Hơn 300 chuyến xe cấp cứu đêm khuya đưa người bị nạn đang cận kề sinh tử tìm lại được sự sống, Lê Anh Tuấn không biết sẽ làm việc này đến bao giờ, cứ biết là sáng nay thức dậy, thấy mình còn sức khỏe, còn có tuổi trẻ là cứ làm. Và với Võ Minh Lâm thì tâm niệm ai cũng có một tuổi trẻ, hãy sống trọn vẹn tuổi trẻ để khi nó qua đi, ta không nuối tiếc.
Đó là những chia sẻ của 2 ứng viên Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 trong chương trình giao lưu trực tuyến tại Báo Thanh Niên chiều 2.3. Chương trình do T.Ư Đoàn, Báo Thanh Niên và Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức.
Luôn trong tâm thế sẵn sàng cứu người
Lê Anh Tuấn (23 tuổi, Bình Dương) chàng trai được mọi người gọi là “Hiệp sĩ bóng đêm” khi dành thời gian ban đêm, bỏ qua tất cả những cuộc hẹn vui chơi của tuổi trẻ và nhiều khi là bỏ cả bữa ăn để tức tốc lên đường đưa người bị nạn vào bệnh viện. Và đến nay, gần 300 chuyến xe với 300 trường hợp khi đang cận kề sinh tử đã được Tuấn cứu giúp.
Tuấn kể năm 3 tuổi bị tai nạn giao thông, gãy xương vai, lúc đó có một chú đi ngang qua nhìn thấy và đưa Tuấn đi bệnh viện. Ấn tượng đó làm Tuấn nhớ mãi, đến năm 18 tuổi khi đã có bằng lái, chạy xe ngoài đường thấy tai nạn giao thông mà nhiều người vẫn làm ngơ, sẵn có chiếc xe của gia đình chuyên chở rau củ quả, Tuấn tận dụng làm xe cứu thương “có một không hai” để đưa người gặp nạn vào bệnh viện cấp cứu. Khi đưa được vài trường hợp thì mọi người dần biết đến, họ lưu số điện thoại và cứ có ai gặp tai nạn về đêm là gọi cho Tuấn. Từ đó đến nay, Tuấn gắn bó với công việc này đã hơn 2 năm.
Một ngày của Tuấn bắt đầu từ 2 giờ sáng, chở mẹ xuống chợ đầu mối lấy hàng, đến 4 giờ 30 về phụ ba mẹ dọn hàng ra chợ bán, rồi đi giao hàng đến 12 giờ trưa Tuấn về nghỉ ngơi, chiều khoảng 3 giờ lại ra chợ phụ mẹ dọn hàng. Tối đến, Tuấn bắt đầu với công việc của “Hiệp sĩ bóng đêm”.
“Có những lúc mình mới về đến nhà, thấy có cuộc gọi báo tai nạn là lại quay xe chạy đi, có lúc thì đang ăn cơm tối cũng đành bỏ ngang. Mình đưa nạn nhân đến bệnh viện, lo hết mọi thủ tục giấy tờ xong là lại tranh thủ chạy về để kịp chợp mắt một tí vì 2 giờ sáng lại đưa mẹ đi chợ. Nhưng có những khi vừa nằm xuống, lại nghe điện thoại reo, thế là lại lên đường”, Tuấn kể.
|
Một ngày của Tuấn lúc nào cũng trong tâm thế là cứ có cuộc gọi là chạy đi, nên những lúc dù đi uống cà phê cùng bạn bè hay lúc chở bạn gái đi chơi, Tuấn cũng sử dụng chiếc xe cứu thương “có một không hai” của mình, để bất cứ lúc nào cũng có thể sẵn sàng khi có cuộc gọi đến.
Với Tuấn công việc này cũng rất nhiều áp lực. Đầu tiên là sự ngăn cản của gia đình, vì ban đầu Tuấn giấu do sợ ba mẹ lo lắng, nên những lúc chở nạn nhân đi cấp cứu về là Tuấn dọn sạch sẽ các vết máu trên xe để ba mẹ không biết. Được khoảng nửa năm, khi thông tin của Tuấn được đăng trên Facebook nhiều thì ba mẹ biết. Vì sợ nguy hiểm cho con nên ba mẹ Tuấn ngăn cản. Vừa đi ban đêm, vừa làm công việc rất nhạy cảm, ba mẹ Tuấn ngại nhất là người nhà của nạn nhân đến lại tưởng nhầm Tuấn gây tai nạn, rồi hành hung. Nhưng sau này, thấy con nhiệt tình quá và hơn hết là công việc của con làm rất ý nghĩa nên ba mẹ hiểu và ủng hộ.
