Chiều 5.8, chị N.N.K.T, mẹ của bé N.N.N.T (vừa hoàn thành bậc mầm non) đã dẫn con đến Sở GD-ĐT TP.HCM để đề đạt nguyện vọng cho bé N.N.N.T học vượt lớp, vượt cấp.
Cụ thể, theo chị K.T, con chị vừa hoàn thành xong bậc mầm non. Tuy nhiên, dù không dạy trước chương trình lớp 1 cho con, chỉ hướng dẫn qua loa, nhưng con chị đã biết đọc chữ trôi chảy, làm toán, hát... Cụ thể là con chị đủ khả năng hoàn thành nhiều môn học trong quá trình học lớp 1. Vì vậy, sau khi biết thông tin Bộ GD-ĐT có quy định cho học sinh học vượt lớp, gia đình mong muốn xin cho bé học vượt từ mầm non thẳng lên lớp 2, bỏ qua chương trình học lớp 1. Ngoài ra, bé N.T cũng muốn được lên học lớp 2.
Cụ thể, thử năng lực bài của bé khi giải toán và đọc bài bất kỳ trong sách Cánh Diều (sách tại trường tiểu học bé sẽ học trong năm tới) thì gần như bé có thể hoàn thành tốt.
Trước khi lên Sở GD-ĐT đề đạt nguyện vọng và mong muốn được giải đáp, chị có làm đơn xin kiểm tra năng lực cho bé N.T tại trường tiểu học bé sẽ nhập học vào đầu năm tới và nộp đơn lên phòng giáo dục nơi cư trú. Tuy nhiên, những nơi này cũng khá bối rối trong việc giải quyết nên chị có đưa bé N.T đến Sở nhờ giải quyết.
|
Tuy nhiên, mong muốn của gia đình bé N.T không thành hiện thực.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, quy định học vượt lớp trong Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD-ĐT (năm 2010) chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Quan trọng hơn, ngay trong Điều lệ này và cả Dự thảo Thông tư mới về Điều lệ trường tiểu học (đang lấy ý kiến), có quy định học sinh 6 tuổi phải vào học lớp 1. Điều lệ cũng có nội dụng cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Nghĩa là chỉ học vượt lớp, không học vượt cấp.
Ngoài ra, chương trình học còn rất nhiều môn học, kỹ năng khác mà học sinh được tiếp cận, không chỉ là các môn học như toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Vì vậy, bé N.T được khuyến khích vào học lớp 1. Nếu trong quá trình học lớp 1, bé N.T có khả năng vượt trội, gia đình có thể làm đơn đề nghị với nhà trường. Sau đó, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn (gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội). Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét (có thể xin ý kiến cơ quan quản lý cấp trên) để quyết định.
Đây là trường hợp đầu tiên xin học vượt lớp, vượt cấp mà ngành giáo dục TP.HCM tiếp nhận từ trước đến nay.
Bình luận (0)