Giao thông "níu chân" ĐBSCL

18/03/2022 17:22 GMT+7

VCCI Cần Thơ và lãnh đạo nhiều tỉnh, thành ĐBSCL, doanh nghiệp … cho rằng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics đang “níu chân” sự phát triển toàn vùng.

Ngày 18.3, tại Long An, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức “Tọa đàm phát triển cảng biển và logistics ĐBSCL”.

Đường cao tốc chỉ chiếm 3,4% cả nước

Ông Phạm Minh Hải, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), cho biết hiện tổng số đường cao tốc tại ĐBSCL chỉ được 40 km, chiếm 3,4% của cả nước. Tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau dài 245 km đến nay chỉ đưa vào khai thác đoạn TP.HCM - Trung Lương quy mô 4 làn xe (từ năm 2010) với chiều dài 40 km, đạt khoảng 30%. Tỷ lệ đường bộ cao tốc của vùng hiện thấp nhất so với cả nước. Ngay cả tuyến QL1, từ TP.HCM - Cà Mau dài 334 km nhưng hiện chỉ mới được đầu tư hoàn thành 212 km với quy mô 4 làn xe, các đoạn còn lại xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo nhiều tỉnh, thành, doanh nghiệp tại ĐBSCL

BẮC BÌNH

Trong khi đó, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 -3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy với hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Về hàng hải, hiện ĐBSCL đã phát triển được hệ thống gồm 12 cảng biển với 37 bến cảng, tổng chiều dài 7.642 m, 23 bến phao và 16 khu neo đậu chuyển tải, khu tránh, trú bão; 10 tuyến luồng hàng hải với tổng chiều dài khoảng 498,12 km, trong đó đáp ứng cho cỡ tàu lớn nhất là 20.000 DWT giảm tải (Luồng sông Hậu); còn lại chỉ đáp ứng cho cỡ tàu từ 5.000 - 10.000 DWT.

Nhiều cảng biển, bến cảng đã được đầu tư xây mới trong suốt 20 năm qua, điển hình như bến cảng Cái Cui - Cần Thơ, bến cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, bến cảng Trà Cú - Trà Vinh đáp ứng cho tàu trọng tải đến 20.000 DWT; bến cảng Mỹ Thới - An Giang đáp ứng cho tàu trọng tải đến 10.000 DWT và các bến cảng khác trong vùng cũng được quan tâm đầu tư xây dựng.

Khu vực ĐBSCL hiện có 4 sân bay với 2 sân bay dân dụng nội địa là sân bay Rạch Giá (Kiên Giang) và sân bay Cà Mau, 2 sân bay quốc tế là sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) và sân bay Cần Thơ. Đặc điểm chung của các sân bay này là chủ yếu phục vụ vận tải hành khách và chưa có đóng góp nổi bật vào nền kinh tế vùng. Trong đó, các sân bay Cà Mau, Kiên Giang, thậm chí Cần Thơ chỉ hoạt được khoảng 10% công suất thiết kế.

Về số lượng kho, bãi dịch vụ logistics, hiện chỉ tập trung tại Long An, Hậu Giang và TP.Cần Thơ với khối lượng chiếm khoảng 30% tổng các cảng phía Nam, nhưng chỉ đạt được một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

80% hàng xuất khẩu phải chuyển lên TP.HCM hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu

Với tiềm năng và thế mạnh, hằng năm, ĐBSCL sản xuất được hơn 20 triệu tấn hàng hóa, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Nhưng, theo Bộ GTVT, có đến 80% hàng hóa tại khu vực ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng khu vực TP.HCM và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) mới xuất khẩu được.

Cảng quốc tế Long An là một điểm trung chuyển đóng vai trò ngày càng quan trọng cho nhu cầu xuất, nhập khẩu cho khu vực ĐBSCL

BẮC BÌNH

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP; trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa, tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TP.HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm, chủ đầu tư Cảng quốc tế Long An, cho rằng tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL sẽ phát triển xứng tầm nếu T.Ư cũng như các tỉnh, thành trong vùng quan tâm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa…để dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, thế mạnh của ĐBSCL là sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản…và vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của sản phẩm vùng ĐBSCL và cũng cho thấy rất nhiều khó khăn về giao thương hàng hóa trong vùng do hạ tầng giao thông, logistics quá yếu.

Một nghiên cứu của VCCI Cần Thơ mới công bố đã khẳng định một trong những điểm nghẽn của vùng ĐBSCL là dịch vụ logistics và hạ tầng giao thông. Những điểm nghẽn này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề về dân cư, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội...trong toàn vùng. Song song đó, tình trạng ô nhiễm và xâm nhập mặn, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức để đạt được mục tiêu xoay trục cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng thủy sản - cây ăn quả - lúa theo Nghị Quyết số 120 ngày 17.11.2017 của Chính Phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Theo ông Lam, hiện UBND TP.Cần Thơ và Bộ GTVT đang nghiên cứu triển khai dự án phát triển nhà kho hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ thành trung tâm logistics hàng không để xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây giúp tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản và thủy sản của vùng.

Vùng ĐBSCL đang có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics. Cụ thể như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa. Vùng ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn,…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.