Xót xa cho nghề giáo

21/12/2018 13:42 GMT+7

Những câu chuyện không vui liên quan đến những người thầy, người cô liên tục diễn ra đã khiến dư luận phẫn nộ. Hình ảnh về nghề giáo theo đó cũng vô tình bị ảnh hưởng phần nào.

Những con sâu làm rầu nồi canh?

Tối 20.12, Công an huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã tạm giữ H.T.Đ (35 tuổi, trú tại thị trấn Chư Ty, H.Đức Cơ), hiện là giáo viên Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Nan), để điều tra về hành vi "hiếp dâm trẻ em".
Trước đó, ngày 15.12, cơ quan điều tra Công an huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn để làm rõ hành vi lạm dụng tình dục nhiều nam sinh.

Trong tháng 11, một giáo viên dạy Giáo dục công dân ở Trường THCS thị trấn Vân Đình (Hà Nội) đã bị 'tố' đánh học sinh đến gãy răng.
Một giáo viên của Trường THCS Duy Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình) đã có hình phạt không giống ai khi bắt toàn thể sinh học trong lớp tát vào má 1 học sinh khác; mỗi em phải tát 10 cái. Giáo viên này cũng tát, và học sinh kia bị tát tổng cộng 231 cái.
Tương tự, một giáo viên Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) cũng đã cho học sinh tát một bạn học trong lớp hàng chục cái vì em này nói bậy...
Phải chăng đạo đức nhà giáo ngày càng xuống cấp?... Những lời cảm thán như thế được thốt ra rất nhiều suốt thời gian qua. Cũng đúng thôi, bởi những sự việc liên quan đến giáo viên vi phạm quy tắc đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật đã xảy ra không ít suốt thời gian qua.
Tại tọa đàm "Hành động vì hạnh phúc học sinh" do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức mới đây, ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú (TP.HCM), nói rằng: "Luôn tin những sự việc đau lòng ấy chỉ là thiểu số, chỉ là một bộ phận giáo viên như thế, như một vài hạt cát trên sa mạc. Còn hầu hết giáo viên đều hết lòng vì học trò. Nhưng thật tiếc là 'những con sâu làm rầu nồi canh', khiến dư luận có cái nhìn hơi phiến diện và đánh đồng những người theo nghề giáo".

Vẫn luôn là nghề cao quý

Thực tế, có vô số câu chuyện đẹp của những người làm nghề "trồng người".
Như 15 năm qua, cô Võ Thị Xuân (giáo viên Trường THCS Trần Phú, Quảng Ngãi) đã dạy thêm miễn phí cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Cô cũng là người kết nối để nhiều học sinh nghèo được học miễn phí trong những lớp dạy thêm của đồng nghiệp.
Hay gần 40 năm nay, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hà đã dành cả thanh xuân để “cõng” con chữ lên vùng cao xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), nơi sinh sống của đồng bào Ma Coong, nơi mà con chữ vẫn còn là khái niệm xa vời.
Rồi thầy giáo Hoàng Hữu Kiều thì trích tiền lương ít ỏi, lặn lội khắp nơi để tìm mua xe đạp cũ, sửa lại, rồi mang về tặng các học trò nghèo… ở Quảng Trị.
Còn cô giáo Đậu Thị An, giáo viên Trường tiểu học Đại Nài (Hà Tĩnh) đã cùng đồng nghiệp có ý tưởng lên Facebook để xin xe đạp cũ về sửa chữa, trao tặng cho học sinh nghèo, góp phần xóa cảnh học trò phải lầm lũi đến trường bằng chân đất cả 5, 7 km...
Những câu chuyện đẹp về tình thầy trò, về sự yêu thương vô bờ của giáo viên dành cho học sinh còn rất nhiều. Nhưng như ông Khiêm nhận định: "thường thì những điều không tốt, những câu chuyện phản cảm lại thường được quan tâm và chia sẻ nhiều hơn. Quả thật rất buồn, rất xót xa và cảm thấy bất công cho những người làm nghề giáo".
Thiết nghĩ, để những đánh giá "đạo đức nhà giáo đang xuống cấp" không còn xuất hiện trong ngành giáo dục, không còn cách nào khác, mỗi giáo viên luôn đến bục giảng vì học sinh, thương yêu học sinh như con cái của mình, mong học sinh tiếp thu được những điều hay lẽ phải, giúp các em nên người... Có như vậy, dư luận sẽ không còn đánh giá phiến diện, không còn nhìn vào một vài "vết ố" trong bức tranh về nghề giáo vốn dĩ đẹp đẽ. Và nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý, mãi được tôn trọng trong tâm khảm mỗi người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.