Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng

25/06/2024 16:59 GMT+7

Hiến mô tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử và đồng bào hãy chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận người đầy ý nghĩa và cao cả này.

Hôm nay 25.6, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và khởi động đăng ký hiến mô, tạng tại các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng- Ảnh 1.

Các Phật tử đăng ký hiến mô, tạng

BTC

Lễ ký được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động mới đây.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: hiến mô tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo, đồng thời là nghĩa cử cao đẹp của dân tộc.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử và đồng bào chung tay góp sức vào phong trào đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận người đầy ý nghĩa và cao cả này. Hiến mô, tạng là hành động thiết thực để thể hiện tình yêu thương nhân loại, sự sẻ chia và lòng vị tha của mỗi chúng ta. Mỗi mô tạng, mỗi bộ phận cơ thể người được hiến tặng sẽ là nguồn sống quý giá, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Dự lễ ký, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hơn 30 năm thực hiện triển khai ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên vào tháng 6.1992, đến nay chúng ta đã thực hiện gần 9.000 ca ghép tạng trên cả nước với sự tham gia của 26 bệnh viện, trung tâm.

"Lễ ký kết có ý nghĩa nhân văn, là những hành động hết sức kịp thời, nhằm đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến tặng mô, tạng, giúp nhiều người bệnh hiểm nghèo được hồi sinh nhờ ghép tạng", ông Thuấn đánh giá.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, bày tỏ: phối hợp tuyên truyền vận động đăng ký hiến mô tạng là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn, theo lời Phật dạy. Mỗi người chúng ta hãy là một đại sứ, một người truyền lửa để lan tỏa thông điệp "cho đi là còn mãi".

Tại lễ ký kết, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu kêu gọi các Phật tử đăng ký hiến tạng cứu người, cùng gieo mầm hạt giống từ bi trong mỗi người, lan tỏa thông điệp"mở lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương, thắp sáng niềm tin, tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống" vì "cho đi là còn mãi" đã được Thủ tướng phát động.

Theo nội dung ký kết, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tuyên truyền tới chức sắc, tăng ni, cộng đồng Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, từ đó phát tâm tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não, hiến xác khi qua đời theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác thành lập chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh thành.

Phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng tại các cơ sở trực thuộc trong hệ thống của 2 hội; tổ chức các lớp đào tạo, hội nghị, hội thảo, tọa đàm… về lĩnh vực hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Tổ chức tôn vinh, tri ân, thăm hỏi, động viên, chăm lo cho gia đình có người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não tại địa phương và người được hiến tặng.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.