Cụ thể, trong đề thi văn này có câu: "Tốn bao nhiêu tiền ăn học, tại sao điểm thi thấp thế này? Sao chỉ có ăn với học mà làm cũng không xong? Con phải cố gắng đậu trường A, bố mẹ đặt hết kỳ vọng vào con". Đó là những lời bố mẹ luôn nói với tôi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn trả lời rằng: "Con muốn sống một cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt". Bằng trải nghiệm của bản thân, hãy bày tỏ suy nghĩ về câu trả lời trên.
"Khốc liệt thật"
Sau khi đề thi văn này được chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Phần lớn ý kiến cho rằng, cái câu mà người con dự định trả lời quá giống tình cảnh mà những người trẻ đã và đang gặp phải.
"Tôi hoàn toàn đồng ý, rằng muốn sống một cuộc sống bình thường cũng rất khốc liệt. Khi bố mẹ, gia đình luôn cứ áp đặt phải giống bạn này, phải như bạn kia. Tôi từng như thế. Bố mẹ kể về những câu chuyện của bạn bè, buộc tôi coi đó là tấm gương để phấn đấu. Để rồi, suốt những năm học THPT, tôi sống trong mệt mỏi và áp lực", Trần Thành Tâm, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói.
Vương Tuấn Bảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết đọc câu chuyện trong đề thi văn này "mà tưởng đang nói về... chính tôi, vì quá giống". "Tôi bị bố mẹ kiểm soát cả thời gian biểu. Dù đã 17 tuổi, nhưng tôi không được như bạn bè, không được tham gia hoạt động ngoại khóa mà tôi muốn, hay theo đuổi môn thể thao mà tôi đam mê. Bố mẹ chỉ bắt tôi học và học, hạn chế cho ra ngoài đi cùng bạn bè. Nên đôi khi nhìn bạn bè được làm điều các bạn thích, tôi hơi chạnh lòng", Bảo kể và nói thêm: "Nếu bố mẹ tâm lý thì con cái dễ thở. Nếu bố mẹ hơi hà khắc sẽ khiến con cái không thoải mái. Tôi nghĩ rằng, để sống cuộc sống bình thường cũng thật sự rất khốc liệt".
Nhà văn Hà Thanh Phúc (TP.HCM), kể lại chuyện bản thân là người yêu văn chương, giỏi Văn nhưng từ nhỏ luôn bị ép học toán vì bị gia đình cho rằng phải học toán mới là tốt. Thế nên anh dễ đồng cảm được đưa ra trong đề bài này.
Theo Phúc, một cuộc sống bình thường ở đây là được sống cho bản thân, được là chính mình. Nghĩa là được yêu người mình có thể yêu, được làm cái mình thích... Nhưng cuộc sống này không hề dễ dàng. Luôn có những ‘quy chuẩn’, định kiến xã hội. Phụ huynh hay bảo con cái phải giống bạn A., B., C... khuyên con cái là con trai thì phải yêu con gái, là nam nhân thì không được rơi lệ...
"Để rồi sống một cuộc đời bình thường như mình mong muốn vô cùng khốc liệt. Là vì, nếu bạn quyết liệt quá, không nghe theo lời cha mẹ thì lại mang tội bất hiếu với mẹ cha. Vì rõ ràng cha mẹ cũng đang muốn mình tốt, theo cách nghĩ của họ. Rồi bạn phải lập gia đình vì mọi người nói bạn đã già trong khi bạn không hề thích thì đó là một cuộc sống bất hạnh. Và nếu cố chấp theo những gì mình thích, mình muốn, mà chẳng may không thành công, không đủ tiền trang trải cuộc sống cũng là bất hạnh. Việc cân bằng giữa việc sống là mình và sống theo quy chuẩn của người khác khá khó khăn. Vì nếu không bạn sẽ dễ có một cuộc đời buồn", nhà văn Hà Thanh Phúc nói.
