Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm (ảnh) khẳng định bức tranh hạ tầng giao thông của TP đã tươi sáng hơn, rõ nét hơn.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu và đề xuất đầu tư mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trước đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) huy động nguồn lực để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cụ thể thì kế hoạch "giải cứu" 2 tuyến cao tốc từ TP.HCM đi các tỉnh này như thế nào, thưa ông?
Đầu tiên phải khẳng định đây là 2 tin rất vui đối với ngành giao thông TP.HCM. Bởi cả 2 dự án đều đã được TP nhiều lần đề xuất nâng cấp, mở rộng và việc này ngày càng cấp bách hơn. Theo quy hoạch, kết nối TP.HCM đi các tỉnh có 5 tuyến cao tốc nhưng đến nay mới chỉ có 2 tuyến đã đưa vào khai thác là tuyến TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nhu cầu giao thông trên cả 2 tuyến hiện đã vượt quá năng lực khai thác, dẫn đến xảy ra tình trạng ùn ứ. Đặc biệt là tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ có 4 làn xe nên giờ cao điểm, cuối tuần hoặc nghỉ lễ thường ùn tắc. Hiện VEC đang được giao nghiên cứu, thu xếp nguồn vốn để mở rộng lên quy mô 8 - 10 làn xe. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ triển khai xây dựng và hoàn thành vào quý 1/2027.
Về phía TP.HCM, chúng ta đã chủ động đầu tư nút giao An Phú, đã làm đường song hành cao tốc, đang mở rộng đường Lương Định Của và hiện đã thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 2 giai đoạn 1. Đến năm 2025, cơ bản đảm bảo kết nối với tuyến cao tốc sau mở rộng. Đây cũng là tuyến đường huyết mạch kết nối từ TP.HCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026. Từ nay đến giai đoạn đó, việc đẩy nhanh mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là vô cùng cấp bách, nếu không kịp thì kết nối giao thông sẽ hết sức khó khăn. Đây là dự án phải đẩy nhanh ưu tiên, thậm chí có những cơ chế đặc thù để khẩn trương mở rộng.
Còn cao tốc TP.HCM - Trung Lương sau nhiều năm khai thác hiện đã mãn tải, cần phải đầu tư mở rộng. Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP, mở rộng lên 8 làn xe, đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận cũng mở rộng lên 6 làn xe, kết nối để từ TP.HCM chạy xuyên suốt cao tốc đến Cần Thơ theo quy hoạch.
Đây là hai tuyến cao tốc chiến lược, một tuyến kết nối TP.HCM về phía đông bắc, một tuyến đi về hướng miền tây, rất quan trọng đối với liên kết vùng TP.HCM nói riêng và Đông Nam bộ nói chung.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nhưng kết nối liên vùng chỉ có 2 tuyến cao tốc đang quá tải chờ mở rộng... Hạ tầng như vậy làm sao đáp ứng được nhu cầu phát triển, thưa ông?
Ngoài 2 tuyến cao tốc đang đưa vào hoạt động, cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được xây dựng hoàn thiện. Đây là một phần của đường Vành đai 3 TP.HCM đã được triển khai trước. Mặc dù gặp khó khăn, phải tạm dừng trong thời gian dài nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công trình hiện đã tái khởi động và dự kiến sẽ hình thành đưa vào khai thác năm 2025.
Còn 2 tuyến đang trong giai đoạn nghiên cứu gồm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (kết nối TP.HCM đi Tây Ninh) và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (kết nối với Bình Dương, Bình Phước). Đối với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, hiện nay đã được xác định phương thức đầu tư theo hình thức BOT và có sự tham gia góp vốn của ngân sách. Dự án có thuận lợi là đã thu xếp được vốn ngân sách để tham gia bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như hỗ trợ một phần vốn xây lắp để tăng thêm tính khả thi. Hiện nay, hồ sơ dự án đã hoàn chỉnh và trình Chính phủ. Bộ KH-ĐT đã thành lập Hội đồng thẩm định, đồng thời tiến hành thẩm định dự án. Dự kiến trong quý 4 năm nay, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ hoàn tất chủ trương đầu tư. Năm sau, TP.HCM, Tây Ninh bắt đầu công tác bồi thường GPMB. Đây là dự án nhóm A, thực hiện theo cơ chế tách phần GPMB thành dự án thành phần như cách làm của Vành đai 3, nên khi bắt tay vào GPMB sẽ đồng thời triển khai song song việc lập dự án xây lắp rồi tổ chức đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư. Theo trình tự như vậy, ước tính đến khoảng cuối 2024 sẽ hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và 2025 có thể khởi công. Đây cũng là dự án nằm trong chương trình đăng ký sẽ khởi công vào dịp 30.4.2025. Một điểm thuận lợi nữa là tuyến cao tốc này đi qua các khu vực địa chất tương đối tốt, khối lượng GPMB không lớn nên có thể triển khai nhanh, hoàn thành vào năm 2027.
