Giáo viên giỏi vẫn lo trượt thi vào 'biên chế'

30/03/2019 07:01 GMT+7

Nhiều yêu cầu cứng nhắc của kỳ thi viên chức khiến các giáo viên có hàng chục năm giảng dạy, được công nhận là giáo viên giỏi vẫn không có niềm tin rằng mình sẽ đỗ kỳ thi này để vào 'biên chế'.

256 giáo viên (GV) cấp tiểu học và THCS tại H.Sóc Sơn (Hà Nội), đồng loạt “kêu cứu” trước nguy cơ sắp mất việc, trong đó có nhiều người là GV dạy giỏi, phụ trách đội tuyển học sinh giỏi, nhiều người đã cống hiến 20 - 30 năm trong ngành.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn, cho biết theo quy định trong nghị định 161 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức) mới ban hành, 256 GV này bắt buộc phải thi đầy đủ 2 vòng.

Nhiều lý do để không tự tin

Cô Đào Thị Nga, GV Trường THCS Trung Giã, đã có 18 năm là GV hợp đồng, được đánh giá có năng lực chuyên môn cốt cán của trường, từng phụ trách nhóm học sinh có giải quốc gia trong cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng, từng được nhiều danh hiệu thi đua và nâng lương trước thời hạn… Cô Nga cho hay đã từng đi thi “biên chế” nhưng không đỗ và từ đó đến nay cô hoàn toàn mất niềm tin vào kỳ thi này. Năm 2014, cô tham dự kỳ thi nhưng trượt mà không biết nguyên nhân tại sao.
Cô giáo bật khóc vì công tác gần 30 năm vẫn có nguy cơ phải ra khỏi ngành Thanh Hùng
Tương tự, cô Nguyễn Hương Trà là người có 10 năm liền phụ trách đội tuyển học sinh giỏi của huyện, đã được chọn là một trong 10 gương mặt tiêu biểu trong cuộc bình chọn “tấm gương người tốt, việc tốt” của thủ đô Hà Nội… Tuy nhiên, phải đối mặt với kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, cô hoàn toàn không tự tin vì nhiều lý do. Thứ nhất, cùng với tâm trạng của nhiều đồng nghiệp tuy quá trình thực tế dạy học được đánh giá cao, kết quả được “đong đếm” bằng những danh hiệu GV dạy giỏi nhưng lại trượt ở các kỳ thi tuyển viên chức khi thi cùng những sinh viên mới ra trường. Bản thân cô Trà từng thi vào “biên chế” năm 1999, bài thi thực hành được điểm rất cao nhưng điểm bài thi lý thuyết lại bị... liệt, dù cô rất tự tin với phần thi này.
Nói về kỳ thi sắp tới, cô Trà buồn bã nói: “UBND huyện công bố “những GV hợp đồng nếu không thi hoặc thi không đỗ đều cắt hợp đồng” đã đặt những người như chúng tôi vào bước đường cùng”.
Theo cách thức thi mới, vòng 1 sẽ thi tiếng Anh. Vì vậy, vòng thi này với những GV như cô Trà trước đây chỉ học tiếng Nga là một thách thức. Điều thứ hai mà cô Trà băn khoăn là liệu kỳ thi có công bằng, cách thức thi trong 160 phút ở vòng thi thứ hai để đánh giá một GV cống hiến trong nghề 20 năm có phải là một cách làm “hợp tình, hợp lý”?

Vai trò mờ nhạt của ngành giáo dục trong tuyển dụng

Một số trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên đã cho rằng, mấu chốt của vấn đề này vẫn là do ngành GD-ĐT không có quyền quyết định trong việc tuyển chọn chính đội ngũ của mình. Cách tốt nhất vẫn là để cho cấp trường được quyền và phải chịu trách nhiệm trong việc tuyển dụng GV theo đúng vị trí, yêu cầu của họ.
Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, phá luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2016 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội công bố cuối năm 2018 đã chỉ ra rằng: Việc tuyển dụng nhà giáo theo một quy trình và phương thức chung như các viên chức khác cũng bộc lộ những hạn chế và chưa phù hợp. Việc tuyển dụng vẫn chú trọng kiến thức về quản lý nhà nước nói chung, phần thi kỹ năng nghề nghiệp chưa được coi trọng đúng mức, một số địa phương không tổ chức thi thực hành (soạn giáo án, thực giảng). Vai trò của ngành giáo dục và nhà trường trong việc tuyển dụng nhà giáo còn mờ nhạt, chưa phản ánh đúng tinh thần quy định tại điều 58, luật Giáo dục và Nghị định 115 của Chính phủ.
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng, chỉ ra rằng điều 58, luật Giáo dục hiện hành quy định nhà trường có nhiệm vụ và quyền hạn “tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên”. Như vậy, luật đã cho phép các nhà trường được quyền tuyển dụng GV. Tuy nhiên, bất cập là khi có luật Viên chức. Điều 24 luật này quy định: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng.
Theo bà Minh, ủy ban đã nhiều lần kiến nghị sửa luật Viên chức và cần thiết phải có luật Nhà giáo bởi GV không chỉ là viên chức mà còn là nhà sư phạm. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu như những viên chức trong các ngành nghề khác thì nhà giáo còn rất nhiều đặc thù, quy tắc ứng xử riêng. “Vì vậy, nếu chúng ta tuyển dụng GV như viên chức của các ngành nghề khác là rất bất cập”, bà Minh nói.

Không cần biên chế, chỉ mong được ghi nhận đúng

256 GV hợp đồng ở Sóc Sơn đứng trước nguy cơ mất việc đều có chung mong muốn không phải là được vào biên chế mà chỉ cần được tiếp tục là GV hợp đồng như hiện nay để gắn bó và được thừa nhận. Hàng trăm GV trên cho biết họ sẵn sàng tiếp tục là GV hợp đồng với huyện hoặc với trường cho đến lúc nghỉ hưu và được đánh giá bằng năng lực dạy học thực tế, kết quả học tập của học sinh chứ không phải bằng một bài thi 180 phút khô cứng. “Lẽ ra năng lực dạy học phải là minh chứng chân thực, sống động nhất”, cô Nguyễn Hương Trà nói.
Trước thực tế này, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, đề nghị nên bỏ biên chế như hiện nay đối với cán bộ quản lý giáo dục và GV công lập. Tất cả đều thực hiện chế độ hợp đồng lao động có thời hạn. Theo ông Khang, ưu điểm của việc này là sẽ giúp người lao động có động lực để nâng cao năng lực và phẩm chất; có ý thức hoàn thành tốt nhiệm vụ; khắc phục tình trạng ỷ lại, ăn bám, dựa dẫm…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.