Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?

24/12/2024 16:43 GMT+7

Đường Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội thông thoáng ở cả 2 chiều, người dân di chuyển bằng xe máy, ô tô thuận tiện hơn so với thời gian trước khi metro số 1 chưa chạy chính thức.

17 giờ, ngày 23.12, ngày thứ 2 tuyến metro số 1 chạy chính thức, tại các nhà ga, hàng chục ngàn hành khách lần lượt lên tàu để đi làm, đến trường hay chỉ đi lại trải nghiệm.

Ngay những ngày đầu, người dân ở TP.HCM đã tập thói quen đi lại bằng metro. Từ 6 giờ sáng, một số người dân đã đến các nhà ga lên tàu đi làm. Nhiều người từ khắp các quận nội thành, có nơi làm việc ở TP.Thủ Đức chọn metro là phương tiện di chuyển chính. Hoặc ngược lại, nhiều người làm việc ở trung tâm thành phố có nhà ở TP.Thủ Đức cũng chọn phương tiện này.

Giờ tan tầm chiều tối, ngày 23.12, dân công sở lại ồ ạt lên metro trở về nhà sau ngày dài làm việc. Theo ghi nhận, khu vực người lao động đến các nhà ga nhiều là: Khu công nghệ cao, Thủ Đức, Đại học Quốc gia…

Metro số 1 giờ cao điểm: Nhà ga thông thoáng, tàu vẫn kín người

Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?- Ảnh 1.

Giao thông khu vực cầu Sài Gòn thời điểm 17 giờ

Ảnh: Nhật Thịnh

Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?- Ảnh 2.

Vào đầu giờ cao điểm chiều, từ cầu Sài Gòn đổ xuống đoạn đường Võ Nguyên Giáp rất thông thoáng

Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?- Ảnh 3.

Người dân đi lại trên đường Võ Nguyên Giáp vào giờ cao điểm chiều

Theo số liệu thống kê từ Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) cho thấy ngày 23.12 có 200 lượt tàu chạy với 38.751 lượt khách đi lại trên tuyến metro số 1 (metro Bến Thành - Suối Tiên). So với ngày đầu metro số 1 chính thức vận hành đạt 150.000 khách thì lượng khách ngày thứ 2 giảm gần 74%. Trong khi đó, số chuyến tàu ngày 23.12 tăng 23 chuyến và thời gian phục vụ thêm 5 giờ.

Bên dưới metro số 1 là 2 trục đường chính của cửa ngõ phía đông: Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội. Hai tuyến đường này nằm dọc với metro số 1, từ ga Thảo Điền và điểm cuối là ga Suối Tiên, dài khoảng 15 km.

Thời điểm metro chạy chính thức, dù là giờ cao điểm đi làm đầu tuần nhưng 2 tuyến đường này khá thông thoáng, không xuất hiện cảnh xe nối đuôi thành hàng dài, kẹt xe.

Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?- Ảnh 4.

Cùng thời điểm, di chuyển từ khu vực ga Thảo Điền đến Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội thì ở làn xe máy khá đông đúc nhưng làn dành cho ô tô, container lại thưa thớt

Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?- Ảnh 5.

Thời điểm 17 giờ 20, là thời điểm người lao động bên trong Khu Công nghệ cao ra về. Đường D1 rất đông các phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, đến ngã tư Xa lộ Hà Nội không xảy ra tình trạng ùn ứ hay kẹt xe

Ghi nhận vào lúc 17 giờ, tại đoạn đường từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc lượng người về nhà bằng xe máy từ trung tâm khá đông, tuy nhiên tốc độ di chuyển nhanh, không xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện.

Người dân di chuyển bằng xe cá nhân đến đây khá thoải mái. Một phần vì người dân có nhiều lựa chọn đi vào 2 đường song hành nằm dọc đường Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội để về trung tâm TP.Thủ Đức.

Còn tại các ngã tư kết nối với Xa lộ Hà Nội như: Bình Thái, Thủ Đức, đường D1 (Khu Công nghệ cao), Tây Hòa giao thông thông thoáng. Các phương tiện đến đây dừng đèn đỏ cũng không quá ùn ứ kéo dài. Đặc biệt, lúc 17 giờ 30, tại ngã tư Xa lộ Hà Nội - D1 (Khu Công nghệ cao) nơi có mật độ giao thông lớn với xe máy, ô tô và container liên tục di chuyển nhưng cũng di chuyển khá thoải mái.

Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?- Ảnh 6.

17 giờ 45 xe cộ đi lại ở ngã tư trước Khu Công nghệ cao đông đúc hơn

Giao thông ở tuyến đường dọc metro số 1 ra sao vào giờ cao điểm?- Ảnh 7.

Ghi nhận lúc 18 giờ ở ngã tư Tây Hòa - Xa lộ Hà Nội

Thường xuyên đi làm trên tuyến Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Khoa Nam một người dân sống tại đường Hoàng Hữu Nam (TP.Thủ Đức) cho biết trong những ngày này lái xe máy đi vào trung tâm làm việc vào giờ cao điểm đã đỡ cực nhọc hơn.

Anh phân tích buổi sáng chạy từ đoạn bến xe Miền Đông mới đến ga Phước Long khó thông thoáng. Đến đoạn gần cầu Rạch Chiếc nhiều phương tiện chạy chậm, nối đuôi nhau. Tuy nhiên, sau khi qua khỏi cầu tình hình giao thông đã ổn định, anh có thể tăng ga cho xe "băng băng" trên đường để vào trung tâm thành phố. ?

"Hai ngày nay tôi nhận thấy giao thông tại đây quá khả quan sau khi có metro. Tuy vậy, vẫn chưa thể biết được đoạn Xa lộ Hà Nội còn kẹt xe hay không phải chờ vào thời điểm cuối năm. Bởi lượng xe container ra vào các cảng khu vực Bình Thái, Phước Long tăng đột biến và thường làm làm tuyến đường này kẹt xe", anh Nam cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.