Giáo viên muốn phát triển chuyên môn miễn phí có thể tìm đến nơi này

09/08/2023 10:03 GMT+7

Để tạo cơ hội giao lưu học thuật lẫn phát triển chuyên môn, các giáo viên cùng nhau xây dựng một cộng đồng học tập trực tuyến với nhiều hoạt động được tổ chức miễn phí.

Chia sẻ những gì đã học

Cộng đồng giáo viên tiếng Anh (People of TESOL, viết tắt PoT) là một diễn đàn trực tuyến phi lợi nhuận được thành lập từ tháng 9.2021, đến nay quy tụ hơn 12.000 giáo viên trên cả nước. Với khẩu hiệu "chúng tôi chia sẻ những gì đã học được", diễn đàn không chỉ là nơi để thầy cô nêu góc nhìn, kinh nghiệm và kỹ thuật dạy học, mà còn tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến giúp phát triển chuyên môn.

Giáo viên muốn phát triển chuyên môn miễn phí có thể tìm đến nơi này - Ảnh 1.

Giáo viên tham gia hoạt động giao tiếp không đánh giá do PoT tổ chức hồi tháng 5.2023

Đ.K

Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Đăng Khoa, sáng lập và quản trị diễn đàn, cho biết khác với nghề văn phòng có thể gặp nhau khoảng 8 tiếng/ngày, giáo viên thường không có nhiều thời gian để trò chuyện chuyên môn hay hướng dẫn nhau. Đôi khi, các thầy cô chỉ có thể gặp nhau trong 30 phút giờ ăn trưa.

"Nghề giáo được ví như một hộp đựng trứng với giáo viên là những quả trứng. Khi đóng hộp lại, các quả trứng sẽ tách nhau ra, tương tự việc mỗi giáo viên đều biệt lập với đồng nghiệp, chỉ có thể một mình đối mặt với học trò", anh Khoa ví von.

Chưa kể, một số hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học như hội thảo, tập huấn cũng thường phải chờ có đợt tổ chức, và kinh nghiệm cá nhân anh Khoa cho thấy đôi khi đi hội thảo lại... không học được gì, có thể vì diễn giả nước ngoài nói về những kinh nghiệm khó áp dụng được ở Việt Nam. "Việc có một cộng đồng tạo điều kiện cho giáo viên được trao đổi thường xuyên là rất cần thiết", thạc sĩ Khoa nhìn nhận.

Giáo viên muốn phát triển chuyên môn miễn phí có thể tìm đến nơi này - Ảnh 2.

Một buổi hội thảo trực tuyến có sự tham gia chia sẻ của diễn giả nước ngoài

Đ.K

Mặt khác, để xây dựng được một diễn đàn học thuật chất lượng, anh Khoa cho hay có hai yếu tố cần lưu tâm. Thứ nhất, những chia sẻ từ quản trị viên và thành viên nên độc đáo hoặc thực tế, chứ không đơn thuần là chia sẻ tài liệu. Những vấn đề được chia sẻ có thể liên quan đến nền tảng khoa học giáo dục, công cụ hay công nghệ dạy học mới.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng cần tạo được không khí an toàn để cộng đồng sẵn lòng chia sẻ dưới nhiều hình thức khác nhau, như hỏi thăm, tâm sự và hỏi han cách khắc phục vấn đề. "Quản trị viên cũng có thể xây dựng những hoạt động 'kích' thành viên còn ngại chia sẻ phải 'lên tiếng', tạo điều kiện để họ trải lòng", thạc sĩ Khoa đề xuất.

Cũng theo anh Khoa, diễn đàn học thuật cũng tạo động lực để các thầy cô giỏi "hào phóng" chia sẻ kiến thức hơn trước. "Thực tế, ai cũng muốn truyền đạt, học tập cái mới nhưng vì thiếu một cộng đồng chung nên họ chỉ có thể hoạt động độc lập vì không có kênh để chia sẻ", anh Khoa lý giải.

