Vì sao người dân phản ứng tăng giá SGK?

08/03/2019 07:55 GMT+7

Theo lý giải của các nhà chuyên môn, sở dĩ mỗi lần NXB Giáo dục VN định t ăng giá sách giáo khoa đều nhận sự phản ứng của dư luận là do mặt hàng này có ý nghĩa như một 'nhu yếu phẩm', ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của hầu hết gia đình ở ta trong bối cảnh sách giáo khoa là sản phẩm độc quyền.

Thực tế cho thấy để giảm áp lực về chi phí sách giáo khoa (SGK) cho người dân, điều quan trọng không phải là tìm cách giảm hay giữ nguyên giá sách mà phải tạo một cơ chế sử dụng SGK văn minh.

Độc quyền mà vẫn kêu lỗ !

NXB GDVN lợi dụng đề nghị tăng giá lên đến 30 - 40% thì cần phải xem xét!
Cán bộ quản lý một NXB
Từ nhiều năm nay, NXB Giáo dục VN (GDVN) đã luôn than phiền chuyện... lỗ khi xuất bản, phát hành SGK mà nguyên do là các khoản chi phí đầu vào đều biến động tăng, từ yếu tố chi phí nguyên nhiên vật liệu (giấy in, chi phí điện, nước, xăng dầu…), chi phí nhân công, tiền công in trả các nhà in, chi phí vận chuyển... Trong khi đó, toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB GDVN phải tự hạch toán, tự cân đối, hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Mà NXB GDVN là doanh nghiệp nên phải đảm bảo nghĩa vụ với nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn. Vì thế, NXB GDVN đã phải sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng. Chẳng hạn, năm 2015 hoạt dộng kinh doanh SGK lỗ 43,8 tỉ đồng (doanh thu SGK là 656,6 tỉ đồng), năm 2016 lỗ 43,3 tỉ đồng (doanh thu 735,2 tỉ đồng), năm 2017 lỗ 38,14 tỉ dồng (doanh thu 703,9 tỉ đồng).
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy, một nhà kinh doanh sách - thiết bị trường học lâu năm tại Q.1, TP.HCM, cho rằng SGK đang là sản phẩm độc quyền của NXB GDVN nên cũng khó mà đánh giá chính xác đề xuất tăng như vậy là có thỏa đáng hay không, và có “xứng đồng tiền bát gạo” hay không khi mà chất lượng in SGK hiện nay kém so với xuất bản phẩm của các NXB khác.

Còn cán bộ quản lý một NXB cho rằng đúng là có chuyện giá vật tư, chi phí in ấn, giấy mực tăng, nhưng liệu có phải NXB GDVN lợi dụng bối cảnh này để đề nghị tăng giá lên đến 30 - 40% thì cần phải xem xét. Phải căn cứ vào yêu cầu chi tiết khổ sách, loại giấy, mực in, số lượng bản in/đầu sách… thì sẽ biết ngay giá NXB GDVN đề nghị có hợp lý không.
“Điều mà dư luận và cả giới xuất bản khó thông cảm với NXB GDVN là từ trước đến nay họ độc quyền xuất bản, phát hành SGK. Có một thời gian dài, giới xuất bản trong nước lao đao thì họ sống thoải mái nhờ có thị phần lấn át thị trường xuất bản phẩm. Ngay cả bây giờ, nhờ ưu thế thị trường ấy mà tổng thể bức tranh kinh doanh của họ là lãi, chỉ lỗ mảng SGK”, vị này nhận xét.
Một bạn đọc của Báo Thanh Niên nhận xét: “Khi NXB đang độc quyền, hoặc chi phối, hoặc thống lĩnh thị trường SGK thì bắt buộc phải chấp hành sự kiểm soát của luật Cạnh tranh. Trong đó, yêu cầu cấm tăng giá bán giảm giá mua bất hợp lý mà chỉ được tăng giảm giá theo quy định. Vi phạm sẽ bị xử phạt tới 10% tổng doanh thu cả năm và có thể bị tước giấy phép”.

Nhà nhà đều phải mua SGK

Ở các nước SGK do trường mua, HS mượn miễn phí
Tiến sĩ Nguyễn Huy Đoan, cựu biên tập viên NXB GDVN, cũng cho rằng có lẽ SGK của các nước đẹp như thế, dày dặn đồ sộ như thế là bởi đối tượng khách hàng mà các NXB tham gia xuất bản SGK hướng tới không phải là từng người dân, mà là từng trường học. “SGK là do các trường mua sắm, cho HS mượn miễn phí hoặc thuê (tùy từng nước), để ngay tại trường, không mang về nhà nên họ có thể làm sách dày thoải mái mà không sợ HS vác nặng. Giá thành đắt nhưng vì người dân không trực tiếp mua nên họ không kêu”, tiến sĩ Đoan nói.
Nhiều nhà giáo, nhà chuyên môn thì cho rằng chất lượng SGK hiện nay hình thức rất xấu, chất lượng giấy kém và đặc biệt là nội dung rất sơ sài. Nếu sắp tới, khi phá bỏ độc quyền thì chắc chắn chất lượng SGK sẽ được nâng cao, và điều này thì không mang lại hứa hẹn giá SGK sẽ rẻ bằng giá SGK hiện hành, thậm chí nếu chất lượng SGK được như SGK của nước ngoài thì giá sẽ khá đắt. Liệu khi đó người dân có “chịu nổi” hay không?
Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), phân tích: “Điều tệ hại ở ta là hình thành một thói quen bền vững nhà nhà, người người mua SGK! Trước đây, chúng ta có hệ thống thư viện trường học rất tốt, học sinh (HS) đi học là được mượn SGK, hết học kỳ hoặc cuối năm trả lại cho nhà trường. Nhưng nhà nước xóa bỏ bao cấp, người dân phải tự mua sách cho con học. Sau này chúng ta phát động lại phong trào xây dựng thư viện nhà trường để cho HS mượn SGK, nhưng phong trào này nhanh chóng bị xẹp. Lý do là vì chúng ta thay sách, và sách được thay lại phải điều chỉnh liên tục, muốn cho HS mượn sách thì năm nào trường cũng phải mua mà tiền đâu để làm việc đó! Thế là thư viện nhà trường yếu dần yếu dần, rồi trở nên thoi thóp. Khi SGK ổn định rồi thì không ai còn dám nghĩ chuyện trang bị SGK cho HS mượn. Hơn nữa khi đó, thói quen nhà nhà, người người mua sách đã cắm rễ rất sâu trong xã hội”.
Một cựu cán bộ NXB GDVN cũng chia sẻ điều vô lý nhất là những năm 1998 - 2000 công tác quản lý nhà nước mảng thư viện trường học được Bộ GD-ĐT giao cho… NXB GDVN, ở các địa phương là các công ty sách - thiết bị trường học. Trong khi đó, mảng kinh doanh SGK lúc đó đang ăn nên làm ra, vừa nhờ thị trường rộng lớn, vừa nhờ khoản nhà nước đầu tư thay sách. Lúc đó, cả Bộ GD-ĐT và NXB GDVN đều đặt ra mục tiêu là không để HS nào thiếu SGK, nhưng không phải là nhờ mượn ở thư viện trường học, mà là nhờ phụ huynh… bỏ tiền túi ra mua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.