Giáo sư Jerome Friendman: 'Lúc khó khăn nên đi tìm sự hỗ trợ'

07/08/2018 19:17 GMT+7

Giao lưu với các học sinh ưu tú Việt Nam, Giáo sư Jerome Friendman đưa ra những lời khuyên: Lúc khó khăn nên đi tìm sự hỗ trợ, học tiếng Anh để dễ thành công hơn...

Sáng 7.8, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE - ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định), Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp) tổ chức buổi giao lưu giữa Giáo sư (GS) Jerome Friendman (người Mỹ, đạt giải Nobel Vật lý năm 1990) với 34 học sinh Việt Nam từng đạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế.
GS Jerome Friendman kể, từ hồi học phổ thông, ông chỉ thích hội họa nên chỉ học các môn học liên quan đến nghệ thuật. Năm học lớp 11, Jerome Friendman đến thăm bảo tàng ở Chicago và đọc được một cuốn sách khoa học của Albert Einstein viết về thuyết tương đối dành cho đại chúng. Nguyên một mùa hè năm đó, ông đọc đi đọc lại nhưng vẫn không hiểu hết được các vấn đề trong cuốn sách nên càng thêm tò mò. Từ đó, ông quyết tâm đi theo ngành khoa học vật lý để giải mã những điều mình chưa hiểu về cấu trúc bên trong của vật chất.
Cuộc đời học tập, nghiên cứu khoa học của Jerome Friendman đầy khó khăn, trắc trở nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi đam mê của mình, tìm người giúp đỡ, hợp tác và cuối cùng đã thành công. Từ câu chuyện của chính mình, GS Jerome Friendman khuyên các học sinh tiếp tục phấn đấu học tập, nỗ lực vượt qua khó khăn để đi đến cái đích mà mình đặt ra. Để dễ thành công hơn trên con đường học tập và nghiên cứu, các học sinh cần được những người thầy giỏi dẫn dắt, truyền lửa đam mê.
GS Jerome Friendman và GS Đàm Thanh Sơn giao lưu với các học sinh xuất sắc của Việt Nam ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Trả lời câu hỏi giao lưu, GS Jerome Friendman cho rằng mấu chốt của một người làm nghiên cứu khoa học là niềm đam mê và sự tò mò. Càng tò mò thì càng thôi thúc mình tự đặt câu hỏi cho chính mình rồi đi tìm câu trả lời, cho dù có những lúc không biết rằng mình có tìm ra được đáp án hay không. Nghiên cứu khoa học là công việc tuyệt vời nhất trên cuộc đời. Vì các bạn được trả lương để trả lời câu hỏi của chính mình. Mình tự đặt ra câu hỏi mà người ta trả lương cho chính mình đi tìm câu trả lời.
“Cuộc đời của tôi, tôi không thấy đó là mình đi làm hay đó là công việc mà là một cuộc dạo chơi vì niềm đam mê thực thụ của mình và được người ta trả lương. Cho dù không được giải Nobel đi chăng nữa, tôi vẫn thấy cuộc đời mình thật là có ý nghĩa và công việc này rất là thú vị. Vì tôi rất đam mê đeo đuổi câu hỏi của chính mình và tìm được câu trả lời”, GS Jerome Friendman nói.
Học sinh đặt câu hỏi giao lưu với các giáo sư ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Theo GS Jerome Friendman, cộng đồng làm khoa học luôn rộng mở, nhiều người giỏi chuyên môn hơn mình nên khi gặp khó khăn, bế tắc thì mình nên tìm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp. Quá trình mình hợp tác với những nhà khoa học khác không có tuyến tính, tức là không phải 2 người nói chuyện với nhau thì kết quả bằng tổng kiến thức của 2 người cộng lại mà kiến thức chúng ta nói chuyện, trải nghiệm với nhau cao hơn vậy rất nhiều lần.
GS Jerome Friendman cũng đưa ra lời khuyên rằng các học sinh Việt Nam nếu muốn nghiên cứu khoa học hay học tập ở nước ngoài thành công thì nên học tiếng Anh thật nhiều. “Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Để phát triển hơn thì chúng ta nên tạo điều kiện cho chính mình là cố gắng học tiếng Anh để giao tiếp được với khoa học và các nhà khoa học trên thế giới”, Jerome Friendman chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.