Vì sao Bộ GD-ĐT không quyết định việc cho học sinh nghỉ học phòng dịch corona?

04/02/2020 07:51 GMT+7

Đến ngày 3.2, cả nước đã có gần 50 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm phổi do vi rút Corona .

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ GD-ĐT không quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học mà phải xin ý kiến của Thủ tướng, đồng thời để các địa phương “tự quyết” việc này?  Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Đề (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT.

Bản tin về virus corona ngày 3.2.2020: Phòng bệnh cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh

Vì sao Bộ GD-ĐT không quyết định việc cho học sinh nghỉ học ?1

Ảnh: T.Minh

Thưa ông, tại sao Bộ GD-ĐT không quyết định việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch, mà phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Trước hết, phải khẳng định đây không phải là nghỉ học bình thường mà là nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nên thực hiện theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Tại điều 6, luật này quy định: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước”, “các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm” và “UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”.
Ngày 1.2, sau khi Thủ tướng có quyết định về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, Bộ GD-ĐT đã có công văn báo cáo về tình hình chỉ đạo phòng, chống, dịch của ngành giáo dục và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh đã công bố dịch (Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa) cho trẻ mầm non, nhà trẻ, học sinh (HS) tiểu học, HS phổ thông nghỉ học.

Bác sĩ Chợ Rẫy chữa bệnh do virus corona khác thế giới ra sao?

Việc chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định cho phép học sinh nghỉ học là phù hợp với luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đã được cụ thể hóa tại khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018

Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT

Đối với các tỉnh, TP chưa công bố dịch, Bộ xin ý kiến Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND quyết định việc nghỉ học của HS trên cơ sở tham mưu, đề xuất của sở GD-ĐT và sở y tế. Như vậy, đối với các tỉnh, TP chưa công bố dịch sẽ giao quyền chủ động trên cơ sở tình hình thực tế (do sở GD-ĐT và sở y tế đề xuất) có thể cho HS nghỉ học ở từng xã/phường, quận/huyện hoặc cấp học, bậc học cụ thể nếu cần thiết.
Việc chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định cho phép HS nghỉ học là phù hợp với luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đã được cụ thể hóa tại khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018.
Ngày 2.2, tại công văn của Văn phòng Chính phủ về việc cho HS, sinh viên nghỉ học phòng chống dịch bệnh do vi rút Corona, Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương về việc cho trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và HS tiểu học, THCS, THPT tạm nghỉ học để phòng chống dịch.

Tâm sự của những bác sĩ trong tâm dịch virus corona ở Việt Nam

Vì sao Bộ GD-ĐT không quyết định việc cho học sinh nghỉ học ?

Vệ sinh khử trùng tại Trường Marie Curie (Hà Nội)

Ảnh: K.Ngân

Vậy tại sao các trường ĐH đã chủ động thông báo cho sinh viên nghỉ học mà chưa cần chờ tới hướng dẫn của Bộ GD-ĐT?
Việc các trường ĐH cho phép sinh viên được lùi thời gian nhập học sau tết là phù hợp với luật Giáo dục đại học, trong đó thể hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH.
Ngoài việc “cho” HS nghỉ học để phòng ngừa dịch bệnh, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì?
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở GD-ĐT, các trường ĐH thực hiện nghiêm túc công điện của Bộ trưởng về công tác phòng chống dịch, văn bản hướng dẫn của Bộ và các hướng dẫn của ngành y tế về công tác phòng chống dịch. Bộ đã thiết lập số điện thoại “đường dây nóng” (số máy 078.678.3535), đồng thời yêu cầu các địa phương, các trường ĐH báo cáo kịp thời tình hình phòng, chống dịch của địa phương, cơ sở đào tạo về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch vi rút Corona của Bộ GD-ĐT qua email trước 15 giờ 30 hằng ngày để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.