Phận ly hương chợt đến với những con người ly hương vì lí do học hành, mưu sinh hay là đi theo tiếng gọi của tình yêu... đều mang trong lòng những nỗi đau đáu, trăn trở khôn nguôi. Nhưng ít ai may mắn hoặc đủ bản lĩnh để quay trở lại và trở thành một phần không thể thiếu của quê nhà... Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, về hành trình rời Việt Nam sang Mỹ và quay trở lại quê hương để truyền cảm hứng, cống hiến tri thức....
Đối diện nước Mỹ với nỗi sợ... bị bắt làm nô lệ!
Một thanh niên 19 tuổi và đứa em trai 14 tuổi quen sống ở Sài Gòn, một thành phố nhộn nhịp với hàng triệu người dân, rồi một ngày tìm thấy mình sống trong một nông trại nuôi bò sữa lớn ở Mỹ và mọi thứ xung quanh đều xa lạ từ ngôn ngữ, thực phẩm, văn hóa đến quan hệ.
Ngôi nhà cha mẹ nuôi ở giữa nông trại nhìn chung quanh chỉ thấy đồng cỏ với những con bò sữa, ruộng bắp, những lùm cây và đặc biệt không thấy bóng dáng người, xe cộ qua lại hay một ngôi nhà nào khác. Nhà hàng xóm ở nông trại kế bên thì phải lái xe hơi cũng gần 10 phút mới đến!
Nhưng điều ấy không làm tôi run sợ bằng cái cảm giác khi bác người Mỹ vừa lái xe vừa chỉ nông trại ở xa xa nói: "Home!".
Hai anh em tôi đặt chân đến thành phố Minneapolis vào đầu tháng 9.1980 và nghỉ ở đây vài ngày để kiểm tra sức khỏe. Sáng sớm hôm ấy, một bác đến chở chúng tôi đến nhà cha mẹ nuôi. Ông ta nói lu bu gì đó mà tôi có hiểu gì đâu, tôi chỉ biết là hai anh em tôi đi theo ông. Xe hơi chạy nhanh trên cao tốc với các xe hơi khác làm tôi sợ. Tôi nhìn những ngôi nhà cao tầng cửa kính, những con đường cao tốc nhiều tầng lạ lẫm. Rồi xe bắt đầu rời xa thành phố đi vào vùng quê.
Cũng hơn 3 tiếng đồng hồ sau bác ấy mới rời xa lộ vào một con đường nhỏ hơn, rồi đi cả tiếng nữa. Khi bắt đầu rẽ vào con đường đất rộng hai bên chỉ là đồng cỏ, nông trại tôi có cảm giác lo sợ, một luồn hơi lạnh chạy dọc theo xương sống mình.
Lúc còn ở Việt Nam khi mới lớn lên tôi biết từ sách báo và tivi thông tin ở Mỹ những nông trại lớn có nuôi nô lệ!
|
Tôi thầm nghĩ trong đầu: "Không biết có phải khi phỏng vấn mình trả lời là mình biết làm ruộng, đi cày mướn, biết trồng trọt nên không chừng những nông trại lớn bắt mình về làm nô lệ chăng?". Nghĩ đến đó tôi run lên nhưng tôi không dám nói với đứa em nỗi lo sợ trong tôi.
Bác lái xe chạy trên con đường đất ấy cũng gần 30 phút rồi chỉ ngôi nhà xa xa trong một nông trại lớn nói: "Home". Và nỗi sợ hai anh em tôi phải làm nô lệ làm ruột tôi thắt lại đau nhói. Tôi nhìn xung quanh không có nhà cửa, không có người, không có xe cộ qua lại, tôi càng run lên...
Nỗi nhớ Việt Nam và những cái ôm ấm áp nơi xứ người
Từ trong nhà có thể nhìn thấy xe hơi quẹo vào cổng nông trại nhưng phải mất ít nhất 5 phút lái xe nữa mới đến nhà, cha mẹ nuôi và đứa em gái nuôi đã đứng trước nhà chờ sẵn. Khi xuống xe cha nuôi lại bắt tay, nhưng mẹ nuôi tôi thì ôm và nhấc bỗng tôi lên với nụ cười hiền hòa. Rồi bà quay sang ôm và nhấc bỗng em tôi.
Cái ôm và giọng cười ấm áp ấy của mẹ nuôi đã làm tan biến nỗi lo âu trong tôi. Và không biết từ khi nào tôi thích văn hóa ôm (hug) khoảng 3 giây ấy khi chào hỏi người thân/quen. Khoa học ngày nay chứng minh những cái ôm như thế đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tâm lý và hệ miễn dịch của con người.
