Hàng xuất nhanh, doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí
Trao đổi với Thanh Niên, thượng úy Hoàng Minh Du, Phó trạm trưởng Trạm biên phòng Cửa khẩu quốc tế Kim Thành (Lào Cai), cho biết ghi nhận từ ngày 8.1 đến nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc tăng lên từng ngày. Cao nhất là ngày 11.1, cửa khẩu này xuất khẩu được 71 xe và nhập khẩu 158 xe hàng. Trong khi trước đây, tổng số xe xuất nhập khẩu trong ngày thường dưới 200 xe.
Cũng theo thượng úy Du, tại cửa khẩu này, Trung Quốc vẫn duy trì giao nhận hàng qua lái xe trung chuyển, nhưng lái xe không cần mặc đồ bảo hộ chống dịch Covid-19. Khâu kiểm tra hàng hóa cũng được cắt bỏ nên tốc độ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu giữa doanh nghiệp hai nước diễn ra rất thuận lợi, nhanh gọn.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành - Lào Cai sôi động ngay từ những ngày đầu năm |
TTXVN |
Còn tại Lạng Sơn, khác với khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ trước đây, các bãi tập kết phương tiện bên trong Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được lấp đầy xe hàng chờ xuất khẩu. Ở sát đường biên giới, xe chở hàng xuất nhập khẩu hối hả qua lại. Không còn phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, hay ngồi trong những cabin dán chằng chịt giấy niêm phong, lái xe chở hàng được mặc tự do, tranh thủ lúc xếp hàng đứng chờ làm thủ tục có thể tiếp xúc, nói chuyện, hút thuốc giải khuây.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương (Long An), cho biết hiện tại mỗi ngày doanh nghiệp này xuất khẩu 5 - 6 container mít, thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu tại Lạng Sơn. Trước đây, mỗi xe hàng khi lên biên giới đều nằm chờ ở cửa khẩu ít nhất nửa ngày. Lái xe phải mở container kiểm hàng, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Theo đó, chi phí mỗi xe hàng bị đội lên 2 - 4 triệu đồng. “Từ ngày 8.1 đến nay, mỗi ngày doanh nghiệp tiết kiệm được vài chục triệu đồng khi không còn phải trả chi phí cho phòng, chống dịch. Sướng nhất là lái xe không còn phải ăn chực, nằm chờ”, bà Nhung nói.
Cũng theo bà Nhung, nội địa Trung Quốc mở cửa các dịch vụ, người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn đối với trái cây Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu. “Chúng tôi và đối tác Trung Quốc đã thống nhất, trong năm nay, ngoài mít, thanh long sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu thêm khoai lang, chuối xanh”, bà Nhung thông tin.
Xe chở hàng nông sản xuất khẩu đã làm xong thủ tục, chờ di chuyển sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh (Ảnh chụp ngày 10.1) |
Phan hậu |
Xuất nhập khẩu còn tăng mạnh
Tỉnh biên giới Lạng Sơn có 12 cửa khẩu với Trung Quốc, nhưng hiện chỉ có 5 cửa khẩu khôi phục hoạt động giao thương, gồm: Cửa khẩu quốc tế ga Đồng Đăng, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Chi Ma, Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam. Thống kê từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho thấy, số lượng xe hàng xuất nhập khẩu từ ngày 8.1 đến nay tăng vọt.
Cụ thể, trong ngày 8.1, Lạng Sơn có 212 xe hàng xuất khẩu và 405 xe hàng nhập khẩu. Đến ngày 11.1, số lượng xe hàng xuất khẩu tăng lên 519 xe, hàng nhập khẩu 747 xe. Qua ghi nhận, hàng xuất khẩu từ Việt Nam nhiều nhất là hoa quả (sầu riêng, mít, thanh long, chuối…) và một số mặt hàng khác như bột sắn, ván bóc, sen sấy khô, thủy sản... Ở chiều ngược lại, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là: thiết bị, máy móc; linh kiện điện tử; đồ gia dụng; nguyên vật liệu.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, vẫn chưa hết sửng sốt: “Chúng tôi không thể ngờ, tốc độ xuất nhập khẩu phục hồi nhanh, số lượng xe hàng xuất nhập khẩu vẫn đang tăng nhanh từng ngày”. Theo ông Duy, yếu tố khiến tốc độ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc phục hồi nhanh là cả hai nước cho phép lái xe chở hàng và người đi cùng được phép lái thẳng xe vào bến bãi của nước đối diện. Đặc biệt, Trung Quốc dỡ bỏ rất nhiều khâu kiểm tra, kiểm soát dịch Covid-19 đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã giảm được rất nhiều chi phí phải chi cho chống dịch trước đây như: xét nghiệm Covid-19; mua dụng cụ bảo hộ lao động; thuê lái xe chuyên trách…
“Xuất khẩu nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc khởi sắc, tăng vọt sau ngày mở cửa biên giới là tiền đề quan trọng để chúng tôi tiếp tục đàm phán với Trung Quốc khôi phục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu vẫn còn đóng cửa, cũng như khôi phục lại phương thức giao nhận hàng như trước dịch Covid-19. Như vậy, năng lực, hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu còn gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới”, ông Duy nói.
