Giao lưu trực tuyến: Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững

18/10/2013 07:30 GMT+7

(TNO) Sáng nay (18.10), tại Sơn La, T.Ư Đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp với Thanh Niên Online tổ chức Diễn đàn giao lưu trực tuyến với chủ đề Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững.

(TNO) Sáng nay (18.10), tại Sơn La, T.Ư Đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp với Thanh Niên Online tổ chức Diễn đàn giao lưu trực tuyến với chủ đề Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững.

Diễn đàn Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững đang diễn ra tại Hội trường của khách sạn Công Đoàn, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La. Diễn đàn do T.Ư Đoàn, Tỉnh đoàn Sơn La và Thanh NIên Online phối hợp tổ chức.

Tham dự diễn đàn có anh Nguyễn Khắc Toàn, Phó ban Tổ chức T.Ư Đoàn; ông Đinh Văn Trưởng, Giám đốc Sở Nội vụ; ông Nguyễn Thành Công, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sơn La; chị Thái Thị Mai, Phó bí thư Tỉnh đoàn Sơn La…

Anh Nguyễn Khắc Toàn, Phó ban Tổ chức T.Ư Đoàn, cho biết dự án xác định 3 mục tiêu : Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở chính quyền các cấp. Ngoài ra, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trẻ.

đoàn viên Thanh niên tỉnh Sơn La 2
Các tiết mục văn nghệ được các đoàn viên thanh niên tỉnh Sơn La biểu diễn chào đón các đoàn đại biểu tham gia buổi diễn đàn

đoàn viên Thanh niên tỉnh Sơn La 3
Các đoàn đại biểu cùng các đội viên có mặt tại diễn đàn

đoàn viên Thanh niên tỉnh Sơn La 4
Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn huấn luyện cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cũng có mặt tại diễn đàn

Đây là cơ hội để các phó chủ tịch xã cùng nhau chia sẻ thành quả và kinh nghiệm trong công tác; tạo điều kiện cho các đội viên “Dự án 600 Phó chủ tịch xã” kiến nghị, đề xuất với các cấp ủy, chính quyền và ban chỉ đạo dự án những giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, nâng cao hiệu quả triển khai dự án. 

Nhà nước và nhân dân cùng làm

 

68 Phó chủ tịch xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Dự án thí điểm chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 26 huyện nghèo, gọi tắt là Dự án 600 Phó chủ tịch xã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26.1.2011, giao cho Bộ Nội vụ trực tiếp hướng dẫn và bắt đầu triển khai từ tháng 4.2011.

Ban Quản lý dự án 600 Phó chủ tịch xã cho biết, đã có gần 2.000 hồ sơ dự tuyển. Qua sàng lọc và các vòng tuyển chọn đã có 580 ứng viên trúng tuyển. Qua gần 3 năm triển khai, Bộ Nội vụ cho biết, đã có 68/580 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 11,72%); 385/580 đội viên hoàn thành tốt nghiệm vụ, (chiếm 69,69 %) và 160/580 hoàn thành nhiệm vụ. (Hoàng Phan)

Mở đầu diễn đàn, Phó chủ tịch xã Nậm Ét (H.Quỳnh Nhai) Nguyễn Thị Hương đã chia sẻ về công tác dân vận tại địa phương trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

Chị Hương cho biết, trong quá trình triển khai cuộc vận động này, vẫn còn một bộ phận cán bộ và người dân địa phương còn tâm lý ỷ lại vào chủ trương, sự hỗ trợ của Nhà nước. Vấn đề khó nhất là tuyên truyền vận động làm sao để họ hiểu rằng đây là cuộc vận động Nhà nước cùng nhân dân cùng làm. Mục đích cuối cùng là người dân được hưởng lợi, vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo…

Phụ trách ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở Nậm Ét, chị Hương phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, trực tiếp xuống từng bản vận động.

Đến nay, người dân đã tích cực tham gia đóng góp ngày công thực hiện các công việc xây dựng nông thôn mới…

Ở nhiều bản ở Nậm Ét đã có quỹ lên tới hàng chục triệu đồng tạo nguồn kinh phí xây dựng, cải tạo các công trình văn hóa, sân chơi cho thanh thiếu nhi tại địa phương.

