểm của con mình thấp hơn, và tâm lý lo lắng cho rằng con chắc chắn “trượt” là không tránh khỏi. Nhất là năm nay, số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 tăng so với năm trước hơn 20.000. Điểm thi thấp, tỷ lệ "chọi" lại cao hơn thì phụ huynh không thể không lo lắng. Với tâm lý ấy cộng với việc hoàn toàn “mù” về thông tin phổ điểm thi, nhiều phụ huynh không thể chờ đợi đến gần mười ngày sau để biết điểm chuẩn trường công lập.
Đến khi Hà Nội công bố điểm chuẩn của hệ thống trường công lập phụ huynh mới biết điểm chuẩn năm nay giảm mạnh và như vậy nghĩa là kết quả thi của học sinh là thấp chung chứ không chỉ riêng một vài trường hợp.
Một phụ huynh chấp nhận mất khoảng 10 triệu đồng tiền phí ghi danh và đi năm lần bảy lượt mới rút được hồ sơ cho con ở trường ngoài công lập chia sẻ sau khi biết điểm: "Giá như ngay từ đầu tôi biết thông tin điểm thi của Hà Nội năm nay là thấp chung thì tôi vững tin chờ đến khi Sở công bố điểm chuẩn vì con tôi chỉ thấp hơn 1 điểm so với điểm chuẩn năm ngoái trong khi điểm chuẩn năm nay thấp hơn đến 2 điểm".
Trường ngoài công lập “chụp giật”
Nhiều trường ngoài công lập lợi dụng tâm lý lo âu của phụ huynh đã công bố điểm chuẩn ngay sau khi có điểm thi để tuyển sinh vào thời điểm “tranh sáng, tranh tối”. Tất nhiên, các trường ngoài công lập có quyền tuyển sinh sớm và thậm chí tuyển sinh vào thời điểm mà họ thấy sẽ thuận lợi về nguồn tuyển. Tuy nhiên, để xảy ra những việc như không trả lại học phí và phí ghi danh đã nộp rồi bắt phụ huynh phải hồi hộp, bấn loạn vì điểm chuẩn tăng theo buổi như chơi chứng khoán là điều không thể chấp nhận được ở bất cứ môi trường giáo dục nào, dù là công hay tư.
Việc các trường ngoài công lập tự đề ra những quy định riêng trong tuyển sinh đang làm phụ huynh khốn khổ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng ngoài việc yêu cầu “rút kinh nghiệm”, “chấn chỉnh” khi cơ quan báo chí phản ánh về một trường hợp cụ thể nào đó... thì không có một quy định nào chế tài trong trường hợp xảy ra tình trạng tuyển sinh “chụp giật”.
Tối 2.7, sau khi Sở GD-ĐT TP.Hà Nội có công văn gửi Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu yêu cầu hoàn trả toàn bộ các khoản lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ thì lập tức trên mạng xã hội nhiều phụ huynh lập thành nhóm để cùng đấu tranh đòi lại tiền phí nhập học ở rất nhiều trường ngoài công lập khác. Thậm chí, có trường còn yêu cầu phụ huynh cam kết sẽ học tại trường trong 3 năm, nếu rút hồ sơ sau khi đã nộp, sẽ không hoàn trả bất cứ khoản tiền nào. “Hãy giữ học trò bằng đạo đức và chất lượng của trường, đừng giữ bằng tiền” là mong mỏi của rất nhiều chuyên gia và phụ huynh.
Một đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội giải thích: "Các trường ngoài công lập được tự thỏa thuận với phụ huynh về việc đóng góp và học phí. Sở không có quyền can thiệp vào vấn đề này. Họ hoạt động theo luật Doanh nghiệp, đặt ra các khoản thu thỏa thuận với người học". Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng cần có các quy định pháp luật vừa tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập hoạt động vừa có cơ chế giám sát chặt chẽ.
GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, nhấn mạnh tuy các trường THPT ngoài công lập được hoạt động theo luật Doanh nghiệp nhưng đến nay chưa có luật nào biến nhà trường thành doanh nghiệp. “Tự chủ ở đây không có nghĩa thích làm gì cũng được. Đồng ý là thuận mua, vừa bán, nhưng giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt, không thể áp dụng nguyên cơ chế thị trường. Trong câu chuyện này thì khách hàng - người học không còn là thượng đế mà đang bị đưa vào thế chỉ có thể lựa chọn có hoặc không”, GS Dong nói.
GS Dong cũng cho rằng sở GD-ĐT các địa phương cần có sự can thiệp trong công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường THPT ngoài công lập, đảm bảo quyền lợi cho học sinh và phụ huynh thay vì “buông” như hiện nay.
Yêu cầu Trường Lương Thế Vinh không gây khó khăn cho phụ huynh
Ngày 3.7, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản gửi Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh yêu cầu rà soát, rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc tổ chức tuyển sinh năm học 2018 - 2019, điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp trong cách thức tổ chức tuyển sinh, đảm bảo tính nhân văn trong giáo dục, không gây khó khăn cho phụ huynh học sinh , tránh tạo dư luận xấu trong xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.