Ngôi làng cha mẹ nuôi tôi sống có tên là Wolf Lake thuộc tiểu bang Minnesota với dân số hiện tại là 56 người, không thay đổi mấy từ ngày tôi đến! Bạn hãy tưởng tượng sống trong một nông trại rộng lớn như thế thêm với không hiểu ngôn ngữ, ăn thì toàn là đồ ăn Mỹ, không có sách báo tivi tiếng Việt, không có ai để giao tiếp, được một điều là uống sữa bò tươi ngon thôi.
May tôi còn có đứa em nhưng cha mẹ nuôi chỉ cho phép chúng tôi nói tiếng Việt ở phòng riêng trước giờ ngủ thôi. Tôi nhớ nhà, nhớ Ba Má nhớ anh em ở Việt Nam kinh khủng. Một điều giúp tôi phấn đấu để đi lên đó là vì không có đường trở lại. Tôi biết một khi ra đi có thể sẽ không bao giờ có thể trở về Việt Nam, có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy Ba Má và anh em lần nữa.
Liên hệ với gia đình lúc ấy cũng khó. Ba tôi khi còn sống cố gắng cứ một hai tháng viết cho tôi lá thư cho biết tình hình gia đình. Tôi không muốn Ba Má lo nên khi viết thư cho gia đình tôi cũng chỉ nói sơ sài là hai anh em con khỏe, cha mẹ nuôi đối xử tốt và hai đứa con cũng cố gắng học thế thôi.
Vài năm sau Ba tôi mất và từ đó liên hệ với gia đình cũng không còn thường xuyên nữa...
"Rồi một ngày tôi sẽ trở lại"
Từ những ngày đầu tiên ấy 16 năm trôi qua tôi chỉ biết miệt mài kinh sử, tập trung vào nghiên cứu khoa học và sự nghiệp, không màn gì đến thế sự ở Việt Nam.
Năm 1996 lần đầu tiên tôi có cơ hội trở lại Việt Nam. Lúc ấy tôi đã là Assistant professor ở Đại học Utah và sắp lên Phó giáo sư. Khi máy bay sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất nhìn thấy những ngôi nhà nghèo nàn mà lòng tôi xao xuyến. Trên đường từ phi trường về nhà, nhìn hai bên đường mà lòng trắc ẩn dâng lên - đã hơn 16 năm mà Sài Gòn không thay đổi mấy. Và rồi đến khi rời Sài Gòn trở về Mỹ, trên máy bay nhìn xuống thành phố lần cuối một cảm xúc bồi hồi và thầm nhủ: "Rồi một ngày tôi sẽ trở lại".
Tuy thế, mãi đến hơn 10 năm sau tôi mới có cơ hội thật sự trở về Việt Nam để xây dựng một cái gì đó cho xã hội chứ không phải đi du lịch.
|
Đầu năm 2007, dưới lời mời của anh Nguyễn Thiện Nhân, lúc bấy giờ là Phó chủ tịch thường trực của UBND TP.HCM (hiện là Bí thư Thành ủy TP.HCM), tôi cùng với một số anh em khoa học gia Việt Kiều về giúp thành phố xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán. Đó chính là mầm rễ đầu tiên bám lấy mảnh đất quê hương. Tuy rằng lúc bấy giờ ở Việt Nam tôi không còn người thân vì tôi đã bảo lãnh gia đình anh chị em qua Mỹ đã lâu.
Mỹ là quê hương thứ hai nơi tôi có gia đình, công việc và cuộc sống ổn định. Tôi không còn cảm thấy xa lạ như những ngày đầu tiên. Thậm chí mỗi lần từ Việt Nam trở lại, tôi cảm thấy thoải mái với phong cảnh núi non quen thuộc và có những giấc ngủ ngon với tiếng róc rách của con suối sau nhà – một cảm giác ấm cúng gọi là nhà.
|
Nhưng rồi mỗi khi bước ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, tiếng xe cộ ồn ào, người người trên những chiếc xe máy chạy qua lại nhộn nhịp, khí hậu ẩm nóng, những món ăn hai bên đường đánh vào mắt – ôi một cảm xúc quen thuộc của thời thơ ấu … và mầm rễ ấy dần dần bám sâu lòng đất quê mẹ qua những buổi nói chuyện với sinh viên, làm việc với đồng nghiệp, trao đổi nghiên cứu với học trò, chia sẻ ly bia với bạn hữu.
Để rồi khi ra đi tôi cảm thấy thời gian ở Việt Nam thật sự có ý nghĩa, nó không giúp cho tôi nổi tiếng hơn trong sự nghiệp, nó không mang lại cho tôi thêm tiền bạc hay vật chất, thậm chí còn bị hao hụt thu nhập nhưng nó mang lại cho tôi một niềm vui trong cuộc sống vì thấy thời gian mình bỏ ra thật sự có giá trị.
Bình luận (0)