Giáo viên nêu lý do đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ

10/02/2023 16:50 GMT+7

Cử tri đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ do phát sinh nhiều tiêu cực trong việc 'làm đẹp' học bạ và 'chạy điểm' ở các nhà trường. Theo nhiều thầy cô, kiến nghị trên là có cơ sở.

Văn bản trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: "Dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển ĐH hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học". Như vậy đưa hoàn toàn trách nhiệm về các nhà trường đại học và trung học phổ thông liệu có tin cậy, công bằng?

Giáo viên nêu 5 lý do đề xuất Bộ GD-ĐT bỏ xét tuyển ĐH bằng học bạ   - Ảnh 1.

Có đề nghị bỏ xét tuyển ĐH bằng học bạ, tránh tình trạng "chạy điểm"

ĐÀO NGỌC THẠCH

Là nhà giáo, xin được chia sẻ những băn khoăn sau:

Thứ nhất, điểm học bạ hiện nay thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12.12.2011 áp dụng đối với học sinh chương trình 2006 (lớp 8, 9 và 11, 12); Thông tư 22 số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20.7.2021 áp dụng đối với học sinh học chương trình 2018 (lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10). Tuy điểm học bạ được thực hiện đúng theo thông tư của Bộ GD-ĐT nhưng điểm đánh giá thường xuyên, giữa kỳ và định kỳ khó bảo đảm được sự công bằng giữa các trường trong cùng một tỉnh và giữa các địa phương trong cả nước khi mà đề kiểm tra, điểm kiểm tra có sự nặng nhẹ khác nhau nên điểm số sẽ khác nhau.

Thứ hai, dù đề kiểm tra có thực hiện theo ma trận, hướng dẫn chấm, thực hiện chấm mẫu, chấm chéo, cắt phách… đi chăng cũng không tránh được việc chấm chặt - lỏng giữa các giáo viên, nhất là đối với môn tự luận. Khi giáo viên chấm tự luận, vì tâm lý chấm bài cho học trò của mình nên kết quả không phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh giữa các trường.

Giáo viên nêu 5 lý do đề xuất Bộ GD-ĐT bỏ xét tuyển ĐH bằng học bạ   - Ảnh 2.

Hầu hết các trường ĐH đều sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thứ ba, thầy cô hiện nay thực hiện đúng quy chế chuyên môn và cũng đảm bảo chỉ tiêu đăng ký về chất lượng bộ môn, chất lượng lên lớp thẳng, tốt nghiệp… Để đánh giá xếp loại thi đua cuối năm, không ít thầy cô bằng nhiều cách phải hoàn thành chỉ tiêu, chạy theo thành tích là điều không tránh khỏi, trong đó có điểm số. 

Thứ tư, điểm học bạ là điểm đánh giá một quá trình học tập của học sinh cùng với cách tính điểm trung bình cộng nên việc bù điểm, kéo điểm giữa các kỳ kiểm tra sẽ có lợi thế hơn so với tính điểm môn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học. Vì vậy việc lấy điểm học bạ cũng sẽ lợi thế hơn trong xét tuyển đại học so với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này không bảo đảm sự công bằng trong xét tuyển ĐH giữa các thí sinh trong cả nước.

Thứ năm, hiện nay Bộ GD-ĐT chưa có công cụ quản lý chặt chẽ điểm số nói riêng, điểm học bạ nói chung ở các trường phổ thông mà chỉ ban hành thông tư, kiểm tra thực hiện là chưa đủ.

Như vậy việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường là có cơ sở nên mới có đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ. Bộ GD-ĐT cần lắng nghe nhằm đảm bảo sự công bằng trong tuyển sinh. Nếu được, có thể sử dụng điểm xét tuyển bằng học bạ đối với những trường gặp khó khăn tuyển sinh trong nhiều năm liền và cũng đặt ra chuẩn đầu vào đối với những trường tuyển sinh bằng học bạ với hạn mức, chỉ tiêu thấp nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.