Sự việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô vừa qua, theo nhiều người, có khả năng liên quan đến việc chuẩn hóa bằng cấp của những người có nhu cầu.
Theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng từ ngày 15.1.2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có quy định viên chức có bằng đại học về ngoại ngữ sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Lợi dụng quy định này, nhiều người muốn nhanh có bằng mà lại không mất thời gian đã tìm đến các trường đại học dễ dãi trong tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh.
Cần minh bạch quá trình cấp phát phôi bằng
Theo tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân (Huế), chúng ta cần nhìn nhận rằng việc lấy bằng cấp chỉ để mục đích chuẩn hóa phục vụ cho công việc là một trong những lý do diễn ra sự việc tại Trường ĐH Đông Đô vừa qua. Từ mục đích này dẫn đến việc những người có nhu cầu chỉ chăm chăm lấy bằng mà không quan tâm kiến thức, không cần đến chất lượng. Trong khi đó, cung thường cao hơn cầu, nhất là đối với những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Việc kiểm soát và xử phạt làm sao thật nghiêm là điều quan trọng ở vấn đề này.
Tiến sĩ Minh cũng cho biết, dù tính chất khác nhau nhưng về bản chất, có thể thấy việc Bộ GD-ĐT giao các trường in phôi bằng hiện nay không khác lắm so với việc in hóa đơn đỏ của Bộ Tài chính. Trước kia, Bộ Tài chính thực hiện điều này. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp có thể in hóa đơn đỏ. Chúng ta cũng không thể vì một trường hợp để đặt ra hàng rào ngăn chặn mọi thứ. Vấn đề là cần minh bạch quá trình cấp phát phôi bằng, đào tạo cũng như có mức xử lý thật nghiêm khắc với gian dối trong việc chuẩn hóa bằng cấp hiện nay.
Nên theo chuẩn của quốc tế
GS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc chuẩn hóa bằng cấp, chứng chỉ hiện nay nên theo chuẩn của quốc tế. Chẳng hạn, không cần quy định bằng cấp, chứng chỉ tương đương. Chứng chỉ tiếng Anh phải bắt buộc lấy chứng chỉ quốc tế. Chẳng hạn, thi lấy chứng chỉ TOEIC thì phải tuân theo quy trình thi cử chuẩn quốc tế, ít xảy ra tiêu cực. Như vậy thì các cơ quan sẽ yên tâm hơn đối với viên chức của mình.
Theo ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, đồng sáng lập công ty Isobar, việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô vừa qua cho thấy có cầu thì ắt sẽ có cung, nhất là trong cơ quan nhà nước. Việc này ít xảy ra với doanh nghiệp bên ngoài vì phần lớn doanh nghiệp không đặt nặng vấn đề bằng cấp. Khi yêu cầu ứng viên nói tiếng Anh lưu loát, doanh nghiệp sẽ phỏng vấn bằng tiếng Anh, tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu...
Bình luận (0)