Cũng theo nhà văn này, thì đây là đề văn hay và khó. "Đó là tiếng nói của không chỉ những em 15 tuổi mà cả của những người trưởng thành. Trong cuộc đời này, có không ít người mong muốn sống một cuộc đời bình thường nhưng có khi đến tận nhắm máy xuôi tay vẫn không ngừng tranh đấu cho một sự bình thường tưởng chừng như rất dễ dàng đó", Phúc nhận xét.
Sống bình thường cũng khốc liệt, vậy phải làm sao?
Thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên môn văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho biết: "Khi đọc đề thi văn này tôi chợt nhớ đến một câu mình đọc được ở đâu đó khá lâu rồi: "Thời trẻ dại, chúng mình thường hỏi nhau sẽ chọn cuộc đời bình lặng hay bão giông. Hồi đấy mình bảo mình sẽ chọn bão giông. Vì phải trải qua thử thách con người mới khôn lớn, trưởng thành được. Cuộc sống dễ dàng quá sẽ làm người ta yếu ớt đi. Giờ nghĩ lại, có khi mình sẽ chọn bình yên. Vì cuộc đời, chẳng cần chọn, cũng vẫn đầy giông bão mà thôi..."
Ông Đức Anh cho rằng đề thi văn này có lẽ cũng đánh động cả phụ huynh vì cũng có nhiều phụ huynh đặt cho con mình một mục tiêu rất hoàn mỹ như "con nhà người ta", đôi khi những kỳ vọng về cuộc sống tương lai cao quá đến mức áp lực đối với một đứa trẻ thuộc thế hệ GenZ.
Đề thi rất hayTheo ông Đức Anh: "Lúc đầu khi đọc đề tôi thấy đề khá "căng", khá khó với một học sinh 15 tuổi. Vấn đề được đặt ra cho những người trẻ đang bước vào cuộc sống rất sâu sắc, cần có cả sự trải nghiệm và chiêm nghiệm. Ngay cả tôi là người dạy Văn, đã trưởng thành và có nhiều trải nghiệm cũng phải ngẫm ngợi rất lâu mới có thể viết được tường tận. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi của bài thi, chỉ e là các em khó viết thấu đáo và sâu sắc. Nhưng vì là đề tuyển học sinh chuyên Văn, nên tôi nghĩ sẽ có những học sinh viết ổn và hy vọng sẽ có những bài viết có chiều sâu. Và phải công nhận đây là câu hỏi rất hay. Đứng dưới góc độ của một giáo viên dạy văn, tôi rất vui khi thấy ngày càng nhiều những đề văn hay như thế này. Tôi trân quý ghi nhận những trăn trở của người ra đề để có được một đề văn hay và gửi gắm những bài học sâu sắc về lẽ sống".
|
"Muốn sống một cuộc sống bình thường nhưng sống bình thường cũng rất khốc liệt, vậy mình hãy chọn một cuộc sống thật vui. Tôi biết sau kỳ thi, với một đề thi văn khó và hay như thế này, sẽ có nhiều em không đậu vào trường chuyên lớp chọn mà chỉ học một ngôi trường ‘bình thường’. Thế thì hãy vẫn cứ vui vì cuộc đời ai cũng vậy, có vui có buồn, không thể lấy cuộc sống của người này để đo lường cuộc sống của mình, hãy tự vui với những gì mình đã làm được, mình cố gắng, nỗ lực. Dù cho đến lúc này bạn chưa đạt được thành tựu gì cũng đừng buồn. Bởi vì điều quan trọng không phải là bạn đã làm gì mà sau này bạn sẽ làm được gì. Rồi bạn sẽ có cuộc sống đầy xuyến xao khiến trái tim không ngừng nhún nhảy”. Triết lý sống rất tích cực từ đề thi văn, ông Đức Anh khuyên những người trẻ nhẹ lòng và sống nhẹ nhàng hơn.
Bình luận (0)