Cách học hiệu quả thông qua cộng đồng học tập

Theo thạc sĩ Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Giáo dục, ĐH Durham (Anh), những diễn đàn như PoT được xem là một cộng đồng học tập (learning community), và kênh học tập này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chuyên môn cho giáo viên.

"Thầy cô được chủ động chọn những kiến thức phù hợp với hoàn cảnh cá nhân, từ đó áp dụng vào thực tiễn lớp học. Cộng đồng còn là nguồn hỗ trợ lớn về chuyên môn, cảm xúc và giúp giáo viên mở rộng mối quan hệ trong ngành. Ngoài ra, các chuyên gia trong cộng đồng cũng thường cập nhật những kiến thức, xu hướng mới nhất trong giáo dục để phổ biến cho thầy cô", thạc sĩ Vũ lý giải.

Giáo viên muốn phát triển chuyên môn miễn phí có thể tìm đến nơi này - Ảnh 3.

Những bài viết trên diễn đàn giúp phát triển chuyên môn thu hút nhiều thầy cô quan tâm

CHỤP MÀN HÌNH

Để việc tham gia cộng đồng học tập đạt hiệu quả, thạc sĩ Vũ nói giáo viên phải xác định nhu cầu, mục tiêu phát triển chuyên môn. Sau đó, thầy cô cần xây dựng kế hoạch phát triển thông qua các kênh học tập như diễn đàn rồi dựa vào sự hỗ trợ của đồng nghiệp, chuyên gia để xây dựng những kỹ năng học tập cần thiết. Dần dà, họ có thể trở thành một phần của diễn đàn bằng cách đóng góp bài viết, ý tưởng, theo thạc sĩ Vũ.

Tuy nhiên, nếu muốn "vào vai" chia sẻ trên diễn đàn, thạc sĩ Vũ khuyên giáo viên cần nghiên cứu nguyên tắc, mục đích và định hướng hoạt động cũng như phát triển của diễn đàn đó; biết đối tượng giáo viên thành viên trong nhóm là những ai, có nhu cầu gì, động cơ ra sao; từ đó mới đưa ra những bài viết, ý tưởng, hoạt động phù hợp.

"Yếu tố quan trọng nhất trong trường hợp này là tính tự chủ trong việc học phát triển chuyên môn. Nó sẽ giúp giáo viên tự tạo động lực, tìm kiếm, chọn lọc và đánh giá các nguồn thông tin, hợp tác, hỗ trợ phù hợp nhất với mình", anh Vũ chia sẻ.

Nhân rộng mô hình nhóm giao tiếp không đánh giá

Về dự định tương lai của PoT, thạc sĩ Đăng Khoa chia sẻ anh sẽ liên kết với Mạng lưới hợp tác nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh (TERECONET) để tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng giáo viên, đồng thời thành lập các nhóm giao tiếp không đánh giá (nonjudgmental dialogue).

"Đây là nhóm giao tiếp nơi người nói sẽ trình bày một vấn đề họ gặp phải khi dạy học và người hiểu sẽ lắng nghe, hỗ trợ người nói trình bày đủ ý nhưng tránh đưa ra lời khuyên. Qua quá trình chia sẻ và giải thích, người nói sẽ dần tự nhận ra được vấn đề của mình và hướng đến một giải pháp sư phạm", anh Khoa thông tin.

Để nhân rộng mô hình này, anh Khoa nói sẽ giới thiệu đến các trường phổ thông dưới hình thức họp tổ chuyên môn. "Song song đó, chúng tôi cũng mở câu lạc bộ bồi dưỡng giáo viên, gặp nhau hàng tuần để chia sẻ. Hiện đã có hai nhóm như thế do quỹ học bổng Hornby Trust tài trợ, thầy cô nào thích đều có thể tham gia, không quy định 'đầu vào' hay thu phí", anh Khoa cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.