Thông tin này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai khóa ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019, ngày 5.10.
Tự chủ không có nghĩa “tự bơi”
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ về chủ đề "Tự chủ đại học (ĐH) - Đổi mới và sáng tạo" trước cán bộ giảng viên và hơn 900 tân sinh viên ĐH này. Ông Huệ nhấn mạnh: "Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia. Nếu coi các lĩnh vực công là thành viên của một đội bóng đá thì không bao giờ đặt y tế và giáo dục ở vị trí tiền đạo mà chỉ nên ở vị trí tiền vệ".
Phó thủ tướng lý giải nếu để giáo dục, y tế tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này. Trung Quốc đã mắc phải sai lầm này, gây ra tình trạng tăng giá dịch vụ, lạm thu quá sức chi trả của người dân và nhà nước và đang phải khắc phục. Đi liền với đó trách nhiệm giải trình của cơ sở tự chủ chưa tương xứng với mức độ tự chủ sẽ gây ra tình trạng tham nhũng, thất thoát.
Tuy nhiên, xu hướng chung trong giáo dục ĐH toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ nhà nước kiểm soát sang nhà nước giám sát.
Ngay cả trong mô hình nhà nước kiểm soát thì cơ sở giáo dục ĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định. Đồng thời, ngay trong mô hình độc lập thì nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu giải trình đối với các cơ sở giáo dục ĐH.
Phó thủ tướng cũng nêu rõ, tự chủ ĐH không có nghĩa là các trường ĐH phải hoàn toàn "tự túc", "tự bơi" về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.
Nếu coi các lĩnh vực công là thành viên của một đội bóng đá thì không bao giờ đặt y tế và giáo dục ở vị trí tiền đạo mà chỉ nên ở vị trí tiền vệPhó thủ tướng Vương Đình Huệ |
Ông Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta đừng nghĩ tự chủ là nhà nước bỏ hết là không phải". Theo ông, càng tự chủ bao nhiêu thì trách nhiệm giải trình càng lớn, các hoạt động càng phải công khai minh bạch.
"Trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH không giống nhau mà tùy thuộc vào chất lượng, năng lực của bản thân cơ sở đó", ông Huệ nói.
Thành lập trường trong trường ĐH và trường thuộc ĐH quốc gia
Trong buổi làm việc, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có những kiến nghị về thực hiện tự chủ ĐH. Cụ thể, ĐH này kiến nghị Chính phủ cho phép chủ động áp dụng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH trước khi có nghị định hướng dẫn thi hành. Cụ thể là đề án thí điểm tự chủ của các trường ĐH thành viên theo 2 nhóm: tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, tự chủ phần lớn chi thường xuyên; Chủ động thành lập các trường trực thuộc ĐH này và các trường trực thuộc các trường ĐH thành viên.
Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, cũng kiến nghị với Phó thủ tướng: "Nếu được xin phép cho ĐH Quốc gia được ủy quyền giao quyền tự chủ cho các trường thành viên trong thời gian nghị định chưa được ban hành". Theo bà Tú Anh, trường ĐH này đã có đề án nhưng chờ 2 năm chưa được thực hiện tự chủ. "Chúng tôi hiện đang rất khó khăn trong giữ người, các tiến sĩ thường xuyên bị “mất” qua trường tư và doanh nghiệp", bà Tú Anh nói.
Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết tinh thần chung là Bộ GD-ĐT ủng hộ. Tuy nhiên, hiện tự chủ chi thường xuyên mới chỉ gồm 2 loại: toàn bộ hoặc một phần, không có tự chủ phần lớn như mô hình ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất.
Về thành lập các trường trực thuộc, theo ông Phúc, luật mới hiện nay cho phép thành lập trường trong trường ĐH và trường thuộc ĐH Quốc gia. Do vậy, việc này thuộc thẩm quyền của ĐH Quốc gia và không có vướng mắc gì.
Việc thành lập trường thuộc ĐH quốc gia và trực thuộc trường ĐH thành viên, Phó thủ tướng giao cho Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý theo quy định hiện hành, điều kiện để thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo được chi thường xuyên và chi đầu tư.
Theo Phó thủ tướng: "Nếu nâng cấp khoa thành trường mà hoàn toàn tự chủ được thì vẫn hơn đẻ ra một cái mới nhưng là gánh nặng cho trường và ngân sách nhà nước". Từ đó, Phó thủ tướng khuyến khích nâng cấp từ những cơ sở có sẵn để tự chủ không phải giảm người làm mà là giảm chi từ ngân sách. Chẳng hạn, có thể nâng cấp trường từ khoa y, khoa quốc tế...
Bình luận (0)