Nhiều giáo viên ngành giáo dục đặc biệt có cuộc sống bấp bênh vì về quê thì không biết làm gì, còn ở lại TP.HCM không trường công lập nào tuyển dụng vì không có hộ khẩu.
Sau niềm vui nhận bằng tốt nghiệp, phần lớn sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt không tìm được việc làm đúng chuyên môn - Ảnh: L.N
|
Trong số 12 sinh viên (SV) Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa nhận bằng tốt nghiệp trong tháng 8, chỉ có 1 SV hộ khẩu TP.HCM. 11 SV còn lại lo lắng chưa biết tương lai sẽ thế nào. Nhiều giáo viên vì không xin được vào các trường chuyên biệt đành ngậm ngùi đi làm những công việc tạm bợ như trực điện thoại tổng đài, bán máy trợ thính, đi làm gia sư...
Ra trường tới nay gần 3 năm, Nguyễn Thị Thúy Vy (Cam Ranh, Khánh Hòa) làm qua rất nhiều nghề. Vy cho biết: “Lúc mới ra trường em xin việc ở nhiều trường chuyên biệt. Sau khi xem bảng điểm, nhiều trường hẹn em tới phỏng vấn. Lúc đầu họ cũng có ý muốn nhận, tuy nhiên khi nộp hồ sơ họ yêu cầu có hộ khẩu thành phố”. Gần đây nhất, Vy làm công việc trực tổng đài cho một công ty tư vấn ở Q.3, nhưng do thu nhập thấp cộng với áp lực công việc nên Vy đã xin nghỉ việc.
Nguyễn Thị Thắm (Gia Lai) cho biết: “Sau khi ra trường em đã nộp hồ sơ vào rất nhiều trường chuyên biệt tại TP.HCM. Ở đây các thầy cô đều nói muốn nhận chúng em nhưng khi làm thủ tục thì thường vướng mắc ở khâu hộ khẩu nên không được. Huyện em nghèo, lại không có trường chuyên biệt nên nếu về quê thì em cũng không biết dạy ở đâu”.
Theo thống kê của Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, năm 2012 - 2013 gần 50% SV ra trường không xin được vào những trường chuyên biệt. “Trong khi nhiều trường chuyên biệt và trường hòa nhập đang đỏ mắt tìm kiếm giáo viên thì SV đúng ngành phải đi làm những công việc tạm bợ. Nguyên nhân không phải là kém chuyên môn mà là vướng mắc hộ khẩu”, bà Hoàng Thị Nga, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hầu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.3, TP.HCM), một trường có dạy trẻ khuyết tật theo chương trình hòa nhập, cho biết trường có gần 200 học sinh thuộc đối tượng giáo dục hòa nhập, mặc dù rất thiếu giáo viên đứng lớp nhưng vẫn không tuyển được vì vướng mắc cơ chế.
Hầu như không có sinh viên TP.HCM học khoa Giáo dục đặc biệt
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập TP.HCM (trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Hầu như không có SV TP.HCM học Khoa Giáo dục đặc biệt. SV sau khi được đào tạo, về địa phương thì địa phương không sử dụng.
Vậy là phải quay lên lại TP.HCM, nhưng vẫn không được tuyển vì không có hộ khẩu, dù rằng TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng giáo viên giáo dục hòa nhập cao. Thực trạng tréo ngoe, mâu thuẫn về nhân lực như trên đã tồn tại khá lâu”.
Như Lịch
|
Bình luận (0)