Đó là giả thuyết mới nhất về Oumuamua, thiên thể bí ẩn từng xâm nhập hệ mặt trời vào năm 2017, theo trang Slash Gear hôm 3.1 dẫn lời giáo sư Avi Loeb, trưởng khoa thiên văn của Đại học Harvard trình bày trong quyển sách chuẩn bị lên kệ vào ngày 26.1 tại Mỹ.
Giáo sư Loeb thậm chí cho rằng dấu hiệu đầu tiên mà con người có thể đoán được sự hiện diện của người ngoài hành tinh không phải là phi thuyền, mà có thể là “một mảnh rác” từ nền văn minh ngoài Trái đất.
Vật thể mà trưởng khoa Đại học Harvard đề cập là Oumuamua, thiên thể bí ẩn vào tháng 9.2017 đã xâm nhập mặt phẳng quỹ đạo của hệ mặt trời chúng ta từ hướng của chòm sao Thiên Cầm, cách Trái đất khoảng 25 năm ánh sáng.
|
Thiên thể này có bề ngoài kỳ lạ, với hình dáng như điếu xì gà, chiều dài 400 m trong khi bề ngang chỉ khoảng 40 m.
Bên cạnh đó, mức độ phản xạ ánh sáng của Oumuamua cao gấp ít nhất 10 lần so với bất kỳ tiểu hành tinh hoặc sao chổi nào của hệ mặt trời.
Ngoài ra, giáo sư Loeb còn lưu ý một điểm quan trọng: thiên thể trên đột nhiên bứt phá tốc độ khi đi ngang mặt trời, bất chấp lực hút mãnh liệt từ ngôi sao trung tâm của chúng ta.
Cụ thể, đến ngày 9.9.2017, Oumuamua đã đến gần mặt trời nhất, trước khi đi ngang Trái đất vào ngày 7.10 cùng năm với tốc độ 94.790 km/giờ và nhanh chóng hướng về chòm sao Phi Mã.
Vì thế, giáo sư Đại học Harvard cho rằng Oumuamua phải là “một mảnh rác vũ trụ” của nền văn minh chưa xác định, đã bị trôi dạt từ rất lâu trong vũ trụ.
Bình luận (0)