Ngày 18.8, Hội nghị lần thứ 11 - Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã diễn ra tại hội trường Thành ủy TP.HCM. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trình bày dự thảo định hướng cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn nữa vì cả nước. Ông Nhân cho hay TP có những lợi thế về cơ cấu kinh tế, chất lượng nhân lực, số lượng doanh nghiệp, chất lượng lao động, tài chính, kiều hối... nhưng phải đối phó với nhiều thách thức, khó khăn.
|
“Hậu quả tất yếu là TP.HCM thiếu kinh phí đầu tư cho hệ thống giao thông, chống ngập, y tế, giáo dục, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây là điều hết sức bất hợp lý, gây bức xúc cho người dân thành phố”, ông Nhân khẳng định.
Ngoài ra, với quy mô dân số ngày càng tăng, TP.HCM đang bị quá tải và lạc hậu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (năm 2016 mật độ đường chỉ đạt 1,98 km/km2, dưới quy chuẩn 10 - 13,3 km/km2, trong khi ở Hà Nội là 3,03 km đường/km2 diện tích đất đô thị), điều đó đã kìm hãm sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước của TP.HCM (năm 2017, TP.HCM có 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, ước thiệt hại khoảng 6 tỉ USD).
Tuy TP.HCM đã cố gắng đầu tư để phát triển giao thông từ vốn ngân sách và một phần vốn xã hội, song tỷ lệ đường giao thông trên 1 km2 (mật độ đường) tăng rất chậm. Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích: Nếu đường giao thông được xây dựng với tốc độ như vừa qua (0,048 km/km2/năm) thì sẽ cần từ 167 - 230 năm nữa TP.HCM mới đạt được quy chuẩn giao thông đô thị. Ngoài ra, trong 11 năm qua, quỹ đất TP.HCM dành cho giao thông tăng rất ít và chậm. Với tốc độ như hiện nay, để đạt được quy chuẩn là 22,3% thì cần 44 năm mới xong quy hoạch đất dành cho giao thông.
“Rõ ràng chúng ta không thể sống lâu mà đợi nữa. Sau này bàn đổi mới thể chế thì phải tìm cách tìm vốn cho giao thông. Giao thông phải trở thành đột phá trong tất cả các đột phá. Giao thông mà không xong thì người đi không được, hàng đi không được và vốn sẽ không vào TP.HCM, từ đó lòng dân ách tắc. Cho nên phải tìm cơ chế để chúng ta giải quyết vấn đề này chứ không ai làm hộ được mình”, ông Nhân nói.
Để TP.HCM phát triển nhanh và bền vững, trong phần kiến nghị, ông Nhân nêu Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành cần phân cấp cho TP một số quyền hạn; cho phép TP tự chủ tài chính; tự chủ về biên chế của bộ máy hành chính và thu nhập của đội ngũ cán bộ; thành lập ban chỉ đạo phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng TP.HCM do Thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo...
Theo chương trình làm việc, hội nghị sẽ dành phần lớn thời gian trong 2 ngày làm việc (ngày 18 và 19.8) để thảo luận về các nội dung trong tờ trình.
Bình luận (0)