Sáng 27.10, tại kỳ họp thứ 6, nêu ý kiến góp ý vào dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ đồng ý với mục đích của dự luật, cần thiết huy động sự tham gia của nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dù vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị nên giao lực lượng an ninh, trật tự cơ sở cho cấp ủy, UBND xã và hệ thống chính trị cấp xã quản lý, tổ chức, điều hành, phân công, tuyển dụng, kiểm tra và chăm lo chính sách thay vì giao cho công an xã như dự thảo luật.
Không có công an trong đội ngũ công chức cấp xã
Đại biểu TP.HCM phân tích, chính quyền xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên địa bàn nhưng hiện nay không có công an trong đội ngũ công chức.
Tình trạng này bắt đầu từ khi ban hành Nghị định 42 năm 2021 của Chính phủ về tổ chức công an xã thành lực lượng chính quy. Ông Nghĩa cho biết, tại điều 5 Nghị định 42 quy định, trưởng công an xã chịu sự chỉ huy quản lý trực tiếp của trưởng công an cấp huyện về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an xã.
Trong quan hệ với địa phương, công an xã chỉ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, UBND xã và sự giám sát của HĐND cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
"Với Nghị định 42 năm 2021 và Nghị định 33 năm 2023 (quy định về cán bộ, công chức cấp xã - PV), trong đội ngũ cán bộ công chức của bộ máy chính quyền cấp xã không có chức danh trưởng công an xã", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, điều này dẫn đến tình trạng chính quyền cấp xã không có công chức chuyên trách an ninh trong bộ máy nhưng vẫn có nhiệm vụ là bảo đảm an ninh trên địa bàn theo quy định tại luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
"Điều này, theo tôi khác với thông lệ trước đây của Việt Nam và cũng khác với thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Theo đó, thông thường luôn luôn có lực lượng cảnh sát địa phương trong cơ cấu bộ máy của chính quyền xã và chịu sự chỉ huy trực tiếp của chủ tịch xã", ông Nghĩa nêu.
Cạnh đó, ông Nghĩa cho biết, dự thảo luật dự kiến quy định: lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự quản lý của UBND cấp xã; sự chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phân công kiểm tra của công an cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
"Quy định cấp ủy, lãnh đạo ủy ban quản lý nhưng lại giao cho công an xã chính quy chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phân công, kiểm tra thì làm sao lãnh đạo, quản lý?", ông Nghĩa nói, cho rằng trước đây với công an xã bán chuyên trách (chưa chính quy) thì quy định công an xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của UBND cùng cấp.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, quy định như dự luật là chưa hợp lý khi Nghị định 42 cũng nêu rõ nguyên tắc của việc xây dựng công an xã chính quy là bảo đảm không tăng biên chế của Bộ Công an đến năm 2021, có lộ trình và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
"Với việc lập ra lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở gần 300.000 người và nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã, phải chăng đây là cách tăng biên chế gián tiếp cho lực lượng công an?", ông Nghĩa nêu.
Theo ông Nghĩa, với quy định như vậy, vô hình trung khiến cho đảng ủy và UBND cấp xã không thể chỉ đạo điều hành lực lượng này, trong khi nhiệm vụ của chính quyền cấp xã thì rất cần thẩm quyền này.
Chưa kể, việc quản lý một lực lượng mà tổng số lên gần 30 sư đoàn, theo ông Nghĩa là rất tốn kém, nhiều vấn đề phức tạp. "Liệu công an xã có khả năng chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, phân công kiểm tra để lực lượng này thực sự là lực lượng của dân, do dân, vì dân chứ không hành dân, hạch sách dân hay nhũng nhiễu dân. Khi đó thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Cấp ủy, UBND hay là công an xã?", ông Nghĩa băn khoăn.
Từ đó, ông Nghĩa đề nghị dự thảo quy định rõ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố làm nòng cốt, nhằm hỗ trợ chính quyền cấp xã và hệ thống chính trị cấp xã trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cùng đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của UBND cùng cấp và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của công an xã.
Ông Nghĩa cũng đề nghị, cần quy định rõ công an xã hay công an cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, không quy định điều hành, phân công, kiểm tra, vì các nội dung này thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của UBND cùng cấp.
"Tôi tin rằng giao lực lượng này cho chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý sẽ giúp cho lực lượng này gần dân hơn, sát địa bàn hơn, gắn bó hơn với các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị và hỗ trợ hệ thống chính trị của cấp xã tốt hơn, nhờ vậy sẽ giúp cho chính quyền cấp xã làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên địa bàn một cách hiệu quả hơn", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình) thì bày tỏ thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ về luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo ông, dự thảo luật so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 được tiếp thu tối đa các ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội, có nhiều điểm mới và cần thiết được thông qua tại kỳ họp này.
Theo ông, việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi kiện toàn 3 lực lượng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng thành một lực lượng thống nhất là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gọn đầu mối, dễ điều hành mà không làm tăng biên chế.
Hiện nay với khoảng 300.000 người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 66.723 bảo vệ dân phố, 70.867 công an xã bán chuyên trách, 161.098 đội trưởng, đội phó dân phòng. Việc sáp nhập cơ học 3 lực lượng này phải không làm tăng biên chế. Cạnh đó, theo ông Nam, tính đến hết tháng 12.2022 tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc là 84.721.
“Nếu thành lập tất cả các tổ bảo vệ an ninh, trật tự và trung bình mỗi tổ 3 người thì tổng số khoảng 255.000 người, ít hơn số lượng hiện nay”, ông Nam nêu.
Bình luận (0)