Xét tuyển ĐH, CĐ 2019: Trường nâng điểm chuẩn cao để... đánh rớt thí sinh

11/08/2019 06:32 GMT+7

Không đủ thí sinh để mở lớp, một số trường ĐH phải nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh. Tình trạng “trắng” thí sinh này đã xuất hiện từ mùa tuyển sinh 2018 với các trường địa phương, năm nay trên quy mô rộng hơn.

Một điểm lạ trong thông báo điểm chuẩn năm nay của một số trường là có những ngành điểm chuẩn cao chót vót nhưng không có thí sinh (TS) nào trúng tuyển.
 
Điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh trúng tuyển
Ngày 9.8, Trường ĐH Đồng Nai công bố điểm chuẩn trúng tuyển và số lượng TS trúng tuyển từng ngành năm nay trên website trường. Trong số 22 ngành của bậc ĐH và CĐ, trường có gần 2.000 TS trúng tuyển tất cả các nguyện vọng.
Tuy nhiên, thông báo này cũng cho thấy, riêng bậc ĐH trường có tới 4 ngành không có TS nào trúng tuyển gồm: sư phạm vật lý, sư phạm sinh học, sư phạm lịch sử và quản lý đất đai. Dù không có TS trúng tuyển nhưng điểm chuẩn vẫn ở mức rất cao so với các ngành khác. Cụ thể, ngành sư phạm vật lý 24,7; sư phạm lịch sử 22,6; sư phạm sinh học 18,5 điểm; quản lý đất đai 20,8.
Trong số 8 ngành CĐ sư phạm của Trường ĐH Đồng Nai cũng chỉ có ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có TS trúng tuyển (điểm chuẩn 16), 5 ngành còn lại đều có điểm chuẩn ở mức rất cao (16 - 19,8) mà không có người nào trúng tuyển.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM với 2 ngành: công nghệ sau thu hoạch (22 điểm) và công nghệ kỹ thuật xây dựng (20 điểm). Dù điểm chuẩn cao nhưng cả 2 ngành này đều không có TS trúng tuyển. Trong khi 9 ngành còn lại của trường này, điểm chuẩn chỉ ở mức 14.

Không đủ thí sinh để mở lớp!

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đồng Nai, cho biết: “Chiều 8.8, khi họp bàn phương án xác định điểm chuẩn, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã thống nhất nâng điểm chuẩn một số ngành lên mức cao hơn mức điểm cao nhất của TS có thể trúng tuyển”.
Theo ông Thắng: “Lý do là các ngành này chỉ có một vài TS trúng tuyển, nhiều nhất cũng chừng 5 em nên không đủ mở lớp. Trường cũng tính đến phương án cho TS chuyển ngành nhưng không được do sự khác biệt về tổ hợp xét tuyển và chênh lệch điểm chuẩn”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, thông tin 2 ngành nâng điểm chỉ có 1 - 2 TS xét tuyển. Nếu lấy điểm chuẩn thấp, TS vào trường nhưng lại không đủ sinh viên để mở lớp. Vì vậy, trường nâng điểm chuẩn lên cao để TS không trúng tuyển, rớt qua nguyện vọng khác ngay quá trình lọc ảo.

Điểm sàn sư phạm quá cao?

Thực trạng này diễn ra ở các trường ĐH địa phương và chủ yếu rơi vào nhóm ngành sư phạm. PGS-TS Lê Kính Thắng cho hay: “Nguyên nhân chủ yếu là do điểm sàn với các ngành sư phạm năm nay quá cao dù rằng đây là chủ trương đúng của Bộ GD-ĐT để đảm bảo chất lượng các ngành đào tạo giáo viên”.
Theo ông Thắng, kinh nghiệm năm trước thì với cách tuyển sinh như hiện nay, dù có tuyển bổ sung cũng không còn nhiều TS. Năm ngoái, trường này chỉ tuyển được mấy chục người cho tất cả các ngành vì TS gần như đã trúng tuyển hết ở đợt 1.
Về khuyến cáo của Bộ GD-ĐT, ông Thắng nói: “Trong hội nghị tuyển sinh năm nay, đại diện Bộ đã gợi ý nếu thấy khả năng không mở được ngành thì gọi điện thông báo trước cho TS. Tuy nhiên, trong dữ liệu xét tuyển trường nhận được không có số điện thoại. Hơn nữa, sau ngày 31.7, TS có muốn cũng không điều chỉnh được nguyện vọng”.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), cũng cho biết các trường ĐH địa phương đang rất khó khăn trong tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên. Năm ngoái điểm sàn đã cao, năm nay còn cao hơn. Ông Vũ cũng thừa nhận, tình trạng không có việc làm của sinh viên tốt nghiệp sư phạm cũng tác động đến tâm lý chọn ngành học của TS. “Nên chăng năm tới các ngành sư phạm có điểm sàn riêng cho trường ĐH trọng điểm và trường địa phương”, ông Vũ đề xuất.

Thí sinh trúng tuyển dù không đủ điểm chuẩn ?

TS Đ.T.T có hộ khẩu tại tỉnh Tây Ninh, học THPT tại TP.HCM và thuộc khu vực tuyển sinh Quân khu 7 theo quy định tuyển sinh khối trường quân đội. TS này đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành biên phòng của Học viện Biên phòng bằng tổ hợp A01 (toán, lý, tiếng Anh) với số điểm 21,85 (không có điểm ưu tiên khu vực và đối tượng). Ngoài ra, TS này đăng ký 5 nguyện vọng khác vào Trường ĐH Kinh tế - Luật bằng tổ hợp A00 (22,1 điểm) và A01 (21,85 điểm).
So với điểm chuẩn ngành biên phòng dành cho TS Quân khu 7 khối A01 là 22,65, TS này không thể trúng tuyển. Đúng quy trình lọc ảo, TS này trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật ngành luật dân sự chất lượng cao (nguyện vọng 3 theo thứ tự đăng ký của TS). Nhưng sau khi công bố kết quả trúng tuyển, Đ.T.T không tìm thấy tên mình trong danh sách TS trúng tuyển của Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Trước phản ánh của TS, Trường ĐH Kinh tế - Luật đã kiểm tra hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và thấy Đ.T.T đã trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Học viện Biên phòng, nên TS này không được xét trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - Luật.
Trả lời PV Thanh Niên, đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, nguyên nhân là Học viện Quốc phòng có sự nhầm lẫn trong danh sách xét tuyển cuối cùng. Đơn vị chức năng của 2 bộ (Quốc phòng và GD-ĐT) phối hợp xử lý trả TS về đúng trường theo nguyện vọng và điểm thi, đảm bảo quyền lợi cho TS.
Theo thông tin từ Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, trong quá trình tham gia xét tuyển chung, Học viện Biên phòng và Trường Sĩ quan Pháo binh đã để xảy ra sai sót kỹ thuật, dẫn tới một số TS không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào hai trường nhưng chưa có tên trong danh sách trúng tuyển các nguyện vọng kế tiếp TS đã đăng ký. Ngày 10.8, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát kết quả trúng tuyển các nguyện vọng kế tiếp và sớm công bố kết quả xét tuyển để đảm bảo quyền lợi cho TS.
Hà Ánh - Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.