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ số 2 Kim Thành - Lào Cai sôi động ngay từ những ngày đầu năm |
TTXVN |
Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của nông sản Việt
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho rằng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành rau quả. Xuất khẩu sầu riêng thành công là ví dụ điển hình. Thị trường tỉ dân này không còn “dễ tính” nữa, nhưng nếu nông sản, trái cây Việt Nam đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì cơ hội xuất khẩu vào Trung Quốc rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới dài, nhiều cửa khẩu, đây sẽ là lợi thế cạnh tranh với các quốc gia khác về giá cả, chi phí vận chuyển. Ông Đạt cũng dự báo, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đặc biệt là những sản phẩm có nghị định thư như: sầu riêng, chuối, khoai lang… còn tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, xuất khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc chiếm khoảng 19,2% thị phần hàng hóa, nông sản nước này đang phải nhập khẩu. Trung Quốc mở cửa sau nhiều năm phong tỏa chống dịch Covid-19 là cơ hội rất lớn cho hàng hóa, nông sản của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính
Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và đây cũng là thị trường được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập, xúc tiến mở cửa thị trường. Và một thay đổi căn cốt hiện nay ở thị trường Trung Quốc mà các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải ghi nhớ: Đó là Trung Quốc bây giờ không còn là thị trường dễ tính như trước đây mà họ đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã, hình thức đóng gói của sản phẩm.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả vào Trung Quốc hiện nay đang phụ thuộc vào việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam. Dù hiện nay, số lượng mã số được Trung Quốc cấp còn chưa nhiều và trong năm 2023 nếu các vùng sản xuất, doanh nghiệp của Việt Nam được cấp thêm nhiều mã số mới thì đóng góp của ngành rau quả vào kim ngạch chung của toàn ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ rất ấn tượng.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua Trung Quốc
Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, nhiều lần gọi điện, trao đổi với chúng tôi phải đặc biệt quan tâm đến thị trường Trung Quốc. Ngay trước khi Trung Quốc mở cửa biên giới, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tất cả đơn vị chức năng phải bám sát tình hình ở biên giới, bố trí lực lượng ở cửa khẩu, tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Phan Hậu (ghi)
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, so sánh nếu như dịp Tết Nguyên đán 2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc liên tục đối diện với ùn tắc ở cửa khẩu, doanh nghiệp phải đổ bỏ hàng thì năm nay lại vô cùng thuận lợi khi nước này hạ cấp độ chống dịch Covid-19, mở cửa biên giới. Ghi nhận từ phía các doanh nghiệp, từ ngày 8.1 đến nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc qua tuyến cửa khẩu phía bắc vô cùng thuận lợi, không còn ùn tắc hàng, thông quan nhanh. Đặc biệt, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí so với trước đây, yếu tố này góp phần gia tăng kim ngạch trong thời gian tới.
Dự báo năm 2023 kim ngạch xuất khẩu rau quả ở thị trường Trung Quốc sẽ đóng góp lớn vào kim ngạch chung của ngành nông nghiệp, bù đắp được sự sụt giảm ở các thị trường khác chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, ở thị trường Trung Quốc hiện nay, Việt Nam đang có nhiều sản phẩm nông sản đã được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch như: sầu riêng, chuối, khoai lang... Trong đó, quả thanh long, sầu riêng đang là thế mạnh. Dự báo xuất khẩu của mỗi loại trái cây này sẽ cán mốc trên 1 tỉ USD. Ngoài ra còn có xoài, chuối mỗi loại xuất khẩu có thể đạt kim ngạch từ 300 - 500 triệu USD; xuất khẩu mít sẽ đạt trên 150 triệu USD. “Xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc năm nay sẽ tăng rất mạnh, dự báo đạt kim ngạch ít nhất 2,5 tỉ USD, thậm chí có thể cán mốc 3 tỉ USD”, ông Nguyên nói.
Vị này cũng khuyến cáo: “Nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu phải ghi nhớ thị trường Trung Quốc bây giờ đã đi sâu vào tiêu chuẩn chất lượng, dư lượng hóa chất không được để tồn dư, từ sản xuất đến kinh doanh mình phải tuân thủ nghiêm túc các quy định, phải làm đúng và đạt tiêu chuẩn để giữ uy tín cho hàng hóa của Việt Nam và để giữ bằng được sự ổn định, tiến tới chiếm lĩnh thị trường lớn này một cách bền vững”.
Bình luận (0)