Đến từ xã Sam Kha, H.Sốp Cộp, Phó chủ tịch xã Cà Văn Thảo chia sẻ: Đề án xây dựng công trình nước sạch tại bản Pu Út đã được đầu tư triển khai giúp hàng trăm hộ dân không còn lo thiếu nước sinh hoạt. Đề án được Thảo xây dựng sau hơn 3 tháng về khảo sát tại địa phương.

Anh Thảo cho biết, thời gian đầu về địa phương, tác phong lề lối làm việc của đội ngũ công chức xã còn nhiều bất cập, thường xuyên đi làm muộn giờ so với quy định. Thảo tham mưu lãnh đạo xã xây dựng và ban hành quy định, lề lối làm việc. Hiện quy chế này đã đi vào nề nếp.

Theo Cà Văn Thảo, công tác triển khai chủ trương, chính sách đến người dân ở Sam Kha chủ yếu dựa vào đội ngũ trưởng bản, vốn rất nhiệt tình trong công tác và có uy tín cao trong dân. Nhưng trên thực tế, nhiều trưởng bản hiện không biết chữ, nhiệm kỳ làm trưởng bản không theo quy trình nên rất hạn chế trong triển khai nhiệm vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Trước thực trạng đó, Thảo đã nghiên cứu, xây dựng đề án về quy trình xác định rõ tiêu chí tuyển chọn trưởng bản. Đề án nhằm lừa chọn những trưởng bản thực sự có trình độ, gương mẫu nhiệt tình để chính sách của nhà nước đến với người dân được tốt hơn. 

Phong trào văn hóa có bước tiến đáng kể

Ông Cứ A Dạng, Bí thư xã Chiềng Muôn, H.Mường La, Sơn La cho hay, anh Hoàng Quốc Việt, Phó chủ tịch xã Chiềng Muôn theo Dự án 600 đội viên làm Phó chủ tịch xã được bầu bổ sung với 100% tỉ lệ phiếu bầu.

Hoang Quoc Viet
Anh Hoàng Quốc Việt nhận được nhiều lời khen ngợi từ ông Cứ A Dạng, Bí thư xã Chiềng Muôn, H.Mường La, Sơn La

“Đáng nể nhất là Việt luôn chủ động trong công việc, sắp xếp thời gian làm việc hợp lý, hiệu quả… Hơn một năm qua, Việt cùng chúng tôi tuyên truyền, huy động hàng trăm nhân công tham gia vận chuyển trường học, trạm y tế xã từ địa điểm cũ đến địa điểm mới. Đặc biệt, mới qua 10 tháng công tác, anh Việt đã giúp địa phương thực hiện một số công việc đạt hiệu quả cao: chấn chỉnh lề lối làm việc tại đơn vị, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cung cấp cây, con giống kịp thời cho nhân dân sản xuất… Ngoài ra, từ khi có anh Việt, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn xã có những bước tiến đáng kể…”, Bí thư Cứ A Dạng hào hứng khen ngợi.

Tuyệt đối không nói dối đồng bào

Anh Vi Văn Hân, Phó chủ tịch xã Duy Tường, H.Phù Yên, Sơn La chia sẻ kinh nghiệm bản thân sau 1 năm nhận nhiệm vụ tại địa phương là dù làm gì thì cũng không được nói dối dân.

Hy Văn Hân
Anh Vi Văn Hân: "Không bao giờ được phép nói dối, phải dám nghĩ, dám làm và nói được thì phải làm được" - Ảnh: Xuân Bùi

“Sau một năm công tác, bản thân tôi rút ra được kinh nghiệm là muốn làm được việc ở xã thì chúng tôi phải tạo được niềm tin của tất cả mọi người trong cơ quan, đơn vị và người dân. Niềm tin đó phải được xây dựng dựa trên cơ sở của sự tôn trọng lẫn nhau, sự khiêm tốn, thật thà, cầu thị và ham học hỏi. Để làm được việc đó ở cơ sở thì đội viên dự án phải là người không bao giờ được phép nói dối, phải dám nghĩ, dám làm và nói được thì phải làm được”, Huân nói. (Lê Quân ghi)

Dân thiếu vốn chăn nuôi, sản xuất

Được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch xã Huy Tường (H.Phù Yên), đội viên Vì Văn Huân cùng lúc phụ trách cả hai nhiệm vụ, phụ trách công tác văn hóa xã hội và phát triển mô hình kinh tế nông thôn.