Với tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hiện nay Thủ tướng giao tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ trì nghiên cứu. Dự án cao tốc này không nằm trên địa bàn TP nhưng chúng ta nghiên cứu để đầu tư đoạn tuyến kết nối từ nút giao Gò Dưa đến điểm đầu cao tốc (tại Vành đai 3) bằng vốn ngân sách TP. Tỉnh Bình Dương đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến cuối năm nay hoàn tất và trình Chính phủ. Tiến độ cũng tương đối đồng nhất với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2027.
Dự kiến đến 2027, tất cả 5 tuyến cao tốc kết nối vùng giữa TP.HCM đi các tỉnh sẽ hoàn thành.
Vậy còn mạng lưới giao thông nội vùng, cửa ngõ? Phải làm sao để kết nối đồng bộ với hệ thống cao tốc?
Theo kế hoạch, năm 2026 chúng ta sẽ hoàn thành Vành đai 3. Có một điểm đặc biệt là 5 tuyến cao tốc kể trên đều kết nối với Vành đai 3 TP.HCM. Vành đai 4 đoạn đi qua tỉnh Bình Dương tiến độ rất tốt. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn qua khu vực TP.HCM hiện cũng đã cơ bản xong, phấn đấu cuối năm nay sẽ thông qua chủ trương đầu tư, triển khai, hoàn thành vào 2027. Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh, TP và cũng kết nối với các tuyến cao tốc nêu trên.
Có thể hình dung, tới năm 2027 khi các tuyến cao tốc hướng tâm hoàn thành sẽ kết nối với TP.HCM vào Vành đai 3, Vành đai 4. Khu vực cửa ngõ, không gian đô thị của TP.HCM sẽ mở rộng ra, phát huy rất tốt hiệu quả kết nối liên vùng. Phía vòng trong sẽ có các tuyến quốc lộ: QL1, QL22, QL13 cùng Vành đai 2. Trong đó, các dự án mở rộng QL1, QL22, QL13 đã lên phương án triển khai xây dựng theo hình thức BOT, dựa trên cơ sở thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội. Kế hoạch đến 2027 cũng sẽ hoàn thành nâng cấp mở rộng các tuyến này. Cùng thời điểm, Vành đai 2 sẽ khép được toàn bộ đoạn phía đông từ đường Võ Chí Công đến QL1, cùng đoạn 4 từ đường Kinh Dương Vương đến Nguyễn Văn Linh.
Kế hoạch các dự án được vạch mốc rõ ràng, tiến độ xây dựng Vành đai 3 rõ nét, các tuyến cao tốc thì cơ bản thu xếp được vốn… Bức tranh tổng quan giao thông rất tươi sáng, thuận lợi.
Năm 2023 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, cũng là năm khởi sự một loạt công trình trọng điểm theo Nghị quyết mới. Theo đó, sẽ có những dự án được khai sinh theo cơ chế mới. Hiện rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án giao thông của TP, từ cao tốc đến các dự án BOT, BT… Khi danh mục dự án được thông qua, chủ trương đầu tư được phê duyệt, triển khai việc tổ chức kêu gọi đầu tư… thì năm 2024 hứa hẹn sẽ là một năm đột phá trong việc đầu tư hạ tầng giao thông của TP.HCM. Các chuyên gia đã khẳng định kinh tế TP.HCM nghẽn vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, trong đó có giao thông. Vậy nên, khi giao thông đã được tháo gỡ thì chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư.
Bình luận (0)