Giáo viên 18 năm nghỉ việc đi làm bánh: 'Người ta nói tôi dại, sự thật là…'

28/08/2019 14:13 GMT+7

‘Dại quá, làm vài năm nữa có phải có lương hưu không’. ‘Đáng tiếc’, ‘liều lĩnh’… Người ta nói về quyết định nghỉ việc chuyển sang nghề làm bánh của chị Lan Nghi, khi chị đứng trên bục giảng một trường THCS đã được 18 năm.

“Nhưng tôi đã có 3 năm để suy nghĩ, trăn trở. Tôi hiểu rằng ai cũng có một cuộc đời, hãy sống theo những gì mình đam mê để mãi mãi sau này không bao giờ phải hối hận. Tôi quyết định nghỉ việc để toàn tâm với làm bánh”, chị Đặng Trần Lan Nghi, 41 tuổi, chủ tiệm bánh mang tên chị ở đường Lê Hồng Phong, P.Cam Lộc, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa chia sẻ.

'Đệ nhất' bánh rau câu sơn thủy

Là thợ bánh đa tài với đủ các loại bánh, sáng tạo với muôn hình vạn trạng bánh khác nhau, nhưng chị Lan Nghi nổi tiếng nhất với bánh rau câu sơn thủy, chỉ từ 4 nguyên liệu rau câu, lá dừa, cà phê, sữa dừa chị Lan Nghi đã tạo ra những chiếc bánh sơn thủy hữu tình, vẻ đẹp huyền diệu, mê hoặc từ cái nhìn đầu tiên.
Chị Lan Nghi cho biết mình có được đam mê với nấu nướng, nghề bánh từ mẹ, ngày nhỏ mỗi khi thấy mẹ làm bánh rau câu chị đều quan sát, sau đó đều tự mày mò làm bánh với nhiều hình thù khác nhau, tạo màu tự nhiên từ lá dứa, si rô.

Bánh do chị Lan Nghi sáng tạo

Người phụ nữ sáng tạo không ngừng trong từng mẫu bánh

L.Ng

Chiếc bánh sống động như một chậu cây sen đá

L.Ng

Chị Lan Nghi cùng người viết trong buổi trò chuyện tại TP.HCM

Bảo Vy

Khi là giáo viên, bận bịu công việc trên lớp nhưng chị vẫn làm bánh để biếu, tặng người thân, sau đó tự sáng tạo, học hỏi để tạo ra bánh rau câu sơn thủy. Năm 2014, bắt đầu được một học sinh hướng dẫn lập tài khoản Facebook, chị Lan Nghi khoe với bạn bè các hình ảnh bánh rau câu sơn thủy đẹp, đó cũng là cơ duyên để nhiều người biết tới đặt hàng của chị hơn. Từ một gợi ý của một bạn trẻ, chị Lan Nghi đăng thông tin mở lớp dạy làm bánh rau câu ở nhà, và không ngờ có những ngày 50 người ở nhiều tỉnh thành về tận nhà của mình ở TP.Cam Ranh, Khánh Hòa để học nghề. “Vừa dạy học trên trường, rồi về nhà dạy làm bánh, rồi làm bánh cho khách, tối khuya lại soạn giáo án, chấm bài cho học trò. Tôi nhớ rất nhiều ngày mình chỉ được ngủ 2 tiếng để đảm bảo công việc trên lớp chu toàn, và bánh cho khách cũng không ảnh hưởng”, chị Lan Nghi nói.
Ở thời điểm có khi mỗi tháng lương giáo viên 5-6 triệu đồng, thì có ngày chị Lan Nghi kiếm được 10 triệu đồng từ việc dạy làm bánh, bán bánh. Tuy nhiên, không “ngủ quên trên chiến thắng”, chị tích lũy số tiền đó để tới TP.HCM, Hà Nội hay bất cứ đâu để theo học những thầy làm bánh giỏi, phát triển nghề làm các loại bánh Âu, Á. Không chỉ gọi chị là "đệ nhất" bánh rau câu, người ta gọi chị là nhà sáng tạo bánh đã bước chân vào “cake biz”. Đang là giảng viên thỉnh giảng của Trung tâm dạy nghề bánh Nhất Hương tại TP.HCM bộ môn rau câu kinh doanh; giảng viên của hệ thống giáo dục trực tuyến Wikilady Hà Nội, chị Lan Nghi còn có hàng ngàn học trò ở khắp mọi miền, nhiều người từ nước ngoài trở về Việt Nam...

Không bây giờ thì sẽ bao giờ?

Buổi dạy cuối cùng của chị Lan Nghi ở Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa đầy nước mắt của các học trò và nhiều đồng nghiệp. Đó là tháng 11.2018. Là giáo viên Trường THCS Trần Quang Khải, đảm nhiệm vai trò dạy lịch sử, giáo dục công dân với phương pháp dạy học sáng tạo, giúp học sinh thêm tình yêu với môn lịch sử, chị Lan Nghi nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh Khánh Hòa. Nhiều năm là tổ trưởng tổ chuyên môn, cô giáo dạy viết chữ đẹp có tiếng ở Khánh Hòa… thế nhưng chị Lan Nghi từ bỏ sự an toàn và ổn định đó để đi theo đam mê lớn nhất đời mình - đó là bánh.

Chị Lan Nghi trong thời gian còn là giáo viên...

L.Ng

"Làm bánh là đam mê lớn nhất của tôi..."

L.Ng

Tỉ mỉ cho những mẫu bánh

“Không phải mọi thứ đều thuận lợi. Có lúc tôi gặp khó khăn, đơn độc, nhưng chưa bao giờ tôi hối hận về quyết định của mình. Tôi không muốn giống như nhiều người, ở yên trong sự an toàn và lâu dần thì nhút nhát, không dám thay đổi, không dám đi theo ước mơ của đời mình vì những nỗi sợ. Sống vì đam mê của mình, không phải bây giờ thì bao giờ?”, chị nói.
Theo chị Lan Nghi, những năm tháng đứng trên bục giảng cho chị kiến thức, kinh nghiệm để bây giờ có thể tiếp tục ở một cương vị mới, người sáng tạo bánh và giảng dạy nghề làm bánh cho nhiều người.
“Đến bây giờ, tôi vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc khi nhớ về những giờ lên lớp, những câu hỏi của học trò, những tình cảm các em dành cho tôi. Tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi có 18 năm đứng trên bục giảng”, chị Lan Nghi chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.