Thời điểm Huân về xã làm việc cũng là lúc dự án ứng dụng khoa học, công nghệ sản xuất do Chính phủ Thụy Điển tài trợ được triển khai.

Mục tiêu dự án là chăn nuôi, sản xuất làm ra nông sản, thực phẩm sạch. Sau hơn một năm dự án triển khai, người dân đã có sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường. Nhưng khó nhất vẫn là đầu ra, thị trường tiêu thụ ổn định.

Qua tìm hiểu, Huân cùng các hộ nông dân thành lập hai mô hình hợp tác xã chăn nuôi sản xuất với hai sản phẩm chính là: gà và rau sạch. Để có nguồn hàng ổn định chuyển về tiêu thụ tại Hà Nội, Huân vận động người dân thành lập hai hợp tác xã.

Vì Văn Huân cho biết, đều đặn mỗi tuần, các hộ dân trong hợp tác xã chuyển về Hà Nội đơn hàng trị giá trên 20 triệu đồng nhưng hiện tại người dân rất thiếu vốn đầu tư sản xuất.

“Để giữ ổn định và gia tăng số lượng nông sản cung cấp cho thị trường, người dân đang cần tới 300 triệu đồng đầu tư sản xuất nhưng xã cũng chưa có cách nào giúp họ”, Huân nói.

Mỗi trí thức trẻ là hạt giống về kiến thức khoa học - kỹ thuật

Chia sẻ tại diễn đàn, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, H.Mường La, ông Lèo Văn Lay đã dành nhiều lời khen tặng cho đội viên Lương Thị Huyền, cô gái quê Hải Phòng lên Sơn La tham gia Dự án 600 Phó chủ tịch xã.

Ông Lay cho biết Huyền là người trẻ lại đến từ xa nên không tránh khỏi khó khăn trong công tác nhưng đã nỗ lực đề xuất các giải pháp làm thay đổi tác phong làm việc của công chức xã, chịu khó đi cơ sở vận động, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ… được đồng nghiệp tin tưởng, người dân quý mến.

Ông Lay nhìn nhận, mỗi trí thức trẻ là hạt giống về kiến thức khoa học - kỹ thuật, sự sáng tạo trong phong cách làm việc là luồng gió mới giúp địa phương tìm ra con đường giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Nhưng hạt giống ấy không thể nảy mầm, sinh sôi phát triển trên mảnh đất cằn cỗi mà cần có sự vun trồng, chăm sóc từ sự tin tưởng và giao nhiệm vụ và khích lệ các trí thức trẻ.

“Ở địa bàn còn nhiều khó khăn, trình độ người dân còn hạn chế thì chỉ có kiến thức, trình độ thôi thì chưa đủ. Mỗi trí thức trẻ cần có sự tận tâm, nhiệt tình trong công tác, đến gần dân, hiểu dân. Thành công của trí thức trẻ được đo bằng sự phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân và sự quan tâm đồng hành của chính quyền địa phương”, ông Lay bày tỏ.


Anh Nguyễn Khắc Toàn phát biểu tại Diễn đàn

Trao đổi tại diễn đàn, Phó ban Tổ chức T.Ư Đoàn, anh Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, trong đợt sơ kết toàn quốc vừa qua, có 23 đề án thành công của các đội viên được trình bày nhưng không thấy có bóng dáng các đề án của tỉnh Sơn La.

Sơn La cần lắm những trí thức trẻ

Cũng tại diễn đàn, đội viên phản ánh nhiều đề án hiện tại chưa được bố trí kinh phí triển khai. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, ông Đinh Văn Trưởng đề nghị, các đề án này không thể trông chờ và cũng không có khoản kinh phí riêng. Ông Trưởng nhấn mạnh, các đề án này được triển khai ở các xã thuộc phạm vi Nghị quyết 30 a, đều có nguồn vốn đầu tư. “Các đội viên, chính quyền địa phương các xã ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các xã trong diện 30 a để triển khai các đề án”, ông Trưởng nói. 

