Thầy cô không nghỉ
Những ngày qua, một số ý kiến bàn tán trên mạng xã hội về việc giáo viên (GV) thật... “sướng” vì được nghỉ 2 tuần, có thể đi du lịch, đi chơi... Tuy nhiên, nhiều thầy cô giáo cho rằng những ai không hiểu sẽ nghĩ rằng GV được nghỉ nhiều quá.
Trên thực tế, học sinh (HS) được nghỉ không có nghĩa là GV nghỉ theo mà đa số đều phải đến trường làm công tác vệ sinh, phòng dịch; nếu không thì hướng dẫn HS học tại nhà. Nhiều GV cho biết họ không vui vẻ gì với việc nghỉ đột xuất và kéo dài như hiện nay, nhất là khi HS đang học dang dở, nếu không có biện pháp thì khi trở lại trường, nhiều HS quên kiến thức và phải dạy lại rất vất vả. Với những trường tổ chức việc dạy học trực tuyến, một số GV ở Hà Nội cho biết rất vất vả vì phải dựng video bài giảng, phải đọc thắc mắc của HS để giải đáp, chấm bài, sửa bài, thậm chí vất vả hơn dạy trực tiếp...
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho biết tuy HS nghỉ, nhưng nhà trường vẫn thực hiện việc dạy và học trên internet và vẫn theo dõi, nắm bắt tình hình HS. Do vậy, trong những ngày này, các thầy cô vẫn đến trường và làm việc theo tổ chuyên môn và soạn bài, gửi cho HS. “HS nghỉ nhưng nhà trường, thầy cô không nghỉ”, ông Hòa nói.
Trong công văn hướng dẫn HS nghỉ học phòng ngừa dịch bệnh corona, nhiều sở GD-ĐT nêu rõ cán bộ, GV các nhà trường không được nghỉ. Cụ thể, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định nêu rõ trong văn bản: “Trong thời gian HS tạm nghỉ, cán bộ quản lý, GV, nhân viên vẫn làm việc theo sự phân công của hiệu trưởng (vệ sinh trường lớp, sinh hoạt chuyên môn, chuẩn bị đồ dùng học tập...). Đáng chú ý, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định còn “nghiêm cấm cán bộ, GV lợi dụng thời gian HS tạm nghỉ để giải quyết công việc riêng (đi du lịch, lễ hội), nghiêm cấm dạy thêm học thêm; phối hợp với cha mẹ HS trong việc quản lý và theo dõi sức khỏe các em”.
Văn bản của Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ cũng quy định cụ thể nội dung công việc của các thầy cô những ngày này. Theo đó, 100% GV vẫn đến trường, sinh hoạt chuyên môn; hướng dẫn HS tự học, dạy học (trực tuyến); tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại trường và cộng đồng. Các trường cũng được yêu cầu trực kể cả thứ bảy, chủ nhật để nắm tình hình sức khỏe HS, có thông tin, báo cáo hằng ngày và đột xuất.
|
Nghiên cứu, tập huấn chương trình, sách giáo khoa mới
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết trong những ngày HS nghỉ, ngoài soạn bài, dạy online, các thầy cô còn phải nghiên cứu sách giáo khoa lớp 1 cho năm học tới. Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng cũng yêu cầu bằng văn bản về việc trong thời gian HS nghỉ học, cán bộ, GV nhân viên có mặt tại trường trong giờ hành chính để khử khuẩn và tập huấn về phòng, chống dịch, sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới...
Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ khuyến khích GV khai thác, sử dụng hiệu quả trang “Trường học kết nối” của Bộ GD-ĐT và các hình thức, phương pháp học tập trực tuyến khác để tổ chức các khóa học, lớp học cho HS; hướng dẫn HS tự học, ôn tập tại nhà (nhất là ôn thi THPT quốc gia cho HS khối 12, bồi dưỡng kiến thức cho HS lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10), xây dựng kế hoạch dạy bù khi HS đi học trở lại.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng thời gian qua, một số trường thực hiện chương trình giảng dạy online, tuy nhiên, không có chuyện dạy online các chương trình mới mà không dạy khi HS quay lại trường. Các hình thức kết nối giữa thầy và trò để HS tự học, tự ôn. Còn việc thực hiện chương trình vẫn phải sử dụng quỹ thời gian dự phòng để tổ chức dạy bù, đảm bảo đủ thời lượng chương trình. Quy định của Bộ GD-ĐT là sử dụng thời gian học bù để đảm bảo chương trình, đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho HS khi các em trở lại học và đặc biệt đối với những HS chuẩn bị thi cuối cấp.
Cũng theo ông Thành, Bộ GD-ĐT rất khuyến khích GV tận dụng thời gian này để tự bồi dưỡng, tập huấn về chương trình, SGK mới. Tài liệu tập huấn đã có sẵn trên hệ thống học liệu điện tử của ngành nên thầy cô có thể tự học, trước hết là hiểu rõ về nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những thay đổi so với chương trình hiện hành đã là một hoạt động rất có ý nghĩa. Ông Thành cũng khẳng định việc bồi dưỡng GV theo hình thức trực tuyến sẽ là một hoạt động bắt buộc và thường xuyên trong lần đổi mới chương trình lần này.
Dự kiến đa số địa phương sẽ cho học sinh trở lại trường vào tuần tới
* Vĩnh Phúc đề nghị cho học sinh tiếp tục nghỉ học
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết việc cho HS trở lại trường từ ngày 17.2 sau 2 tuần nghỉ học phòng ngừa dịch corona hay không sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên, xu hướng chung mà Bộ nắm được là đa số các tỉnh, TP đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để dự kiến đón HS trở lại trường vào tuần tới.
Có một số địa phương có dịch sẽ phải cho HS nghỉ lâu dài, nhưng không phải toàn tỉnh. Theo Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, cơ quan này đã làm văn bản tham mưu với UBND tỉnh cho HS nghỉ thêm một tuần (từ 17.2 đến hết 23.2) để đảm bảo công tác phòng, chống dịch của địa phương. Ngày 11.2, Sở Y tế Vĩnh Phúc cũng bắt đầu biện pháp cách ly tập trung với 6 HS lớp 10A2, Trường THPT Võ Thị Sáu (H.Bình Xuyên) mà đã có tiếp xúc gần với em N.T.T.D, một học sinh cùng lớp và đã được xác định dương tính với corona từ hôm 30.1. Trước đó, 6 em này được cho tự cách ly tại nhà.
Theo ông Độ, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nếu cần thiết Bộ GD-ĐT sẽ quyết định việc điều chỉnh một số mốc thời gian trong quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, ông Độ cũng cho biết đến thời điểm này, Bộ chưa quyết định việc lùi lịch thi THPT quốc gia năm 2020. Sau khi HS trở lại trường, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch học bù cho HS.
Tuyết Mai - Quý Hiên
|
Bình luận (0)