Giao Linh: 'Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, sao có thể khó hát hơn tiếng Anh'

09/03/2019 08:46 GMT+7

'Nữ hoàng sầu muộn' cho rằng với những người được sinh ra và sống ở Việt Nam, tiếng Việt đã ăn sâu vào máu thì việc hát tiếng Việt phải dễ dàng hơn hát tiếng Anh.

Mới đây, ca sĩ Giao Linh cùng với ca sĩ, nhạc sĩ Đình Văn hội ngộ khi cùng làm giám khảo chương trình Thần tượng Bolero. Trước đó, nữ nghệ sĩ đã khiến người hâm mộ lo lắng khi bà bị nhồi máu cơ tim khi đang thu bài hát và phải nhập viện. Do bệnh tình chuyển biến nặng, nhịp tim giảm, bà được bác sĩ lắp ba ống đỡ động mạch. 10 ngày sau, tình trạng bệnh đỡ dần, Giao Linh xuất viện, song phải nghỉ hát vài tháng theo yêu cầu của bác sĩ.
Chia sẻ về tình hình sức khỏe hiện tại, giọng ca Không bao giờ quên anh cho biết: "Tôi cảm ơn sự quan tâm của khán giả dành cho mình. Bây giờ sức khỏe của tôi tạm gọi là ổn định, được khoảng 80% rồi, tôi bệnh cũng được một năm rồi. Có được tình thương của khán giả, tôi thấy mình như được có thêm sức mạnh. Cùng nhờ có ông xã ở bên chăm sóc, ông ấy rất yêu nghề của tôi và cũng mong muốn tôi có sức khỏe đến được cùng khán giả. Trong cuộc đời của một người nghệ sĩ, được gần gũi khán giả là một niềm hạnh phúc rất lớn. Ông ấy luôn ủng hộ tôi trong sự nghiệp". 
Nữ nghệ sĩ bày tỏ bà thấy vui và hạnh phúc khi đến giờ vẫn được đứng trên sân khấu, vẫn có thể hát được. Giao Linh cho biết bà sống bằng dòng nhạc bolero, thời điểm nào thì bolero cũng sống trong máu của bà. Dù thị trường âm nhạc có sự thay đổi hay chuyển biến thì với bà bolero vẫn tồn tại từ đời này qua đời khác, qua nhiều thế hệ và mọi người đều nghe một cách trân trọng.
Giao Linh chia sẻ bà thấy hạnh phúc vì luôn được chồng ủng hộ và yêu cái nghề của bà Ảnh: TL
Khi được hỏi về những ý kiến cho rằng lớp ca sĩ trẻ bây giờ hát bolero không được ngọt ngào và hay hơn các ca sĩ thời trước, ca sĩ Giao Linh cho rằng: "Tôi thấy ngày xưa, các ca sĩ lớn tuổi họ phải khổ luyện dữ lắm. Một bài hát tôi phải tập rất lâu, khi thâu băng là phải thâu chung với ban nhạc. Nó không có sự thoải mái mà phải dùng hết sức lực của mình để làm một bài hát thành công. Thời gian trôi qua, mỗi ngày đều khổ luyện tạo cho người ca sĩ đến từng tuổi này vẫn đứng được trên sân khấu là nhờ kinh nghiệm. Tôi hi vọng các ca sĩ trẻ về sau họ cũng sẽ rút kinh nghiệm đó và vẫn tiếp tục con đường mà các ca sĩ trước đã đi". 
Nếu như ý kiến của Tùng Dương gây tranh cãi khi phát ngôn rằng: "Tôi nghĩ khi việc hát tiếng Anh sẽ dễ hơn hát tiếng Việt, và cũng dễ được khán giả Mỹ tiếp nhận hơn", thì nữ nghệ sĩ U.70 lại không đồng ý.
"Tôi thấy dĩ nhiên với những người sinh sống bên nước ngoài thì nói tiếng Anh tốt hơn, hát hay hơn thì đúng. Giống như các cháu của tôi, nói tiếng Anh chúng không phải suy nghĩ nhưng khi tôi nói tiếng Việt thì nó phải suy nghĩ. Tôi cũng thông cảm vì tuổi trẻ mà, chúng phải luôn cầu tiến. Còn với những người trẻ ở đây, họ cũng trau dồi tiếng Anh cho mình để có thể giao tiếp được với người nước ngoài khi sang nước họ hoặc để tìm kiếm việc làm. Tôi nghĩ khi họ hát họ cũng cố gắng làm sao cho khác, không giống những người đi trước thì cũng là cái hay của họ. Còn nếu sinh ra ở Việt Nam thì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình mà, sao có thể nói khó hát hơn tiếng Anh được. Chính chúng tôi khi qua nước ngoài nói tiếng Anh cũng không bằng người ta vì tiếng Việt mới là tiếng gốc của mình mà", bà nói thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.