Ông Đinh Văn Trưởng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, chia sẻ đây là diễn đàn rất quan trọng, từ khi tuyển chọn, triển khai… cho đến nay là một quá trình dài, trải qua nhiều khó khăn nhưng cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Giải đáp nhiều khúc mắc, trăn trở cũng như nguyện vọng của các đội viên dự án, ông Trưởng cho hay, thời gian tới sẽ tổ chức các lớp tập huấn cấp tỉnh, cấp huyện, các đợt đi thăm quan mô hình quản lý, mô hình kinh tế để các đội viên có thêm kinh nghiệm, nâng cao năng lực. “Đây là điều tất yếu cần phải làm. Mỗi năm, tỉnh Sơn La cũng dành nguồn kinh phí lớn cho cán bộ đi tập huấn, nên các đội viên yên tâm công tác”, ông Trưởng nói.

 

Kết quả ở Sơn La, có 6 đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 38 đội viên hoàn thành tốt và 5 đội viên hoàn thành. Không có đội viên nào không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thông qua kết quả công việc, nhiều đội viên đã được cấp ủy ghi nhận, bồi dưỡng và kết nạp Đảng.

Một số Phó chủ tịch xã đã tích cực phối hợp với đoàn thanh niên tham gia xây dựng công tác đoàn, xung phong làm bí thư chi đoàn. Đây là nguồn bổ sung cán bộ chủ chốt cho các huyện đoàn và tỉnh đoàn trong tương lai.

Về bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng đi thực tế địa bàn cho nhiều Phó chủ tịch xã từ nơi khác đến, chưa nắm được, ông Trưởng chỉ đạo, các huyện, xã cần lập kế hoạch trình lên cấp trên để xem xét. Ngoài ra, Giám đốc Sở Nội vụ cũng lưu ý, các đội viên làm Phó chủ tịch xã trên địa bàn tỉnh cũng cần chú trọng học thêm tiếng người Mông, người Thái… để tiếp xúc với đồng bào gần gũi, thân thiết hơn. “Cách tốt nhất là xuống ăn, ở với đồng bào để hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nắm chắc địa bàn… là nhưng việc các Phó chủ tịch trẻ cần làm", ông Trưởng nhấn mạnh.

Giải đáp trăn trở của không ít đội viên là sau khi kết thúc dự án làm Phó chủ tịch xã thì sẽ làm gì, ông Trưởng cho hay đã tham mưu cho UBND tỉnh phương án lựa chọn đồng chí nào có năng lực tốt sẽ được bổ sung, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo địa phương.

“Đây là lực lượng cán bộ nguồn rất tốt để bổ sung, thay thế cho các lãnh đạo xã hiện nay sau khi kết thúc dự án. Hơn nữa, đây là dự án điểm của Chính phủ, nên các đội viên yên tâm công tác, số lượng nhân sự không nhiều nên Nhà nước sẽ có phương án sắp xếp hợp lý”, Giám đốc Sở Nội vụ Sơn La khẳng định.

Cũng theo ông Trưởng, sẽ cho rà soát lại, giải quyết dứt điểm vướng mắc về chính sách hỗ trợ kinh phí tàu xe, phụ cấp cho các đội viên thật sớm.

“Tình hình kinh tế, xã hội ở 49 xã có các đội viên dự án đang công tác còn gặp nhiều khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân chậm được cải thiện… Sự có mặt của các đội viên dự án 600 Phó chủ tịch xã là sự mong đợi của cán bộ và nhân dân địa phương để cùng chia sẻ, gánh vác những khó khăn trước mắt, nhiệm vụ là rất nặng nề. Bên cạnh đó các đội viên cũng cần rèn luyện bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao để giúp dân xóa đói giảm nghèo. Tôi tin tưởng đội ngũ Phó chủ tịch xã trẻ ở 49 địa phương của Sơn La sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được. Tinh thần đoàn kết, trao đổi học tập kinh nghiệm trong quản lý, điều hành công việc lãnh đạo địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Không ngừng học tập, rèn luyện học tập, giữ phẩm chất đạo đức, lối sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Trưởng chia sẻ. 

