Giáo sư Ngô Bảo Châu: ‘Cần nhiều nhà tài trợ vô tư cho khoa học, giáo dục’

24/08/2016 17:30 GMT+7

Theo giáo sư Ngô Bảo Châu , muốn tạo môi trường doanh nghiệp tài trợ cho khoa học, giáo dục là phổ biến, trước hết phải làm sao để đại học phi lợi nhuận có đất tồn tại.

Nhân sự kiện 16 giờ hôm nay (24.8) tại Hà Nội, một ngân hàng ký kết với Viện nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) thỏa thuận tài trợ chuỗi hoạt động bài giảng đặc biệt mà người giảng bài là các nhà khoa học hàng đầu thế giới, GS Ngô Bảo Châu đã dành cho Thanh Niên một cuộc phỏng vấn về chủ đề này.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: Chiều hôm qua, mặc dù trời mưa to nhưng rất đông các bạn sinh viên và các nhà toán học đã đến nghe bài giảng đầu tiên của Gs John Ball về ứng dụng toán học trong khoa học vật liệu. Sự kiện này có ý nghĩa ở khía cạnh, đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp tài trợ hoàn toàn cho một hoạt động khoa học mà không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào.
Thực ra cách làm này khá phổ biến ở nước ngoài. Với các trường đại học nước ngoài, nguồn kinh phí nhằm duy trì các hoạt động khoa học phụ thuộc rất lớn vào sự hảo tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là của những doanh nhân mà cá nhân họ có mối quan hệ gắn bó với trường đó (chẳng hạn như họ là cựu sinh viên, hoặc phụ huynh...).
Mời “ngôi sao” đến tạo thêm sức sống cho môi trường khoa học
Chuỗi bài giảng đặc biệt với sự khởi đầu là bài giảng của GS Jonh Ball có có ý nghĩa thế nào về mặt sinh hoạt khoa học của VIASM?
GS Ngô Bảo Châu: Mảng mà VIASM hiện còn yếu nhất là toán ứng dụng. Viện muốn thông qua những bài giảng đặc biệt để thu hút các nhà toán học ứng dụng hàng đầu thế giới đến giảng nhiều và có hệ thống hơn, không chỉ ngay tại Hà Nội mà có thể đến các nơi khác trong cả nước như Huế, TP.HCM (tuần trước chúng tôi đã làm ở Huế). Điều này nhằm phổ biến, khích lệ sinh viên ngành toán quan tâm tới toán ứng dụng hơn.
Chúng tôi tự cho là mình khá may mắn khi người đầu tiên mời được là ông Jonh Ball. Ông là một giáo sư ở ĐH Oxford (Anh). Ông là cựu Chủ tịch Hội toán học thế giới, là thành viên Hội đồng Giải thưởng Abel 2002 - 2003, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Fields năm 2006, được phong Hiệp sĩ Anh năm 2006, tham gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp lớn. Vì thế bản thân ông không chỉ am hiểu về toán học mà rất có uy tín cao trên thế giới về chuyên môn, đồng thời có kinh nghiệm trong việc thiết lập mối quan hệ giữa các cơ quan khoa học và các doanh nghiệp. Tôi hy vọng ông không chỉ tạo cảm hứng được cho nhiều đồng nghiệp của chúng tôi trong lĩnh vực nghiên cứu toán ứng dụng mà còn thổi ngọn lửa nhiệt huyết vào các bạn sinh viên.
can-nhieu-nha-tai-tro-vo-tu-cho-khoa-hoc
GS Ngô Bảo Châu (phải) và GS John Ball cùng trao đổi về bài giảng đặc biệt mà GS John Ball thực hiện ở Việt Nam Ảnh Hoa Lâm
Cá nhân GS đã từng là khách mời của nhiều bài giảng đặc biệt chưa? Phải chăng chỉ những nơi nghèo mới cần hình thức “bài giảng đặc biệt” để kêu gọi tài trợ, còn nơi giàu thì không cần vì họ có thể lấy ngân sách thường xuyên của họ ra để chi trả?
