Việt Nam hiện thiếu 70.000 nhân lực về công nghệ thông tin

28/08/2018 15:03 GMT+7

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến Việt Nam đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong thời gian tới, nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội cho đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin và nhiều ngành đòi hỏi tay nghề cao.

Hôm nay, 28.8, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam. Hội thảo do một số trường đại học trong và ngoài nước cùng phối hợp tổ chức, gồm Trường đại học Thương mại, Trường đại học Kinh tế - Đại học Huế, Trường đại học Hải Phòng, Trường đại học Toulons của Pháp, Trường đại học Khoa học và công nghệ Long Hoa của Đài Long.
Tại hội thảo, GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại, đặt vấn đề nguy cơ thị trường lao động bị phá vỡ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến rất mạnh mẽ trên toàn cầu mà Việt Nam không thể là ngoại lệ, từ đó đặt ra thách thức nhưng cũng là “cơ hội vàng” cho đào tạo nguồn nhân lực.
GS Sơn cho biết, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với số lượng nhân lực xếp hạng thứ 2 Đông Nam Á (54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,4% tổng dân số). Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 USD/năm, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan. Qua đó cho thấy lao động phổ thông và kỹ năng trung bình của Việt Nam là chiếm hầu hết trong lực lượng lao động, trong khi đây là đối tượng chịu rủi ro số 1 về nguy cơ thất nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
GS Hervé Boismery, ĐH Toulons, Pháp cũng nhận định, trí tuệ nhân tạo và robot đang làm gia tăng các công việc mà máy móc có thể thực hiện hiệu quả và nhanh chóng hơn so với con người. Mặc dù điều này có thể làm giảm chi phí và gia tăng năng suất nhưng điều này sẽ đe dọa đến công việc và một số quốc gia thành viên ASEAN sẽ bị tác động nhiều hơn các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
GS Hervé nói: “Ước tính 56% công việc ở 5 nước ASEAN, gồm Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philipine, đang trong nguy cơ tự động hóa. Trong khi đó lực lượng lao động ASEAN được dự đoán sẽ tăng thêm 11.000 công nhân mới mỗi ngày trong vòng 15 năm tới. Vì thế, ít nhất trong ngắn hạn, tỉ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Đào tạo lại và phát triển kỹ năng có thể sẽ giúp làm giảm cá tác động của tự động hóa, nhưng sẽ không thể ngăn cản các sự giảm sút sâu hơn về lâu dài”.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Liên, Trường ĐH Hải Phòng thì đưa ra một góc nhìn tích cực hơn. Theo bà Liên, tuy lao động một số ngành trong nước đang chịu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ cao khiến nhiều lao động bị thay thế, nhưng nhiều ngành sẽ thiếu trầm trọng lao động có tay nghề cao mà điển hình tiêu biểu là ngành công nghệ thông tin.
Theo bà Liên, ước tính có gần 80.000 sinh viên công nghệ thông tin bước vào thị trường lao động trong hai năm 2017 - 2018. Nhưng so với nhu cầu (được tính đến cuối năm 2018), Việt Nam vẫn sẽ thiếu 70.000 nhân lực về công nghệ thông tin. Nếu tính tới năm 2020, số nhân lực thiếu hụt sẽ lên đến 500.000 người.
Bà Liên nói: “Các ngành khác như điện - điện tử, cơ khí, tự động hóa… cũng đang thiếu hụt nhân lực hiện tại. Dự báo trong tương lai, nguồn nhân lực các ngành này cũng chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu thị trường lao động”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.