Dự án 600 Phó chủ tịch xã: Yên tâm làm việc, không lo ‘đầu ra’ 

 

“Dự án 600 Phó chủ tịch xã đã có đội viên đầu tiên được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch xã. Những đội viên còn lại hãy cứ yên tâm làm việc, cống hiến hết mình, không cần lo lắng “đầu ra”, nếu làm tốt có thể xem xét bổ nhiệm chức danh cao hơn, không cần chờ hết thời gian dự án”, ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ (ảnh) khẳng định.

Chỉ lúng túng trong 3 tháng đầu

Dự án 600 Phó chủ tịch xã đã đi qua giai đoạn đầu tiên, ông đánh giá thế nào về hiệu quả công việc và chất lượng của đội viên?

Tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 Dự án 600 Phó chủ tịch xã tăng cường cho 20 tỉnh có huyện nghèo trong cả nước diễn ra tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao công tác triển khai của Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương. Nhưng tâm điểm của giai đoạn này là chính là các đội viên.

Mặc dù tiến độ ở các địa phương có khác, đội viên có thời gian làm việc tại xã ít cũng từ 6 tháng trở lên. Qua theo dõi thì thấy, đội viên chỉ lúng túng trong 3 tháng đầu, còn sau đó, họ nhập cuộc, nắm bắt công việc rất nhanh.

Ngay khi về địa phương, nhiều đội viên đã đề xuất nhiều ý tưởng chương trình phát triển kinh tế, xã hội bước đầu có hiệu quả. Điển hình là bạn Nguyễn Thành Phong (xã Tuấn Đạo, H.Sơn Động, Bắc Giang) với mô hình trồng khoai tây giúp thu nhập nông dân tăng thêm 4,5 triệu đồng/ha. Đội viên Ninh Thị Kim Thảo (xã Bản Sen, H.Mường Khương, Lào Cai) với đề án phát triển cây chè. Được giao chỉ tiêu 90 ha nhưng Thảo vận động người dân mở rộng đến 115 ha.

Trong giai đoạn 1, có khoảng 70 % đội viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều đội viên được kết nạp Đảng. Nhìn chung chính quyền địa phương ủng hộ dự án, họ không còn lo lắng về trình độ, sự nhiệt huyết của đội viên nữa khi thấy đa số đều hăm hở đến với cơ sở, trăn trở giải quyết nhiều vấn đề khó khăn của địa phương. Vấn đề họ quan tâm bây giờ theo dõi sự trưởng thành và thành quả từ sự cống hiến của các bạn ấy.

 
Phó chủ tịch xã đi cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân - Ảnh: P.Hậu

Giúp dân thoát nghèo

Trước khi bổ nhiệm chức danh Phó chủ tịch xã, đội viên đều xây dựng đề án phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nơi sẽ về công tác và được Bộ Nội vụ, chính quyền các tỉnh, thành phố thẩm định. Nhưng liệu các đề án này có được triển khai trên thực tế ?

Có rất nhiều đề án, như các ví dụ đã nói ở trên đã đi vào thực tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Mục tiêu của dự án là đưa trí thức trẻ về các xã nghèo, huyện nghèo để giúp người dân tìm cách thoát nghèo, phát triển bền vững. Nhưng việc triển khai các đề án còn khó khăn do nguyên nhân khách quan, suy thoái kinh tế, ngân sách bị cắt giảm, chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư…

Các đề án phát triển kinh tế, xã hội của các đội viên có nhiệm vụ chính là làm mẫu để nhân rộng, hướng dẫn cho người dân địa phương, góp phần thay đổi nhận thức và quan điểm trong trồng trọt và chăn nuôi để chủ động thì mới thoát nghèo bền vững được.

Với ý nghĩa như thế, chúng tôi kiên trì và đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí, vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp hỗ trợ để các đề án được xây dựng từ tâm huyết, trách nhiệm của đội viên đi vào đời sống.

Đội viên không phải lo lắng

Sau giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế có thể xem xét bổ nhiệm chức danh cao hơn cho các đội viên nếu làm tốt công việc mà không cần chờ hết thời gian dự án. Cơ chế này được Bộ Nội vụ và các cơ quan xây dựng và liên quan triển khai ra sao?