Khác với sinh hoạt khoa học thông thường dưới hình thức seminar hàng tuần, các bài giảng đặc biệt thông thường chỉ xảy ra một năm một lần. Chi phí cho các bài giảng đặc biệt cũng cao hơn mức thông thường, và nguồn kinh phí hầu như không bao giờ lấy từ ngân sách.
Tôi có nhận giảng một bài giảng như thế ở các đại học Columbia, Yale, Berkeley (Mỹ) và Milan (Ý). Bài giảng của tôi ở Milan mang tên Leonardo da Vinci, việc được giảng một bài có tên gọi này đối với tôi là một vinh dự đặc biệt.
Giảng bài giảng đặc biệt là một vinh dự gần giống như một giải thưởng khoa học. Thực chất, đó là một cách vinh danh gắn liền với một hoạt động khoa học có ý nghĩa.
Trở lại câu chuyện thu hút các nhà tài trợ đầu tư cho khoa học, giáo dục, theo GS vì sao mà hoạt động này của chúng ta chưa được tốt? Phải chăng vì người giàu của chúng ta chỉ thích mở hầu bao cho các hoạt động giải trí, thể thao?
Tôi nghĩ nguyên nhân là do từ nhiều phía. Thông thường ở mình, các doanh nghiệp thường tài trợ cho các hoạt động khoa học liên quan tới hoạt động của họ. Nhưng tài trợ cho một hoạt động khoa học chung chung với tâm thế đơn thuần là nguyện vọng ủng hộ khoa học thôi thì rất hiếm, hầu như chưa có. Trong khi đó, đúng như bạn nhận xét, họ có vẻ hào phóng hơn với các hoạt động thể thao, giải trí.
Theo tôi, bên cạnh những việc từ thiện, hoặc tài trợ cho thể thao, văn hoá giải trí, các doanh nghiệp có lẽ cũng nên tích cực hơn trong việc tài trợ cho khoa học, cả những nghiên cứu không đem lại lợi ích trực tiếp cho mình. Tài trợ cho khoa học tuy không tạo ra hiệu ứng đám đông như thể thao hay văn hoá giải trí nhưng về lâu về dài sẽ có hiệu ứng tốt cho hình ảnh của doanh nghiệp.
Mặt khác, còn có một rào cản từ tâm lý xã hội. Chúng ta vẫn giữ quan niệm “nhất sĩ, nhì nông”, không xem trọng doanh nhân. Việc một doanh nhân nào đó được lưu danh, đặc biệt trong môi trường đậm đặc trí thức là đại học, vô cùng khó khăn. Chúng ta vẫn lấy tên các vị danh sĩ đặt tên cho các giảng đường, nhưng giờ giả sử có một doanh nhân đầu tư cho một phòng thí nghiệm thì cũng khó mà có việc phòng thí nghiệm ấy mang tên doanh nhân ấy. Chuyện đó nên coi là bình thường. Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn được lưu danh. Nhiều người muốn đóng góp ẩn danh. Nhưng cũng có những người vừa muốn làm việc tốt vừa muốn được lưu danh. Tại sao ta lại coi chuyện đó là nặng nề?
Và điều quan trọng là có vai trò điều tiết của cơ quan xây dựng chính sách và quản lý nhà nước. Trong luật Giáo dục đại học, vấn đề đại học phi lợi nhuận chưa rõ ràng lắm. Trong khi đó những người tham gia thiện nguyện rất không thích đứng chung “sân” với những người vì lợi nhuận. Như vậy phải có một luật chơi thống nhất, để không có chuyện ông phi lợi nhuận phải chơi chung với ông vì lợi nhuận.
Theo tôi biết, có rất nhiều người mà ý nghĩa cuộc sống không còn là mưu sinh, họ rất muốn đầu tư tiền của mình vào những việc có ý nghĩa xã hội mà không cần sinh lời. Vậy thì phải tạo một môi trường pháp lý lành mạnh để giúp những người như thế có chỗ bỏ tiền vào. Và quan trọng là phải tạo cho họ cảm giác được tôn trọng, được ghi nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.