Dù là làm việc từ thiện vì cộng đồng, nhưng Tuấn cũng phải đầu tư tham gia các khóa học để trang bị những kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu: “Lúc đầu khi làm việc này, mình chỉ nghĩ là thấy tai nạn thì cứ bỏ lên xe rồi đi nhưng về sau thấy đó là sai lầm. Như khi xương gãy thì xương đâm vô thịt sẽ dễ gây hoại tử, nên mình phải học để biết băng bó, nẹp gỗ, cầm máu rồi mới di chuyển đến bệnh viện. Những khâu sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, nên mình phải học và cũng được các anh chị y, bác sĩ nhiệt tình hướng dẫn”.
Tuấn cho biết cứ nghe thấy cuộc gọi là lại tức tốc lên đường… làm chàng “Hiệp sĩ bóng đêm” cứu giúp cho những người bị nạn đang cận kề sinh tử.
Đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu vì cải lương
Nhận giải thưởng Chuông vàng vọng cổ năm 17 tuổi là một dấu mốc với Võ Minh Lâm, chàng trai có cả cha và mẹ là nghệ sĩ cải lương. Nhưng, dấu mốc đó không hẳn là toàn vàng son.
|
Lâm chia sẻ, anh gặp vô vàn những áp lực nặng nề, có thể từ những lời từng ngờ vực anh ngày mới đăng quang “17 tuổi đã đạt chuông vàng vọng cổ có xứng đáng không?”. Rồi những lời nhận xét của bạn bè không mấy thiện cảm “xướng ca vô loài”, “cha mẹ nó là nghệ sĩ cải lương”, “chọn gì không chọn, đi hát cải lương” Lâm có lúc rất mặc cảm. Nhưng rồi, anh quyết định đi theo cải lương, từ ý định ban đầu, báo hiếu lại cha mẹ bằng cách nối nghiệp mẹ cha, không hề mưu cầu mình phải có tiền, tài, danh, vọng.
Chàng trai 31 tuổi cho biết có rất nhiều chông gai trên con đường anh chọn. Anh phải học từ những tấm gương nghệ sĩ lớn, học từ diễn xuất, hát, trang điểm, làm tóc. Học từ những quan sát trong đời sống hằng ngày, cách đi đứng, nói cười của người già tới trẻ nhỏ, từ người khuyết tật. Không chỉ đổ mồ hôi, anh đã đổ nước mắt, máu cho những vai diễn.
“Có khi tôi diễn nhập tâm quá, diễn xong mọi người hỏi sao cánh tay tôi đầy máu thế kia. Hóa ra, tôi bị thương rồi chảy máu lúc nào không hay. Lên sân khấu tôi có lăn mấy bậc thang cũng không thấy đau. Lúc đó, tôi không còn là Võ Minh Lâm nữa, mà là nhân vật trong vở diễn”, chàng trai trẻ chia sẻ.
Theo Võ Minh Lâm, bản thân anh chưa lúc nào thôi tự hào, mình là một nghệ sĩ cải lương. Đặc thù công việc cho anh được nhập vai rất nhiều dạng nhân vật. Từ đó, anh học hỏi được từ những vai diễn để hoàn thiện mình hơn, bởi một người nghệ sĩ muốn có trách nhiệm với xã hội phải có trách nhiệm với chính mình. Hay từ cải lương, anh đã hiểu và thêm yêu môn lịch sử hơn, bởi có những vai diễn tái hiện nhân vật từng trong sách sử.
Nếu ai cũng hát cải lương thì ai hát nhạc trẻ? Và ai cũng hát nhạc trẻ thì ai hát cải lương? Mỗi người có một trách nhiệm, sứ mệnh. Sứ mệnh của tôi, phải giỏi nghề, giỏi tâm, gìn giữ văn hóa truyền thống nước nhà qua những vai diễn của mình”, Võ Minh Lâm bộc bạch.
Nghệ sĩ cải lương trẻ cũng tâm sự, cho tới tận bây giờ, công việc của anh vẫn chưa hết áp lực. Đó có thể từ sự so sánh của khán giả, thích nghệ sĩ này, không thích nghệ sĩ kia. Hay sân khấu cải lương không sáng đèn thường xuyên. Nhưng, đó cũng là động lực để Lâm cố gắng nhiều hơn. “Có những ngành nghề ít người chọn nhưng vẫn có thể thành công, nếu bạn tâm huyết, cố gắng hết sức mình, đam mê. Tôi luôn có một tâm niệm, ai cũng có một tuổi trẻ, hãy sống trọn vẹn tuổi trẻ để khi nó qua đi, ta không nuối tiếc”.
Bình luận (0)