Theo công văn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức T.Ư đang dự thảo xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác quy hoạch, sử dụng và bố trí công việc cho các đội viên sau dự án. Ngoài ra, Bộ Nội vụ đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của đội viên, theo hướng lượng hóa bằng các chỉ số cụ thể làm căn cứ đề xuất bổ nhiệm hay đưa quy hoạch cán bộ. Dự kiến, H.Sơn Động, Bắc Giang là đơn vị thí điểm đánh giá đội viên theo bộ tiêu chí này và tiến tới áp dụng cho các địa phương còn lại ngay trong năm 2013.

Trên thực tế, dự án đã có đội viên đầu tiên của H.Mường Ảng, Điện Biên được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch xã. Với các đội viên còn lại, tôi khẳng định, các bạn không cần lo lắng về “đầu ra” sau khi dự án kết thúc. Nếu làm xuất sắc, Bộ sẽ đề xuất, kiến nghị địa phương bổ nhiệm lên các chức danh cao hơn, chứ không nhất thiết phải chờ sau dự án.

Vấn đề bây giờ là hiệu quả công việc, các bạn tình nguyện đến vùng sâu vùng xa công tác, tinh thần tự nguyện, xung kích thì ai cũng thấy rồi nhưng mục tiêu cuối cùng là các bạn làm thế nào, làm được gì để người dân được hưởng lợi nhiều nhất.

P.Hậu (thực hiện)

 

Nhà bán trú cho học sinh ở bản

 

Phó chủ tịch xã Mường Trai, H.Mường La (Sơn La) là cô gái tên Lương Thị Huyền, 30 tuổi, đã tốt nghiệp ngành Việt Nam học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ảnh).

Ít ai nghĩ rằng, sinh ra ở thành phố sầm uất, sôi động như Hải Phòng, Huyền lại rời xa quê hương đặt chân đến nơi núi rừng Mường La heo hút để cống hiến, làm việc.

Nhiệt huyết, khát vọng của tuổi trẻ thôi thúc Huyền đến với bà con vùng cao, nơi rất cần hơi ấm và sự sẻ chia từ cộng đồng. Những ngày đầu Huyền hăm hở đặt chân đến Mường Trai với khao khát khám phá, đưa mảnh đất này thoát khỏi cảnh nghèo, cảnh khổ.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Huyền nhắc nhiều đến căn nhà bán trú dành cho học sinh cơ sở ở xã Mường Trai được hoàn thành hồi trung tuần tháng 9.2012. Để xây dựng căn nhà này, Huyền đóng góp công sức không nhỏ: trực tiếp là người chỉ đạo, tham mưu khi vừa mới bước chân về làm phó chủ tịch xã.

“Tôi cùng nhà trường tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã huy động các thôn bản đóng góp công sức và nguyên vật liệu xây dựng. Mỗi người một việc, người bó tre, người vác gỗ, người căng bạt”, Huyền kể.

Căn nhà không phải là công trình lớn trị giá vài trăm triệu, không phải là con đường trải nhựa được đầu tư hàng tỉ đồng mà chỉ vẻn vẹn 10 m2, được dựng lên bằng gỗ, tre và cả những tấm bảng cũ ghép lại, căng bạt che dưới chân cầu thang của trường học cho các em học sinh ở tạm.

Huyền nhớ lại những ngày đầu đến Mương Trai, cô đã không cầm được nước mắt khi nhìn hình ảnh các em nhỏ học tiểu học, mẫu giáo không có nơi ở phải sống dưới gầm cầu thang bất kể ngày mưa hay nắng. (Nguyễn Tuấn)

Cô gái đồng bằng dũng cảm

 

Dốc núi dựng đứng, những cơn gió Lào rát mặt và cơn gió lốc bất thình lình ập đến trong đêm ở vùng cao Nậm Ét không đủ sức làm nhụt ý chí của Lê Thị Hương (ảnh), cô gái đồng bằng lên núi làm Phó chủ tịch xã.

Lê Thị Hương quê ở xã Thành Trung (H.Vụ Bản, Nam Định), sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bệnh học thủy sản - ĐH Nha Trang thì trúng tuyển vào Dự án 600 Phó chủ tịch xã rồi về nhận nhiệm vụ ở xã Nậm Ét (H.Quỳnh Nhai, Sơn La).

