Xây dựng giá trị đạo đức từ không gian văn hóa tết

30/01/2019 09:02 GMT+7

Không chỉ là hoạt động vui chơi mà ngày hội Xuân yêu thương, Xuân chia sẻ... còn là dịp để học sinh hiểu truyền thống văn hóa, những giá trị đạo đức một cách nhẹ nhàng, chuẩn mực.

Trải nghiệm với ngày tết cổ truyền

Vào những buổi học cuối cùng của năm cũ âm lịch, hầu hết các trường tại TP.HCM, từ mầm non đến THPT, đều tổ chức các chương trình sinh hoạt, vui chơi gắn liền với các hoạt động đón tết cổ truyền. Mỗi trường chọn cho mình một chủ đề nhưng đều cùng hướng học sinh (HS) đến một mùa lễ hội tràn ngập tình thân ái.
“Những trái tim yêu thương” là chủ đề lễ hội ngày xuân của Trường mầm non Vàng Anh (Q.5) với sự tham gia của gần 1.000 HS và phụ huynh. Để tham gia ngày hội, trước đó ở mỗi lớp, cô và trò đã cùng nhau làm những sản phẩm thủ công như thiệp, hoa, vẽ tranh và chuẩn bị những tiết mục văn nghệ sôi động. Trong ngày hội, các HS cùng ba mẹ tham gia các trò chơi dân gian, gói bánh chưng và quyên góp giúp đỡ trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn…
Phụ huynh Trần Thị Lan Phương của trường này chia sẻ: “Ngày bé đưa thiệp mời tự làm để ba mẹ đến trường tham dự lễ hội mùa xuân, tôi xúc động không nói thành lời. Ôm con vào lòng, tôi chỉ mong qua mỗi hoạt động, dù vui chơi thôi, nhưng con sẽ hiểu và tự mình cảm nhận về tình cảm gia đình, có ý thức chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn”.
Thầy trò Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) tổ chức Hội chợ dân gian Ngũ sắc 2019 tạo sân chơi cho HS cụm các trường THCS, THPT tại Q.Thủ Đức. Mỗi hoạt động của ngày hội được nhà trường lồng vào những ý nghĩa giáo dục một cách nhẹ nhàng và tự nhiên. Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó nhà trường, cho biết: “Ngày hội không chỉ vui trong không khí những ngày tết cổ truyền đang đến gần mà còn giúp học trò nâng cao ý thức giữ gìn giá trị văn hóa đón tết của người Việt, và giúp các em trải nghiệm các hoạt động đa dạng như tự tay gói bánh chưng, làm mứt tết, vào bếp làm các món ăn và bán sản phẩm do mình nấu, tham gia những trò chơi dân gian như ném còn, viết thư pháp, nhảy sạp… Hội chợ dân gian với điểm nhấn là các tiết mục văn nghệ của HS, các CLB năng khiếu trong trường. Đây là cơ hội để các em thể hiện năng khiếu và đam mê âm nhạc”.

Giúp học sinh hướng tới cộng đồng

Không gian văn hóa tết và các hoạt động đặc trưng ngày tết nhằm giúp các em hiểu và cùng giữ gìn, phát huy văn hóa đặc sắc đón tết của người Việt

Trương Thị Bích Thủy
Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM)

Bên cạnh mục đích tổ chức ngày hội xuân để tạo không gian vui chơi cho HS sau thời gian miệt mài học tập thì các hoạt động nhân dịp này còn hướng đến giáo dục ý thức chia sẻ trong mỗi HS. Chẳng hạn, tại khu vực Q.3, HS các trường háo hức đăng ký vé tham gia chương trình Tuổi hồng của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Đã trải qua 24 năm, Tuổi hồng Minh Khai trở thành lễ hội truyền thống, tạo sân chơi giao lưu văn nghệ cho tập thể giáo viên, HS và tạo kinh phí cho các hoạt động xã hội của nhà trường. Các tiết mục năm nay được chính giáo viên và HS dàn dựng, biểu diễn bên cạnh một số ca sĩ khách mời nói lên khát vọng của tuổi trẻ. Bà Nguyễn Minh Bạch Lan, Hiệu phó nhà trường, cho hay sau mỗi chương trình, số tiền thu được sẽ dành để thực hiện các công tác xã hội. Chẳng hạn như năm trước, HS đã xây nhà cho một bạn ở H.Củ Chi. Còn năm nay, sau khi tổng kết chương trình, nhà trường sẽ tiếp tục xây dựng nhà tình bạn hoặc công trình hướng về Trường Sa, biển đảo quê hương.
Tương tự, ông Phạm Phương Bình cho hay với tinh thần tương thân tương ái của người Việt, toàn bộ số tiền thu từ hội chợ sẽ được học trò ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn đón tết. Với quỹ “Sẻ chia yêu thương”, hằng năm trường trao 50 suất học bổng cho HS khó khăn đón tết với giá trị 1 triệu đồng/suất. Đây là hoạt động ý nghĩa giúp các em ý thức và trân trọng giá trị lao động do các em trực tiếp thực hiện”.
Qua các hoạt động ngày tết, bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Giáo dục truyền thống cho HS là hoạt động quan trọng trong nhà trường, trong đó giáo dục giá trị văn hóa tết cổ truyền giúp HS xây dựng giá trị đạo đức. Không gian văn hóa tết và các hoạt động đặc trưng ngày tết nhằm giúp các em hiểu và cùng giữ gìn, phát huy văn hóa đặc sắc đón tết của người Việt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.