Giáo viên chưa thi tuyển đã sợ... trượt

09/04/2019 09:02 GMT+7

Muốn thi tuyển để đảm bảo chất lượng giáo viên nhưng lại vấp phải vấn đề 'lịch sử để lại' là các giáo viên hợp đồng 15 - 20 năm sợ thi tuyển sẽ trượt và mất việc làm.

Hà Nội đang đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan. Không chỉ có câu chuyện lùm xùm của 256 giáo viên (GV) hợp đồng của H.Sóc Sơn, mà toàn TP có đến hơn 2.700 trường hợp tương tự.

Đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng thi sẽ trượt

Thanh Niên đã nhiều lần đưa tin về việc 256 GV H.Sóc Sơn đứng trước nguy cơ mất việc vì “sợ” thi tuyển. Tuy nhiên, câu chuyện phức tạp hơn rất nhiều, là có đến... hơn 2.700 trường hợp tương tự, ở 20 quận, huyện của TP.Hà Nội. Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị của Sở Nội vụ Hà Nội sáng 8.4 để bàn cách giải quyết bài toán hóc búa này: làm sao vẫn đảm bảo thi tuyển công bằng, tuyển dụng được những GV tốt nhất, mà vẫn đảm bảo an sinh xã hội.

Hiện nay, các GV này và đại diện các quận, huyện có tồn tại lịch sử là quá đông GV hợp đồng đang kiến nghị hoặc xét tuyển đặc cách cho các GV có thâm niên 15 - 20 năm, hoặc vẫn thi tuyển nhưng miễn thi ngoại ngữ, đặc biệt với số GV mầm non và tiểu học.
Theo đại diện H.Thanh Oai - nơi “nóng” nhất, tồn tại nhiều GV hợp đồng nhất, thì huyện này vướng mắc y như H.Sóc Sơn, “một số lao động hợp đồng 20 - 25 năm đề nghị xét tuyển đặc cách hoặc miễn thi ngoại ngữ để họ quyết tâm tiếp tục gắn bó với nghề nghiệp”. Cũng theo vị này, số GV trên đầy đủ điều kiện thi tuyển (nghĩa là có đủ cả chứng chỉ ngoại ngữ và tin học), nhưng lại rất... sợ thi vì thi sẽ trượt.
Đại diện H.Sóc Sơn tuy đã nhất trí không có xét tuyển đặc cách, nhưng đề nghị ngoài thi tuyển sẽ có thêm hình thức xét tuyển đối với GV hợp đồng có thâm niên. Hiện, Sóc Sơn có 174/256 trường hợp nếu xét hồ sơ là đảm bảo đủ qua... vòng 1.
Đây cũng là quan điểm của các huyện Mỹ Đức, Ba Vì... những nơi đều có “tồn tại lịch sử”. Theo đó, các GV hợp đồng lâu năm sẽ được đặc cách vòng 1, chỉ thi vòng 2 là vòng chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, tất cả ý kiến các quận, huyện đều thống nhất không thi phỏng vấn ở vòng 2 để tránh tiêu cực, vì trước đây vòng phỏng vấn không được ghi âm, ghi hình, không được phúc khảo, nên hội đồng thi có thể “tự tung tự tác”, rất nhiều người thi trượt mà không hiểu vì sao.

Xét tuyển cũng khó mà thi càng khó

Tại sao Hà Nội lại vướng phải tình thế tiến thoái lưỡng nan này, trong khi từ 2015, TP đã quán triệt các quận, huyện không được sử dụng GV hợp đồng diện dài hạn, mà cho xét tuyển đặc cách với các trường hợp đủ tiêu chuẩn, còn lại chỉ để hiệu trưởng các trường ký hợp đồng 1 năm với các vị trí thiếu GV. Có vẻ như trong 4 năm đó, nhiều quận, huyện đã không làm hết trách nhiệm trong việc tuyển đặc cách các trường hợp đủ tiêu chuẩn. Lý do vì sao thì chỉ các quận, huyện đó có câu trả lời!
Tình trạng này, ngay cả Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cũng bất ngờ… Ông Sáng cũng nêu một trường hợp điển hình được báo chí nhắc đến rất nhiều ngày nay, là một cô giáo có đến 10 bằng khen của Sở GD-ĐT nhưng thi viên chức vẫn... trượt và đề nghị các “chuyên gia” giáo dục, nội vụ của TP cân nhắc xem Hà Nội nên thi tuyển hay xét tuyển để xử lý tình huống.
Ngay tại hội nghị, ý kiến của các quận, huyện vẫn rất khác nhau, nơi đề nghị thi, nơi đề nghị xét... Tuy nhiên, một số địa phương khác như Q.Long Biên lại e ngại việc Hà Nội đã công bố thi tuyển rình rang, nhiều người ở tỉnh khác cũng đã nộp hồ sơ thi tuyển, mà nay đổi sang xét tuyển sẽ không tránh khỏi dư luận ồn ào.
Kết thúc hội nghị, vẫn chưa phương án nào hợp lý hợp tình được đưa ra và đại diện nhiều quận, huyện vẫn ra về mà chưa biết sẽ thực hiện thế nào. Còn 6 ngày nữa Hà Nội sẽ kết thúc việc nhận hồ sơ thi tuyển, và phương án chốt của TP ra sao, sẽ phải đợi hạ hồi phân giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.