Kể về kỷ niệm đầu tiên về Nậm Ét, Hương cho biết, đó là buổi làm việc đầu tiên cùng dân bản dọn dẹp đất đá sạt ở khu nhà bán trú dành cho giáo viên và học sinh tiểu học. Hôm ấy trời rất lạnh, Hương vẫn còn cuộn tròn trong chăn thì nhận điện thoại gọi lên trường. Đồng hồ chỉ 5 giờ, Hương đến nơi thì giật mình, không tin vào mắt mình nữa. Bà con bản Huổi Pa đã sẵn sàng dụng cụ nào cuốc, thuồng, mai... tâm thế hăng hái vào việc. Nhiệm vụ của nữ phó chủ tịch xã là đo đếm, tính toán khối lượng đất đá cần di chuyển. Nhưng khi thấy dân bản lao động, Hương cũng xắn tay áo, bỏ lại cặp tài liệu cùng cuốc đất, khiêng đá.

Mỗi buổi làm việc bắt đầu từ 5 giờ đến 9 giờ sáng, khối đất đá khổng lồ cứ thế vơi dần đi. Hương cho biết, bà con đề nghị làm sớm để sáng ra còn về đi làm. Bản cách trường 10 km, nhiều người phải đi bộ đến trường từ tinh mơ.

“Em đã cảm mến người dân và mảnh đất này sau buổi đầu tiên lao động ấy, cố gắng từng ngày học tiếng dân tộc để hiểu được người dân và cống hiến cho mảnh đất này”, Hương trải lòng.

Gần 20 ngày lao động với 1.009 ngày công, 173 mét khối đất đá được dọn sạch để đón học sinh đến trường. Hương có bài học đầu tiên về công tác dân vận trên cương vị lãnh đạo xã.

Mùa đông đầu tiên ở Nậm Ét, Hương nhìn học sinh người Mông đến trường với đôi môi mím chặt, bàn chân bé xíu không giày dép mà chạnh lòng. Thương các em, Hương lẳng lặng thống kê từng trường hợp, gửi danh sách về Hà Nội nhờ bạn bè vận động quyên góp quần áo ấm. Cứ thế, hàng chục bộ quần áo ấm, giày dép lần lượt được gửi lên tặng học sinh.

“Qua gần một năm gắn bó với Nậm Ét, người dân địa phương gọi em là cô gái đồng bằng dũng cảm. Trong câu chuyện với đồng bào, nhiều người ngỏ ý làm mai mối, mong giữ Hương ở lại mảnh đất này”, Hương mỉm cười, chia sẻ. (P.Hậu)

Phiêng Côn đang thay da đổi thịt

 

Tự nhận mình là người con của Phiêng Côn - một xã khó khăn nhất ở H.Bắc Yên (Sơn La), anh Quàng Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Phiêng Côn, H.Bắc Yên, Sơn La (ảnh) luôn nỗ lực không ngừng nghỉ để giúp người dân nơi đây thoát nghèo, bớt khổ.

Sinh ra và lớn lên ở vùng núi heo hút thuộc xã Chiềng Cang (H.Sông Mã, Sơn La), anh Thắng hiểu hơn ai hết về cuộc sống nghèo khổ thiếu thốn trăm bề của người dân nơi đây. Từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh Thắng đã nung nấu ước muốn được về làm việc ở mảnh đất quê hương mình để có thể giúp bà con đỡ khổ.

“Công việc đầu tiên khi tôi vào làm ở xã là tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND tiến hành tổng điều tra thu thập tất cả các số liệu của xã như: dân số, hộ khẩu, diện tích đất ở, đất sản xuất diệt tích nuôi trồng thủy sản của cả xã vì số liệu của xã đã cũ không còn chính xác”, anh Thắng kể.

Trong suốt một tuần, anh Thắng đã đi hết được 6 bản của xã Phiêng Côn. Qua chuyến đi đầu tiên, anh mới hiểu hết được cái nghèo, cái khổ và nhận ra trình độ dân trí của người dân Phiêng Côn vẫn còn rất thấp. Nhiều người trong bản không biết tiếng phổ thông, thậm chí còn không nhớ nổi tên tuổi của bản thân và những người trong gia đình.

