Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để xin ý kiến góp ý của xã hội.
Bạn đọc xem bản đầy đủ dự thảo chương trình ở đây.
Nhiều môn học mới
Theo dự thảo, hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Trong một năm học, thời gian thực học các môn học của chương trình giáo dục phổ thông tương đương với 37 tuần, gồm: 35 tuần thực học dành cho các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hoá và môn học tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.
tin liên quan
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sẽ xét tốt nghiệp THPT thay vì thi?Hôm nay 12.4, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức họp báo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chương trình được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm 9 năm và chia làm hai cấp: tiểu học, trung học cơ sở. Giai đoạn định hướng nghề nghiệp gồm có lớp 10, các lớp 11 và 12.
Ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa: thế giới công nghệ, tìm hiểu tin học, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn có tiếng dân tộc thiểu số. Trong đó các môn học như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là các môn học mới.
Hệ thống môn học ở cấp tiểu học và THCS trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới
|
Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).
Các môn bắt buộc ở cấp trung học cơ sở gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm tin học, công nghệ và hướng nghiệp, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Phân hóa từ lớp 11
Lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông. Nội dung các môn học ở lớp 10 giúp học sinh có cách nhìn tổng quát về lĩnh vực khoa học tương ứng với mỗi môn học và có những hoạt động trải nghiệm nghệ thuật, hiểu vai trò và ứng dụng của mỗi ngành khoa học, nghệ thuật trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan, nhằm củng cố vững chắc học vấn phổ thông cốt lõi, hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh nhận thức rõ hơn năng lực, sở trường của bản thân, từ đó có hứng thú đối với môn học và định hướng lựa chọn các môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.
Ở cấp THPT số môn học bắt buộc giảm dần
|
Các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, thiết kế và công nghệ, ngoại ngữ 1, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm tin học, giáo dục thể chất, hoạt động nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.
Lớp 11 và lớp 12 là các lớp phân hoá sâu của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình các môn học ở lớp 11 và lớp 12 được phát triển trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 10, lựa chọn những vấn đề mang tính ứng dụng cao, thiết thực đối với định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh.
tin liên quan
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tác động nhiều nhất đến bậc THPTDự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý.
Các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học bắt buộc có phân hoá gồm giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Các môn học tự chọn bắt buộc gòm giáo dục kinh tế và pháp luật, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, khoa học máy tính, tin học ứng dụng, thiết kế và công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, chuyên đề học tập.
Học sinh tự chọn tối thiểu 3 môn học và một chuyên đề học tập trong các môn học tự chọn bắt buộc phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường. Các trường có phương án xây dựng các tổ hợp môn học để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường.
Bình luận (0)