Giáo viên mong hết cảnh 'bội thực' vì đủ loại cuộc thi

14/11/2024 07:52 GMT+7

Nhiều giáo viên cho biết rất bức xúc trước việc họ phải tham gia quá nhiều các cuộc thi, không còn thời gian tâm sức cho các hoạt động giảng dạy chuyên môn và mong được thoát cảnh 'bội thực' này.

Bài báo "Bội thực" vì đủ loại cuộc thi đăng trên Thanh Niên hôm 12.11 phản ánh tình trạng nở rộ các cuộc thi, ôn luyện trực tuyến đưa vào nhà trường dẫn đến 'bội thực' cho giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên còn bị "bủa vây" bởi đủ cuộc thi, phong trào, hoạt động văn nghệ, giáo viên dạy giỏi. Dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là dịp tri ân nhà giáo, nhưng những thầy cô lại cảm thấy quá đuối, quá mệt mỏi, "thở không ra hơi" vì cả ngày ngoài việc đứng lớp lại quay cuồng với đủ hội thi. Bài báo nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ phía các giáo viên.

Giáo viên mong hết cảnh 'bội thực' vì đủ loại cuộc thi- Ảnh 1.

Giáo viên 'bội thực' với đủ loại cuộc thi

ẢNH: GIÁO VIÊN CUNG CẤP

'Bội thực' vì thi văn nghệ, đủ cuộc thi trên mạng, làm khảo sát, xem truyền hình

Giáo viên Minh Lê viết: "Không chỉ riêng các cuộc thi của ngành giáo dục đâu, các cuộc thi khác của các ngành khác cũng bắt giáo viên, học sinh tham gia để lấy số liệu. Còn bắt học sinh, giáo viên đi xem văn nghệ, cổ động, cả chủ nhật hoặc buổi tối. Khổ lắm".

Bạn đọc j3Zpg... cho hay: "Giáo viên chúng tôi cũng rất bức xúc với các kiểu thi, thậm chí còn bắt vào xem truyền hình".

Bạn đọc huy pham bức xúc: "Bực nhất là thi IOE. Là cuộc thi tự nguyện nhưng phụ huynh và học sinh không hiểu. Doanh nghiệp thì hưởng lợi rất nhiều từ các gói tự luyện và thi thử nhưng không hề trả phần trăm hoa hồng cho giáo viên, chi phí tổ chức các vòng thi không có, doanh nghiệp cũng lờ đi. Bực nhất là ghi hình khi thì rồi phải tải lên YouTube hoặc Google Drive, phụ huynh đâu biết nên còn trách giáo viên, học sinh thì háo hức, thất vọng vì không có giải thưởng gì khi nhất, nhì".

Giáo viên lan anh nguyen thi nêu thực trạng: "Không chỉ có học sinh bội thực mà giáo viên chúng tôi cũng bội thực với các cuộc thi tìm hiểu, các cuộc khảo sát, lấy ý kiến…".

Bạn đọc ofP5 chia sẻ: "Biết bao giờ mới chấm dứt các cuộc thi? Tất cả là do bệnh thành tích quá nặng, trường này đua với trường kia, quận này đua với quận nọ, mấy ông ngồi trên lấy thành tích đó mà tự hào, làm nền để được khen, được thăng tiến... Phòng giáo dục thì dựa trên thành tích để đánh giá các hiệu trưởng. Hiệu trưởng muốn được đánh giá xuất sắc thì lại bắt ép giáo viên và học sinh phải thi để báo cáo thành tích của trường". Cũng theo bạn đọc này, thực tế này thì người khổ nhất là giáo viên, học sinh. "Giáo viên thì không có thời gian đầu tư chuyên môn, học sinh thì vất vả học thi đủ thứ, học, thi toàn thứ trên trời dưới đất, ngoài ra còn thêm các cuộc thi của các ban ngành khác nữa...".

"Nghề giáo như nghề làm dâu 100 họ là có thật"

Tài khoản FDNM... cảm thán: "Nghề giáo viên như làm dâu 100 họ là có thật. Chỉ ai trong nghề mới cảm nhận được".

Một giáo viên tại quận Tân Phú, TP.HCM kể với phóng viên Thanh Niên, hiện nay giáo viên này đang phải tham gia nộp bài thi bài giảng kỹ thuật số và bài giảng STEM, tuy nhiên giáo viên nhận được thông tin về cuộc thi gấp gáp. Nếu như kéo giãn thời gian hơn, để giáo viên được tham gia cho thư thả thì đỡ áp lực hơn rất nhiều. Ví dụ các giáo viên có bài giảng lớp 6, 7, 8 có thể chỉnh sửa và gửi đi dự thi kịp, còn lại những giáo viên đưa bài giảng các lớp 5, 9, 12 - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì e rằng không kịp. "Nhiều giáo viên rất đuối sức, mệt mỏi", giáo viên này cho biết.

Giáo viên mong hết cảnh 'bội thực' vì đủ loại cuộc thi- Ảnh 2.

Đủ áp lực bủa vây, giáo viên quá tải, kiệt sức

Trước đó, như Báo Thanh Niên đăng tải, một giáo viên tên Minh Hào (tên nhân vật đã được thay đổi), dạy tại một trường tiểu học tại Q.12 (TP.HCM), cho biết: "Là giáo viên, tôi hiểu mục đích của các cuộc thi trên mạng là giúp các em học sinh có cơ hội ôn tập, giải trí, các em tham gia tự nguyện. Đối tượng tham gia là những học sinh có sở trường, ham thích, cũng như có điều kiện, biết cách sử dụng máy tính. Tôi cũng được biết Bộ GD-ĐT ra văn bản nêu các cuộc thi online chỉ là sân chơi trí tuệ; các trường, đặc biệt là trường tiểu học, không được ép buộc học sinh tham gia, chỉ tham gia với tinh thần tự nguyện". Tuy nhiên theo giáo viên này, có hiện tượng đánh giá thi đua, công tác chủ nhiệm của giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào tỷ lệ học sinh của lớp tham gia thi các cuộc thi. Từ đó, có thể ảnh hưởng tới khoản thu nhập tăng thêm của giáo viên (thu nhập theo Nghị quyết số 08/2023 ngày 19.9.2023 của Hội đồng nhân dân TP.HCM về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM).

Giáo viên Minh Hào cũng chia sẻ, khi TP.HCM có các chính sách đặc thù cho giáo viên công lập, trong đó có thu nhập theo Nghị quyết 08, đã giải quyết được nhiều khó khăn cho giáo viên. Tuy nhiên xảy ra tình trạng có hiệu trưởng lấy thi đua, thành tích, kết quả các cuộc thi vào để kiểm soát giáo viên, đánh giá để xét có đủ điều kiện nhận tiền theo Nghị quyết 08 hay không…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.