Điều khiến anh Thắng trăn trở nhiều nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường ở Phiêng Côn, đặc biệt ở bản En. Nhìn những nước suối bị cạn kiêt, nổi váng vàng khè, cây cỏ chết khô… do người dân lạm dụng quá nhiều thuốc diệt cỏ nhanh khiến anh Thắng không khỏi xót xa.

Theo lời của anh Thắng khi được hỏi thì hầu hết người dân đều trả lời có biết tác hại nhưng vẫn sử dụng, không có thuốc thì sẽ không làm được nương, cả hai vợ chồng làm việc cật lực cũng không đủ ăn!

Trước thực tế đó, anh Thắng quyết tâm tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế lạm dụng thuốc trừ cỏ đồng thời tăng cường phát triển chăn nuôi đại gia súc, giảm diện tích đất trồng ngô, tăng diện tích trồng cỏ, trồng rừng để làm bãi thả bò…

Nhìn dòng suối ở bản En trong vắt từng ngày, những nương đồi phủ kín màu xanh của cỏ, những bãi bò rộng lớn… anh Thắng thấy cuộc sống ở Phiêng Côn đang dần thay da đổi thịt.

Nhưng thế vẫn là chưa đủ. “Tôi sẽ cố gắng, lăn lộn, xông pha hơn nữa… để giúp người dân Phiêng Côn bớt nghèo, bớt khổ. Lúc nào tôi cũng tâm niệm “Làm hết sức trẻ - Sống hết mình với nhân dân”, anh Thắng hào hứng chia sẻ. (Nguyễn Tuấn)

 

Hăng say, háo hức và dấn thân

Tại diễn đàn, Thanh Niên Online đã gặp gỡ những nhân vật chính trong dự án Dự án 600 Phó chủ tịch xã và được nghe họ chia sẻ những suy nghĩ của mình.

Trăn trở giúp dân thoát nghèo 

 

Là một trong những phó chủ tịch UBND xã trẻ nhất tại Sơn La, Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch xã Làng Chếu, H.Bắc Yên, tỉnh Sơn La (ảnh) vẫn còn xúc động khi nhớ lại hành trình đến với mảnh đất này. Từ hành trình vượt hơn 20 km từ trung tâm H.Bắc Yên để về xã Làng Chếu, đến những ngày ăn dầm nằm dề ở mảnh đất nghèo xác xơ… đều đọng trong tâm trí của Thu như một kỷ niệm trong suốt cuộc đời.

Thu kể, không bao giờ quên ngày đặt chân lên mảnh đất Sơn La cách đây vài năm. Khi đó, cô mới ra trường, chưa quen với những vất vả, khó khăn.

Cái đói, cái nghèo bao trùm lên mảnh đất này khiến cô gái trẻ quyết tâm phải làm được điều gì đó để thay đổi, dù vất vả, cực nhọc đến đâu. Về Làng Chếu, cô mới nhận thấy những khó khăn phải đối mặt nhiều hơn tưởng tượng.

“Mỗi lần xuống bản, nhìn cuộc sống chật vật của người dân, mình chỉ trăn trở là làm sao để giúp bà con thoát nghèo. Đây có lẽ cũng là trăn trở của bất cứ ai khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo”, Phó chủ tịch trẻ tuổi nói. Và cuối cùng, chị chọn cách tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án trồng su su. Thu lý giải, cây su su không phải là loài cây mới với người dân ở đây.

Trước đó, bà con đã trồng nhiều, song chủ yếu nhỏ lẻ mỗi nhà 1-2 cây, phục vụ nhu cầu gia đình hoặc làm thức ăn cho gia súc.

“Tôi cứ thắc mắc, vì sao loài cây dễ trồng, cho giá trị kinh tế cao như su su lại không được người dân trồng nhiều, mà lại đi trồng các loại cây không đem lại nhiều giá trị kinh tế, chưa nói tới còn không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng”, Thu trăn trở, và chị đã phải mất khá nhiều thời gian để vận động người dân trồng đại trà loài cây này. (Lê Quân)

Thanh Niên Online thực hiện

>> Diễn đàn: “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”
>> Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững
>> Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới
>> Phát động tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới
>> Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.